Thông tin chính thống không thể bị “xài chùa” vô tội vạ

(ĐTCK) Tình trạng nhiễu loạn thông tin kinh tế - tài chính bao giờ cũng có, nhưng gần đây đang nổi lên với một cường độ dày đặc và độ phức tạp cao. Trước thực tế đó, truyền thông tài chính nên làm gì và đi theo hướng nào để định hướng dư luận?
Ông Đào Văn Lừng

ĐTCK đã phỏng vấn ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng - Trưởng cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại phía Nam.

TTCK nói riêng và thị trường tài chính Việt Nam nói chung đang bị tổn thương nghiêm trọng trước hàng loạt tin đồn nhạy cảm gần đây liên quan đến một số ngân hàng và tổ chức tài chính, gây hoang mang giới đầu tư. Ở góc độ quản lý báo chí và định hướng tuyên truyền, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Quả thật, đối với TTCK còn rất non trẻ như ở Việt Nam, những sự kiện đã và đang diễn ra chắc chắn sẽ là bài học đắt giá không chỉ đối với các nhà quản lý mà nó còn là sự cảnh tỉnh rất nghiêm khắc đối với tất cả những ai đã, đang và sẽ tham gia vào loại thị trường cao cấp này.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây cũng không phải là điều mới. Những thị trường được coi là “mẫu mực” và lâu đời trên thế giới đều đã và đang kinh qua. Chúng ta hẳn không quên hậu quả của cuộc suy thoái đã và đang “tàn phá” nhiều nền kinh tế trên thế giới bắt đầu từ sự “sai chuẩn” của thị trường tài chính và chứng khoán Mỹ, mà suy cho cùng, nó cũng chỉ là hậu quả của sự tham lam không được kiểm soát và giám sát.

Chúng ta đều biết rằng, để thị trường tài chính và chứng khoán phát triển một cách bình thường và lành mạnh, nhất thiết vai trò thiết lập “luật chơi” của Nhà nước phải là quyết định. Vì vậy, việc các cơ quan chức năng vào cuộc vừa qua là một điều tốt cho thị trường tài chính và chứng khoán. Nó vừa là cách để loại bỏ khỏi thị trường những “con sâu”, những người vi phạm pháp luật, đồng thời nhằm bảo vệ thị trường, những DN và nhà đầu tư chân chính.

 

Một thị trường tài chính muốn phát triển minh bạch, bền vững và tạo dựng lòng tin của các nhà đầu tư thì thông tin cần phải minh bạch, rõ ràng từ các chủ thể tham gia lẫn ở góc độ truyền thông. Tuy nhiên, trước các thông tin nhiễu loạn trong thời gian gần đây, theo ông, định hướng nào để truyền thông tài chính làm tốt nhiệm vụ của mình trong giai đoạn hiện nay?

Đúng vậy, công khai, minh bạch và công bằng luôn là những nguyên tắc quan trọng của thị trường. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo để những cá nhân có tài năng và những DN làm ăn có hiệu quả phát triển và thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, tất cả những chủ thể tham gia thị trường đều phải thấu hiểu nguyên tắc này, nhất là trong thời đại thông tin toàn cầu và “Thế giới phẳng” hiện nay. Có thể một cá nhân, một DN, thậm chí một nhóm nào đó được hưởng lợi từ sự không minh bạch khi công bố thông tin, nhưng một khi sự “không minh bạch” ấy bị lộ, thì hậu quả của nó còn lớn hơn gấp nhiều lần cái mà họ đã “thu được”. Không phải ngẫu nhiên mà các DN hàng đầu trên thế giới đều giữ gìn hình ảnh, thương hiệu của họ kỹ càng đến vậy.

Truyền thông cũng thế, trung thực, khách quan, công bằng và phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân luôn luôn là nguyên tắc số một của thông tin. Nếu truyền thông không làm được điều đó, thì bạn đọc sẽ không tin, không đọc và sẽ rời xa. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, đã đến lúc các nhà báo và cơ quan báo chí cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc. Vì không ai “dại” đến mức mất tiền, thời gian, công sức để rồi nhận được những thông tin “cuội”, “vớ vẩn” cả! Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần phải vào cuộc thật quyết liệt, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí cũng như công khai xử lý những thông tin sai để củng cố và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, người đọc, người nghe, người xem báo chí. Đây cũng là cách để bảo vệ thị trường hoạt động theo pháp luật.

 

Trên thực tế, hiện đang tồn tại nhiều trang mạng tài chính - chứng khoán núp bóng, đưa tin giật gân để câu khách, thậm chí vi phạm bản quyền một cách trắng trợn khi “xào nấu” lại tin bài của các tờ báo chính thống nhưng không xin phép. Quan điểm của ông về việc xử lý vấn đề này như thế nào?

Đây đúng là điều đang làm “đau đầu” không chỉ đối với các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật, các nhà đầu tư, các đơn vị, DN tham gia thị trường, mà còn là một vấn đề không nhỏ đối với các cơ quan quản lý. Việt Nam đã có Luật Sở hữu trí tuệ và chúng ta cũng đã tham gia Công ước Berne về sở hữu trí tuệ quyền tác giả trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Tất nhiên, đây là vấn đề mới và khá phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, do đó đòi hỏi phải có sự phân công rõ ràng, sự phối hợp đồng bộ và trên hết là sự kiên quyết của những cơ quan chức năng. Chúng ta đều nhận thức được rằng, xã hội nói chung và nền kinh tế tri thức nói riêng mà chúng ta đang xây dựng không thể phát triển nếu tri thức cứ bị “xài chùa” một cách vô tội vạ. Vì vậy, mọi hình thức vi phạm bản quyền đã được luật quy định đều đáng bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, các cơ quan báo chí cũng cần phải đồng lòng lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước khi các cơ quan quản lý thực thi nhiệm vụ của họ.

Dương Nguyễn thực hiện.
Dương Nguyễn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục