Đây thực chất chỉ là phương án được Vihaijico đưa ra bàn thảo tại một hội thảo khoa học với kỳ vọng có thể là một trong các giải pháp giải quyết tình trạng “húc đầu vào đá” cải tạo chung cư cũ tồn tại suốt 10 năm qua. Thế nhưng, rất nhanh sau khi các bài viết về đề xuất “lấp 1ha hồ Thành Công” được đăng tải, trên mạng xã hội đã xuất hiện hàng nghìn, hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn bình luận với quan điểm giận dữ dành cho doanh nghiệp này.
Vihaijico sau đó đã có thông cáo báo chí giải thích đầy đủ phương án phải là “lấp 1 ha nhưng lại đào thêm 1 ha để giữ nguyên diện tích mặt hồ”. Thế nhưng, lời giải thích dường như không được dư luận chấp thuận, kể cả khi các cơ quan chức năng của Hà Nội khẳng định chưa hề đưa ra quyết định về phương án này của Vihaijico.
Bấy lâu nay, cải tạo chung cư không được nhiều người mặn mà vì vừa kém lợi nhuận vừa phức tạp bởi nhiều vấn đề đã lưu cữu nhiều chục năm. Đã có ý kiến cho rằng, để các chủ đầu tư có tiềm lực tham gia vào lĩnh vực “không dễ ăn” này thì cần phải kêu gọi ở họ trách nhiệm cộng đồng hơn là bài tính lãi - lỗ đơn thuần.
Nói vậy để thấy rằng, một nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp như Vihaijico khó mà “đặt cược” danh tiếng vào câu chuyện nhạy cảm là… lấp hồ. Ý tưởng nói trên của chủ đầu tư “hay, dở, đúng, sai” sẽ có các chuyên gia đánh giá . Nhưng có một điều mà ít người nói đến là sau câu chuyện “húc đầu vào đá” dư luận này của nhà đầu tư, rất có thể câu chuyện cải tạo chung cư cũ sẽ tắc như đã từng tắc bấy lâu nay.
Mà sự nhếch nhác, thậm chí nguy hiểm của các chung cư cũ là chuyện đã trở nên nhức nhối!
Từ câu chuyện của Vihaijico mới giật mình nhận ra, từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường bất động sản, đặc biệt trên địa bàn Hà Nội tràn ngập những thông tin tiêu cực. Mở bất cứ trang báo nào có nội dung liên quan hầu như đều thấy các vụ việc tranh chấp, kiện cáo giữa khách hàng và chủ đầu tư, của cư dân với ban quản lý…
Mật độ dày đặc các vụ việc không tích cực đang góp phần tạo ra cái nhìn méo mó của cộng đồng về thị trường bất động sản và về các chủ đầu tư. Tất nhiên, có những “con sâu làm rầu nồi canh” cần phải lên án. Nhưng điều đáng nói ở đây là trong bối cảnh nhiễu loạn bởi tin xấu, không thấy vai trò định hướng thông tin của cơ quan quản lý thị trường bất động sản.
Sự im ắng thông tin về định hướng quản lý, giải pháp phát triển thị trường, thậm chí cả những động thái xử lý các hành vi tiêu cực càng khiến khách mua bất động sản như bị lạc giữa ma trận của nhiều thông tin không tích cực.
Và một sự e dè, giảm dần lòng tin của người tiêu dùng có thể sẽ là hậu quả nhãn tiền.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com