Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 30 năm triển khai thực hiện, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả vượt bậc. Ước tính, vốn thực hiện đến nay đạt gần 313 tỷ USD với trên 24.000 dự án; vốn FDI chiếm 25% đầu tư toàn xã hội và gần 20% GDP, chiếm 70% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo đánh giá của WB, xu hướng thu hút FDI gần đây của Việt Nam có nhiều chuyển biến khá tích cực về chất lượng khi thu hút được nhiều dự án có giá trị cao, nội hàm công nghệ sáng tạo lớn từ nhiều tập đoàn hàng đầu trong khu vực và toàn cầu. Về số lượng, nếu tính theo tỷ trọng đóng góp trong GDP và bình quân đầu người thì đã vượt các đối thủ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước ASEAN.
“Chi phí lao động và năng lượng thấp, cùng chính sách thuế ưu đãi là những lý do chính để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, lợi thế về lao động giá rẻ của Việt Nam đang mất dần. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt Nam phải phát triển dựa trên nền tảng về kỹ năng lao động, công nghệ, chuỗi sản xuất, thay vì ngày càng thâm dụng các lợi thế cũ này”, ông Wim Douw, Chuyên gia cao cấp về Chính sách đầu tư thương mại và cạnh tranh (WB) bình luận.
Ở khía cạnh khác, ông David Brown - Cố vấn cao cấp Chính sách đầu tư (WB) cho rằng, các địa phương và các ngành cần thay đổi tư duy cạnh tranh bằng chi phí lao động rẻ và cơ chế ưu đãi, cần chấm dứt việc chạy đua ưu đãi đến mức tối đa để thu hút nhà đầu tư.
“Đặc biệt, tư duy quản lý quan liêu, hành chính, giấy tờ chủ yếu là ‘dấu đỏ’ cần phải được thay bằng ‘trải thảm đỏ’ để đón nhà đầu tư”, ông Brown nói.
Không thu hút FDI bằng mọi giá
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, tư duy trải thảm đỏ không có nghĩa là thu hút FDI bằng mọi giá.
“Trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ, Việt Nam cần xây dựng chính sách thu hút FDI phù hợp, chứ không phải thu hút đầu tư bằng mọi cách. Hơn nữa, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm nước kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình và đang cố gắng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Vậy nên cách tiếp cận chính sách thu hút FDI cũng phải gắn với những yếu tố này”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Trên cơ sở nghiên cứu các xu hướng thay đổi trong cạnh tranh thu hút FDI toàn cầu hiện nay, các chuyên gia của WB cho rằng, Việt Nam cần chuyển cách tiếp cận thu hút FDI dựa trên các tài sản chiến lược, thay vì dựa vào tài nguyên, mở rộng thị trường hay giá rẻ, đồng thời tiếp tục coi trọng thu hút FDI vào những hoạt động có giá trị thấp, hơn là vào các địa phương có thu nhập bình quân còn thấp.
“Việt Nam cần có có cách tiếp cận mới để thu hút đầu tư dựa vào năng lực, đổi mới, môi trường kinh doanh và thiên nhiên tốt. Đây chính là nền tảng để có chiến lược thu hút FDI thế hệ mới tập trung vào nội hàm chất lượng. Còn các nhà đầu tư theo xu hướng tìm kiếm thị trường chắc chắn sẽ đến mà không cần phải quảng bá hay ưu đãi nếu đất nước có nguồn lực hấp dẫn và thị trường lớn”, ông Simon Bell - Cố vấn cao cấp Chính sách đầu tư (WB) phân tích.
Theo chuyên gia này, để tránh bẫy thu nhập trung bình và trở thành nước có thu nhập cao, chiến lược FDI thế hệ mới của Việt Nam cần tập trung thu hút FDI từ những nhà đầu tư có xu hướng tạo ra mức lương cao hơn, thông qua tạo ra sản phẩm đầu ra có giá trị cao, phát triển kỹ năng chuyển giao công nghệ và nghiên cứu phát triển trong nước; khuyến khích sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, không chỉ năng lượng, mà cả tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguyên liệu thô; tạo cơ hội cho doanh nghiệp địa phương cùng hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài trong vai trò cấu thành chuỗi giá trị toàn cầu và không thay thế nhà đầu tư trong nước, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương và FDI tại Việt Nam thông qua cải thiện chuỗi cung ứng, hậu cần.
“Chúng tôi cho rằng, những ngành Việt Nam cần ưu tiên gia tăng giá trị và năng lực cạnh tranh bao gồm ngành sản xuất với kim loại bậc cao, khoáng chất, máy và thiết bị công nghiệp. Nông nghiệp phải dịch chuyển dần sang sản phẩm có giá trị cao như cà phê đặc sản, hản sải.
Trong ngắn hạn, Việt Nam cần sản xuất thiết bị gốc và cung cấp thiết bị vận tải, ô tô, công nghệ môi trường. Trong trung hạn, Việt Nam phát triển kỹ năng sản xuất, chế tạo dược phẩm và thiết bị y tế, dịch vụ công nghệ tài chính, tiếp tục phát huy thế mạnh của ngành nghề đang có như lắp ráp điện tử, dệt may, da giày...”, ông Bell nói.