Theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Tỉnh 10 tháng đầu năm 2023 là lĩnh vực thu hút đầu tư. Trong đó, tính đến ngày 15/10/2023, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được 65 dự án, gồm 24 dự án cấp mới, 41 dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đăng ký đạt 557,73 triệu USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và vượt kế hoạch cả năm. Các đối tác đầu tư truyền thống (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc) vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Đặc biệt vốn đầu tư của các nhà đầu tư Đài Loan tăng mạnh, đạt 176,18 triệu USD, chiếm gần 32% tổng vốn đăng ký, đứng đầu trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư trên địa bàn Tỉnh trong 10 tháng đầu năm 2023.
Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc nhận định, sự có mặt của các dự án đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia không chỉ đóng góp chủ lực cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người lao động mà còn tạo ra làn sóng đầu tư mới cho Tỉnh.
Trên thực tế, đến nay, trên địa bàn Tỉnh đã có các dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược cũng như có sự đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia như Honda, Toyota, Piaggio… Đây là các nhà đầu tư góp phần lớn trong việc tạo nên bức tranh kinh tế của Vĩnh Phúc ngày nay.
Để có những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư nói chung, thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng, Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong thời gian qua, Tỉnh chú trọng cải thiện môi trường đầu tư. 9 tháng năm 2023, 100% thủ tục đầu tư được kê khai trực tuyến trên hệ thống thông tin quốc gia; 100% thủ tục hành chính về lao động được thực hiện 4 tại chỗ, thời gian giải quyết được rút gọn, nhanh chóng, thuận lợi cho doanh nghiệp. UBND tỉnh kịp thời có văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo thẩm quyền ban hành; xây dựng các giải pháp đồng bộ để xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; xây dựng quy trình về theo dõi, giải quyết và phản hồi vướng mắc của nhà đầu tư; đổi mới nội dung các hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp để nghe phản ánh và kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Vĩnh Phúc tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng ưu tiên dành quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư có quy mô lớn, lĩnh vực đặc thù, phát triển các khu công nghiệp theo các lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh…
Tỉnh cũng đã tổ chức thành công nhiều chuyến xúc tiến đầu tư; trong đó đã xúc tiến tại Hoa Kỳ với nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư và một số tổ chức xúc tiến thương mại nhằm tìm hướng phát triển du lịch và xây dựng đô thị, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực điện tử, ô tô, xe máy, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến thu hút các nhà đầu tư chiến lược Việt Nam - Nhật Bản; tiếp đón và làm việc với hàng chục đoàn các nhà đầu tư từ các nước đến thăm, tìm hiểu môi trường;…
Nhiều “sếu lớn” đã làm tổ tại Vĩnh Phúc
Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, trong giai đoạn tới, Vĩnh Phúc sẽ ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, giảm phát thải, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn. Trong đó, khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là sản xuất thiết bị điện tử, bán dẫn, ô tô, xe máy điện; ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích thu hút các dự án thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo chất lượng cao, các dự án du lịch, khách sạn; ưu tiên các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng chuyên biệt, tạo kết nối và liên kết cụm ngành; các dự án xử lý nước thải, rác thải công nghiệp và sinh hoạt.
Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030; có phương án ưu đãi, hỗ trợ đối với những dự án quan trọng, có tính lan tỏa, bảo đảm phù hợp quy định pháp luật hiện hành và tính cạnh tranh so với các quốc gia khác. Quy hoạch các vùng sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, gắn khu công nghiệp liên kết với khu đô thị, cụm công nghiệp CCN, khu nhà ở chuyên gia và các điều kiện môi trường sống an toàn, lành mạnh.