PVN mất vốn 800 tỷ đồng tại Oceanbank: ông Nguyễn Xuân Sơn chịu trách nhiệm gì?

Như thông tin đã đưa, ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc cho thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đối với ông Nguyễn Xuân Sơn để nhận nhiệm vụ tại Bộ Công Thương.
Trên tòa nhà của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam có sự hiện diện của thương hiệu OceanBank Trên tòa nhà của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam có sự hiện diện của thương hiệu OceanBank

Quyết định cho thôi chức này được xem là việc dọn đường để ông Sơn thực hiện các nghĩa vụ giải trình về trách nhiệm liên quan đến thời gian ông này giữ chức TGĐ Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), đồng thời là người đại diện phần vốn góp của PVN tại doanh nghiệp này. Vậy ông Sơn đã chịu trách nhiệm gì khi để PVN mất trắng 800 tỷ đồng tại OceanBank?

Vì sao PVN đầu tư vào OceanBank?

Chỉ 6 tháng sau khi nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank Hà Văn Thắm bị khởi tố, bắt tạm giam, từ một ngân hàng đang “ăn nên làm ra”, các cổ đông OceanBank mất toàn bộ tiền góp mua cổ phần ngân hàng này. Trong đó, các thể nhân là các cổ đông lớn của Oceanbank là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu 20% vốn, tương đương 800 tỷ đồng; Tập đoàn Đại Dương (OGC) và Công ty TNHH VNT là 2 cổ đông lớn cùng sở hữu 20% vốn, tương đương 1.600 tỷ đồng.

Sau khi kinh doanh thua lỗ, Ngân hàng Nhà nước bắt buộc phải mua lại OceanBank với giá 0 đồng, thì dư luận mới đặt ra vấn đề 800 tỷ đồng PVN đầu tư đã hoàn toàn “mất trắng”, vậy trách nhiệm thuộc về ai?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2014 của OGC, đến ngày 30/9/2014, OGC đã đầu tư 986,5 tỷ đồng vào OceanBank và đây là số tiền lớn nhất trong danh mục đầu tư vào các công ty liên kết của OGC. Số tiền này của cả PetroVietnam và OGC đã mất trắng khi chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng là NHNN, đồng thời chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách của các cổ đông hiện hữu.

Là doanh nghiệp niêm yết, OGC sẽ phải hạch toán khoản mất vốn ở OceanBank vào báo cáo tài chính gần nhất. Con số lợi nhuận sau thuế hơn 400 tỷ đồng năm 2014 của OGC trước khi hợp nhất đã biến thành khoản lỗ sau khi hợp nhất. OGC là doanh nghiệp tư nhân, lỗ hay lãi cổ đông đều phải gánh chịu.

Tuy nhiên, PetroVietnam là doanh nghiệp nhà nước, việc hạch toán khoản mất vốn này ra sao, hiện chưa ai rõ, vì PVN không phải là doanh nghiệp niêm yết.

Trước đó, trả lời báo chí về các khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết với các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, ông Nguyễn Xuân Sơn - khi đó là Chủ tịch HĐTV PVN cho rằng, các khoản đầu tư ngoài ngành đều nằm trong ngưỡng an toàn và PVN đang thoái vốn theo lộ trình theo chỉ đạo của Chính phủ đến năm 2015, sẽ thoái toàn bộ vốn.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính phân tích cho rằng, nếu thuần tuý về giá trị thì số tiền 800 tỷ đồng với PVN là không lớn, song vấn đề nằm ở chỗ vì sao một “ông lớn” có tầm ảnh hưởng đến nền kinh tế, đến tăng trưởng GDP của cả nước như PVN lại đem tiền mua cổ phần ngân hàng?

 Ông Nguyễn Xuân Sơn khi còn đương chức Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN

Ông Sơn có lỗi gì?

Ngày 20/7, phóng viên đã nhiều lần tìm cách liên lạc với đại diện Bộ Công Thương hiện là bộ chủ quản của PVN và đại diện PVN, nhưng đều nhận được sự từ chối với lý do không rõ, không biết, cơ quan chức năng có trách nhiệm sẽ giải quyết.

Một quan chức nguyên là thành viên Hội đồng thành viên PVN xác nhận, có nhiều khả năng ông Nguyễn Xuân Sơn liên quan đến những sai phạm xảy ra trong thời kỳ ông này làm Tổng giám đốc Oceanbank (năm 2008 - đầu năm 2010), nhưng nếu xác định ông Sơn có vai trò gì hoặc chịu trách nhiệm đến đâu đối với phần vốn góp của PVN tại OceanBank thì trên thực tế, ông Sơn chỉ có trách nhiệm liên đới.

Chiểu theo các quyết định hiện hành, “Nếu PVN nhận vốn Nhà nước mà kinh doanh lỗ thì phải chịu trách nhiệm và xử theo Quyết định 924/QĐ-TTg (ngày 18/6/2010) và Nghị định 143/NĐ-TTg (ngày 31/10/2013) của Thủ tướng Chính phủ”.

Theo đó, quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc trong việc điều hành và quản lý PVN. Điểm 4, Điều 59, mục 3, Nghị định 143 quy định: “Khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV và TGĐ PVN không được thưởng, không được nâng lương và bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ vị phạm: Để PVN lỗ; để mất vốn nhà nước; quyết định dự án đầu tư không hiệu quả, không thu hồi được vốn đầu tư, không trả được nợ; để xảy ra các sai phạm về quản lý vốn, tài sản, về chế độ kế toán, kiểm toán...”.

TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng: “Dù việc góp cổ phần theo hưởng lời ăn, lỗ chịu, nhưng chắc chắn lãnh đạo của PVN sẽ phải chịu trách nhiệm với Nhà nước về việc quản lý vốn tại DN. Thậm chí nếu phát hiện việc sử dụng vốn nhà nước đầu tư không hiệu quả thì bồi thường hoặc chịu trách nhiệm hình sự. Việc này tới đây cơ quan chủ quản sẽ quyết định dựa trên kết luận của thanh tra, kiểm toán.

Vì vậy, quá trình thực hiện chức năng giám sát của cơ quan chủ quản đầu tư là rất cần thiết, cơ quan này cũng phải có trách nhiệm “tuýt còi” nếu thấy DN bước đến giới hạn nguy hiểm, chứ không nên để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh Thanh tra, giám sát NHNN cho biết, để chủ động trong việc tái cơ cấu NHTMCP Đại Dương, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền tại NHTMCP Đại Dương, NHNN đã quyết định trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của NH Đại Dương và chỉ định VietinBank tham gia quản trị, điều hành NH Đại Dương. Dưới sự chỉ đạo của NHNN, VietinBank đang khẩn trương hoàn thiện phương án tái cơ cấu NH Đại Dương với định hướng khắc phục, xử lý những tồn tại, yếu kém, sai phạm, củng cố lại công tác quản trị, điều hành, đưa NH vào hoạt động bình thường.


Lao động

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục