Thu hồi tài sản tham nhũng: Bát nước hắt đi hốt lại không thể đầy

0:00 / 0:00
0:00
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh khi hồi âm ý kiến về thu hồi tài sản tham nhũng tại phiên họp sáng 12/1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí hồi âm ý kiến Thường vụ Quốc hội (Ảnh LH). Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí hồi âm ý kiến Thường vụ Quốc hội (Ảnh LH).

Trong thời gian nửa buổi sáng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về báo cáo công tác của cả nhiệm kỳ của Chánh án Toà án nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Phần báo cáo, Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh, tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Liên quan đến vấn đề này, tại báo cáo đầy đủ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Trí cho biết, Viện kiểm sát các cấp đã tích cực áp dụng các biện pháp tố tụng để thu hồi triệt để tài sản do phạm tội mà có, nhất là tội phạm về tham nhũng.

Như, đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ thu hồi tài sản; chỉ tiêu ban hành yêu cầu điều tra, xác minh về tài sản; phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra và tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan truy nguyên dòng tiền, tài sản bị tẩu tán, chuyển dịch ngay từ khi thụ lý nguồn tin về tội phạm; vận động, động viên, thuyết phục các đối tượng phạm tội và người thân tự nguyện giao nộp, khắc phục thiệt hại. Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế đạt 53,9% trong đó tỷ lệ thu hồi năm sau tăng so với năm trước. Năm 2017, đạt 29,4%; năm 2018, đạt 45,2%; năm 2019, đạt 52,5%; năm 2020, đạt 59%.

Nhắc lại con số gần 80.000 tỷ thu hồi trong các vụ án tham nhũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói, hai lần ra nghị quyết Quốc hội mới bố trí được 79.000 tỷ cho tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, mà thu hồi đạt gần 80.000 tỷ là con số rất lớn. Tuy nhiên, ông Thanh muốn biết con số này chiếm tỷ lệ bao nhiêu, tăng hay giảm thế nào so với nhiệm kỳ trước.

Được mời nói rõ thêm một số vấn đề Thường vụ Quốc hội quan tâm, trong đó có thu hồi tài sản tham nhũng, Chánh án Nguyễn Hoà bình nêu ngắn gọn: đây là vấn đề rất được quan tâm, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vượt trội so với nhiệm kỳ trước.

Viện trưởng Lê Minh Trí nêu cụ thể hơn. Ông cho biết, trước đây thì chỉ khi tuyên án mới tính đến thu hồi tài sản tham nhũng, việc này do cơ quan thi hành án làm được đến đâu thì hay đến đó, không được thì thôi.

Đến nhiệm kỳ này, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng yêu cầu quan tâm đến thu hồi tài sản tham nhũng từ khâu đầu tiên, từ điều tra, truy tố, xét xử, nhiều thủ được tháo gỡ, nên kết quả cao hơn.

Nhưng, ông Trí nhấn mạnh là ông đã đề nghị phải ban hành luật đăng ký tài sản, vì kê khai tài sản hiện nay chỉ thực hiện trong hệ thống, trong khi đó tài sản lớn thì toàn người ngoài hệ thống đứng tên.

Trong xã hội có người chưa đến 30 tuổi sở hữu tài sản cả mấy trăm tỷ, thậm chí ngàn tỷ, nếu có luật đăng ký tài sản thì mọi người đều phải giải trình về nguồn gốc, những người này sẽ phải chứng minh nguồn gốc tài sản đang sở hữu - Viện trưởng Lê Minh Trí phân tích.

Còn nếu chưa có luật này, ông Trí cho rằng việc thu hồi tài sản tham nhũng dù có cố gắng bao nhiêu thì đến mức nào đó sẽ phải dừng lại. Bát nước đổ đi thì hốt lại không bao giờ đầy được - Viện trưởng nhấn mạnh.

Về mức độ tăng giảm của tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, Viện trưởng nói nếu ông nhớ không nhầm thì nhiệm kỳ trước tỷ lệ chỉ từ 5-10%, tới giờ này có những lúc đã tăng đến hơn 50%. "Nhưng tăng đến 100% thì không tăng được đâu" - ông Trí nhấn mạnh.

Sau đó, hồi âm ý kiến đại biểu về việc đảm bảo việc cấp phép cho luật sư tham gia vào quá trình tố tụng, Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định đã chỉ đạo làm đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, luật sư hành nghề thì phải bảo vệ thân chủ, tất nhiên có lúc cũng cản trở quá trình điều tra, thế nên vào sớm ở mức nào thì tùy vụ việc.

Có vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng đã đồng ý khắc phục hậu quả 800 tỷ, khi có luật sư vào thì sau đó lại không nhắc tới nộp số tiền này nữa nữa - ông Trí lấy ví dụ.

Rồi có vụ án, bị cáo cũng đã cam kết nộp lại 500 tỷ, nhưng sau đó người nhà vào gặp có một lần là không bao giờ nói đến nộp số tiền này nữa.

Từ phân tích này, Viện trưởng cho rằng, cấp phép cho luật sư hoạt động đúng quy định, nhưng như thế không có nghĩa là không tính đến hiệu quả đấu tranh chống tội phạm.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục