Thông tin tiêu cực sẽ sớm qua

(ĐTCK) Thông tin liên quan đến nhân sự cấp cao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng như việc bắt tạm giam 2 nguyên lãnh đạo Ngân hàng GPBank, tiến trình điều tra tại Ngân hàng Xây dựng… được cho là tiêu cực xuất hiện vào cuối tuần qua khiến tâm lý thị trường thay đổi. Sắc đỏ bao trùm 2 phiên giao dịch đầu tuần, mặc dù nền tảng của thị trường đang có sự chuyển biến tích cực.
Thông tin tiêu cực sẽ sớm qua

Tác động tâm lý

Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc ông Nguyễn Xuân Sơn thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Ông Sơn được bổ nhiệm vị trí người đứng đầu tập đoàn kinh tế lớn nhất nước này hơn 1 năm trước.

Nguyên nhân của việc này, theo các nguồn tin, là do trước đây ông Sơn có liên quan đến các vụ việc tại OceanBank. Trước đó, thông tin về việc ông Sơn làm việc với cơ quan điều tra đã râm ran trên thị trường từ cách đây vài tháng.

Cũng trong các ngày cuối tuần, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã tiến hành thực hiện quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Tạ Bá Long, nguyên Chủ tịch HĐQT GPBank và ông Đoàn Văn An, nguyên Phó chủ tịch HĐQT, GPBank về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự. Đây đều là các doanh nhân khá nổi tiếng của Việt Nam.

Đồng thời, cơ quan công an cũng thông báo thông tin rất đáng chú ý đối với vụ án tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB). Kết quả điều tra đến nay có đủ căn cứ xác định, từ tháng 12/2012 đến tháng 3/2014, Phạm Công Danh với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau đổi tên là Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh đã chỉ đạo cấp dưới rút 18.413,867 tỷ đồng của VNCB để sử dụng cá nhân.

Do PVN là tập đoàn kinh tế lớn nhất đất nước nên việc xáo trộn nhân sự cấp cao nhất của tập đoàn này đã thu hút sự quan tâm của dư luận, cũng như các nhà đầu tư trên sàn. Còn trong các vụ việc tiêu cực liên quan đến các ngân hàng, số tiền thất thoát không nhỏ và sẽ để lại hậu quả kéo dài đối với cả nền kinh tế. Tâm lý nhà đầu tư và thị trường do đó đã bị tác động đáng kể, thay đổi nhanh theo chiều hướng tiêu cực.

Trong 2 phiên đầu tuần, VN-Index có thời điểm giảm sâu xấp xỉ 13 điểm. Nhiều mã dẫn dắt và chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số như GAS, BVH… giảm giá mạnh, kéo nhiều cổ phiếu khác bị tác động tiêu cực. Tuy nhiên, kết thúc phiên ngày 21/7, đà giảm đã được chặn bớt khi chỉ số chung đóng cửa tại 616,91 điểm, giảm 3,93 điểm, nhiều cổ phiếu chủ chốt mất giá nhẹ.

Nền tảng tích cực

Vào đầu tuần này, đã xuất hiện những thông tin cơ bản tích cực. Trước hết, trong cuộc họp ngày 20/7, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam lên 6-6,2% từ dự báo trước đó là 6% nhờ đầu tư và tiêu dùng tư nhân mạnh mẽ.

Theo WB, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi với mức tăng trưởng GDP ước đạt 6.28% trong nửa đầu năm 2015, cao nhất trong 5 năm qua. WB cũng hạ mạnh dự báo lạm phát hàng năm của Việt Nam xuống 2,5% từ dự báo ban đầu là 4,5% do giá năng lượng và thực phẩm thấp trên toàn cầu.

Ở mặt vi mô, các doanh nghiệp niêm yết đang vào mùa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Thông tin ban đầu mà các doanh nghiệp công bố cho thấy, những doanh nghiệp đầu ngành như VNM, FPT, HPG… đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt so với cùng kỳ. Riêng nhóm doanh nghiệp ngành dầu khí, thống kê của CTCK PSI cho thấy, kết quả bán niên của các doanh nghiệp duy trì ở mức cao so với mức trung bình năm.

Chẳng hạn, GAS ước doanh thu hợp nhất đạt 30.904 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 6.279 tỷ đồng. Lợi nhuận này được tính trên giá dầu bình quân 58-60 USD/thùng. PVG công ty mẹ đạt mức doanh thu lũy kế 6 tháng  961,268 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 16,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 8,7 tỷ đồng. PVC ước đạt doanh thu 1.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 180 tỷ đồng, hoàn thành 87% kế hoạch năm. PVT 6 tháng đầu năm lãi trước thuế 190 tỷ đồng…

Với nền tảng doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô lạc quan hơn, các chính sách như nới room, rút ngắn ngày thanh toán… tới đây được thực hiện, TTCK được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại, thanh khoản trong những phiên giảm điểm vừa qua không sụt giảm mạnh cũng là một chỉ báo tích cực.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục