Lời Tòa soạn: Sau 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang có cơ hội lịch sử để đón dòng vốn chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp 4.0, qua đó góp phần quan trọng “nâng chất” nền kinh tế và hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của dân tộc.
Bài 1: Chuyến thăm của tỷ phú và những cơ hội tỷ USD
Tỷ phú Jensen Huang, Chủ tịch, CEO của Tập đoàn Nvidia (Mỹ) vừa tới Việt Nam để thảo luận về việc hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Câu chuyện được kỳ vọng sẽ giống như hơn chục năm trước, khi các tỷ phú Bill Gates, Steve Ballmer, Lee Kun Hee tìm đến, để rồi sau đó, những cơ hội tỷ USD lần lượt được mở ra…
Cơ hội phi thường
Jensen Huang, người được mệnh danh là “phù thủy” trí tuệ nhân tạo (AI), tới Việt Nam vào tuần trước. Xuất hiện giản dị như thường khi, với chiếc áo khoác da màu đen, nhưng cách mà người giàu thứ 34 thế giới này chia sẻ về những cơ hội hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực AI và bán dẫn đã khiến giới kinh doanh và công nghệ Việt Nam vô cùng hào hứng.
“Chúng tôi đã nói với Thủ tướng rằng sẽ cam kết hết sức để biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia. Chúng tôi sẽ thành lập pháp nhân ở Việt Nam”, ông Huang nói trong cuộc tọa đàm với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Tọa đàm được tổ chức tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) - nơi được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm R&D của khu vực và thế giới, đồng thời cũng là trung tâm cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn Nvidia đặt “cứ điểm” tại NIC.
Cụ thể, Bộ trưởng đề nghị phía Nvidia đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư về bán dẫn, AI vào Việt Nam; đồng thời hợp tác, đầu tư, xây dựng các trung tâm R&D, phòng thí nghiệm về thiết kế, phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn của Nvidia tại NIC và các khu công nghệ cao ở Việt Nam.
Hào hứng với lời mời đó, tỷ phú Jensen Huang cho biết, làn sóng AI mới chính là “cơ hội phi thường cho Việt Nam”. “Việt Nam đã chuẩn bị tốt và đây là thời điểm tuyệt vời cho hai bên thiết lập quan hệ chiến lược”, ông Huang nói.
Câu chuyện tốt đẹp đó có lẽ bắt đầu từ chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam hồi tháng 9/2023. Trong chuyến thăm này, Việt Nam và Mỹ chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Hai bên cũng đã nhấn mạnh việc coi đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, trong đó có chip bán dẫn và AI, là trọng tâm hợp tác trong thời gian tới.
Chỉ ít ngày sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến công du tới Mỹ để tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc, kết hợp hoạt động song phương. Các thỏa thuận hợp tác đã được ký với Sysnosys và các doanh nghiệp khác…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khi ấy, cũng đã tới thăm trụ sở Nvidia, mời tỷ phú Jensen Huang tới Việt Nam. Đáp lại lời mời của Thủ tướng, chỉ sau chưa đầy 3 tháng, Chủ tịch Nvidia đã đến và bắt đầu một chương mới trong hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực AI, bán dẫn.
Việt Nam đã trở thành điển hình thành công trên toàn cầu trong thu hút đầu tư nước ngoài khi dòng vốn này tiếp tục xu hướng tăng và chảy vào nhiều ngành, lĩnh vực. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Những viên gạch đầu tiên trong thị trường 1.000 tỷ USD
Rất nhanh sau các thỏa thuận hợp tác song phương Việt - Mỹ, đầu tháng 12/2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc tọa đàm với ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) và hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành bán dẫn và công nghệ cao của Mỹ, từ Intel, Qualcomm đến Ampere, ARM, Synopsys, Infineon, Marvell…
Lần thứ hai quay trở lại Việt Nam, sau khi có bài phát biểu đầy ý nghĩa tại sự kiện khánh thành NIC hồi cuối tháng 10/2023, ông John Neuffer nói rằng, điều đó cho thấy mối quan tâm của cá nhân ông, cũng như các doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam.
“Chúng tôi nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu”, ông John Neuffer nói và chia sẻ rằng, nhiều khoản đầu tư đã được các thành viên của SIA thực hiện tại Việt Nam. Thậm chí, sắp tới, sẽ có những doanh nghiệp tăng gấp đôi các khoản đầu tư tại đây.
Ông John Neuffer chắc chắn không chỉ nói xã giao, bởi lẽ, trong đông đảo doanh nghiệp Mỹ tới tham dự cuộc tọa đàm hôm đó, rất nhiều doanh nghiệp đã đầu tư lớn vào Việt Nam và vẫn đang tiếp tục có những kế hoạch đầu tư mới. Ampere là một ví dụ điển hình.
Cầm trên tay con chip đã được Ampere nghiên cứu tại Việt Nam, ông Harry Clapsis, Giám đốc quan hệ chính phủ của Ampere cho biết, đây là lĩnh vực đòi hỏi nghiên cứu sâu và vì thế, Ampere rất mong muốn được thúc đẩy ở thị trường Việt Nam. Trong 5 năm qua, Ampere đã có các hoạt động R&D và đầu tư tại Việt Nam và đạt được những kết quả tích cực.
Trong khi đó, ông Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam chia sẻ: “Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau. Mong mỏi của Marvell là có thể hợp tác để phát triển công nghiệp bán dẫn, thiết kế vi mạch của Việt Nam”.
Marvell, sau 10 năm phát triển ở Việt Nam, mới đây đã công bố việc thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch tại TP.HCM và cam kết trong vòng 3-5 năm tới, sẽ phát triển vượt bậc nguồn nhân lực tại Việt Nam.
Tất nhiên, trong hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, Intel sẽ không thể đứng ngoài cuộc. Từ năm 2006, Intel đã đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng một nhà máy chip bán dẫn ở TP.HCM và giờ đây, đã tăng vốn đầu tư lên 1,5 tỷ USD, trở thành nhà máy lắp rắp và kiểm định chip bán dẫn lớn nhất toàn cầu của Intel. Quan trọng hơn, sự xuất hiện của Intel chính là “cú hích”, là “sự đảm bảo bằng vàng”, để kể từ đó, làn sóng đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao dồn dập đổ vào Việt Nam.
Nhưng không chỉ có Intel, còn có Amkor đầu tư lớn tại Việt Nam. Tháng 10 vừa qua, Amkor đã chính thức khánh thành nhà máy ở Bắc Ninh, vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, trong đó, giai đoạn I là 520 triệu USD.
Trong “làn sóng” đầu tư vào công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, còn có Hana Micron (Hàn Quốc), với nhà máy 600 triệu USD ở Bắc Giang. Nhưng con số sẽ không dừng lại ở đó, bởi Tập đoàn có kế hoạch nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỷ USD vào năm 2025.
“Hana Micron Vina sẽ là cơ sở sản xuất số 1 trong hoạt động kinh doanh toàn cầu của Tập đoàn Hana Micron”, ông Choi Chang Ho, Chủ tịch Hana Micron cho biết.
Chính những nhà đầu tư này, cùng với Applied Micro, Synopsys, NXP Semiconductors, Hanmi Semiconductor… đã đặt những viên gạch đầu tiên mang tên Việt Nam vào thị trường bán dẫn được Hiệp hội Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) dự báo có quy mô 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
“Thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ phát triển nhanh chóng trong những năm tới và Việt Nam có thể trở thành một trung tâm tăng trưởng lớn của ngành”, ông Clark Tseng, Giám đốc cấp cao của SEMI SEA nói.
Chuyến thăm của tỷ phú và những cái bắt tay tỷ USD
Tháng 4/2006, tỷ phú Bill Gates, Chủ tịch Tập đoàn Microsoft tới thăm Việt Nam. Năm ấy, ở tuổi 50, ông sở hữu khối tài sản trị giá 50 tỷ USD và là người giàu nhất thế giới, theo xếp hạng của Forbes. Vào thời điểm đó, nhiều chuyên gia phân tích dự báo rằng, Mircosoft có thể sẽ là doanh nghiệp tiếp theo, sau Intel, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin còn non nớt, nhưng đầy tiềm năng của Việt Nam.
“Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường chưa được khai thác lớn nhất châu Á”, ông Michael Smith, Giám đốc điều hành HSBC tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói tại thời điểm đó.
Và đúng là sau này, Microsoft có đầu tư một nhà máy ở Bắc Ninh, thông qua việc mua lại nhà máy của Nokia, quy mô hơn 300 triệu USD, đồng thời không ngừng mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Nhưng đó chỉ là một phần trong “giấc mơ” công nghệ cao của Việt Nam. Bởi sau này, rất nhiều tỷ phú toàn cầu đã đến Việt Nam. Cố Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun Hee và sau này là Chủ tịch Lee Jae Yong là một ví dụ. Sau mỗi chuyến thăm là những quyết định mới được đưa ra, để đến hôm nay, Samsung đã đầu tư vào Việt Nam 20 tỷ USD.
Những ngày đầu tháng 11/2017, các chuyên cơ chở những người được coi là đã làm nên diện mạo của kinh tế thế giới liên tiếp đáp xuống sân bay Đà Nẵng để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC. Sau đó, là liên tục các chuyến thăm viếng, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam của lãnh đạo các tập đoàn từ Âu đến Mỹ, Á... Và mới đây, hồi giữa tháng 6/2023, một phái đoàn hùng hậu hơn 200 doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đã tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sang thăm Việt Nam.
Trong số đó, có hàng loạt tỷ phú, như Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Motor Chung Eui-sun, Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang-mo, Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong-bin... Đằng sau các chuyến thăm là những cái bắt tay tỷ USD, là những dự án quy mô lớn được xây dựng và phát triển.
Một hình ảnh mà 35 năm về trước, không ai dám nghĩ tới. Nhưng tất cả đều là sự thật. Và nó khởi nguồn từ một quyết định mang tính lịch sử: ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tháng 12/1987. Để đến hôm nay, sau 35 năm, Việt Nam đã trở thành một điển hình thành công trên toàn cầu trong thu hút đầu tư nước ngoài. Thậm chí, đang có cơ hội lịch sử để đón dòng vốn chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp 4.0, qua đó góp phần quan trọng “nâng chất” nền kinh tế và hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của dân tộc.
Việt Nam có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn
Thứ nhất, có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi. Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam.
Thứ hai, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn.
Thứ ba, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan... Đặc biệt, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ra tuyên bố chung xác định một trong các nội dung hợp tác chiến lược là về đổi mới sáng tạo, trong đó có phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Thứ tư, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn.
Thứ năm, Việt Nam đã thành lập NIC và 3 khu công nghệ cao tại TP.HCM, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao.
- Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Còn tiếp)