Thông qua Luật Thủ đô, thử nghiệm có động cơ trong sáng được miễn trách nhiệm hình sự

0:00 / 0:00
0:00
Với 462 phiếu thuận, chiếm 95,06%, Luật Thủ đô đã được thông qua trong phiên làm việc sáng 28/6. Luật có 7 chương, 54 điều.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) trong phiên họp sáng 28/6 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) trong phiên họp sáng 28/6

Thử nghiệm có kiểm soát, nếu gây thiệt hại, có thể được miễn trách nhiệm hình sự

Đây là một trong những nội dung được bổ sung trong dự thảo cuối cùng trình Quốc hội để thông qua trong phiên làm việc sáng nay.

Quy định này dành cho cả tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm và cơ quan, công chức trực tiếp hướng dẫn, kiểm soát quá trình này.

Cụ thể, điểm d khoản 4, Điều 25 Luật Thủ đô quy định: Tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm, cá nhân thực hiện thử nghiệm được miễn trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, được loại trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự khi đã tuân thủ đúng và đầy đủ nội dung quy định trong quy chế thử nghiệm có kiểm soát và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Với cơ quan và công chức hướng dẫn, kiểm soát quá trình thử nghiệm, Luật Thủ đô cũng có điều khoản loại trừ trách nhiệm hoặc không xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan nếu thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục, cơ chế hướng dẫn, kiểm soát trong phạm vi trách nhiệm được giao, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung.

Quy định trên không loại trừ trường hợp bên thực hiện thử nghiệm cũng như công chức trong quá trình thử nghiệm đã biết hoặc buộc phải biết về nguy cơ rủi ro nhưng không kịp thời thông tin, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không áp dụng đầy đủ biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra.

Theo Luật Thủ đô, thử nghiệm có kiểm soát là việc cho phép thực hiện các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới chưa được pháp luật quy định hoặc có quy định của pháp luật nhưng không còn phù hợp nên nếu phải áp dụng toàn bộ các quy định hiện hành thì sẽ không thực hiện được.

Khi thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là các nội dung mới, chưa có tiền lệ, lần đầu được triển khai nên mức độ rủi ro thường khá cao, nhiều vấn đề chưa có thực tiễn, chưa thể lường hết được. Nếu không có các quy định về loại trừ, miễn một số loại trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật có liên quan thì không thể khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tích cực tham gia đổi mới sáng tạo.

Đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ tham mưu, hướng dẫn, kiểm soát việc thực hiện các nội dung được thử nghiệm thì cũng cần được áp dụng các quy định về khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung và cần có hành lang pháp lý phù hợp để họ yên tâm, chủ động, sáng tạo trong việc đề xuất các cơ chế quản lý có tính chất đổi mới, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các ý tưởng đổi mới, sáng tạo của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được phát triển, hiện thực hóa, mang lại nhiều lợi ích, hiệu quả cho xã hội.

HĐND TP. Hà Nội được quyết định tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP

Liên quan đến quy định về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Thủ đô quy định áp dụng phương thức đối tác công tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố. Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu, trình tự, thủ tục thực hiện các dự án này thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Đặc biệt, Luật Thủ đô quy định HĐND Thành phố được xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án trong trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn.

Cũng phải nói thêm, đây cũng là chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh

Luật Thủ đô mở rộng các công trình, hạng mục công trình thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành trung ương đóng trên địa bàn Thành phố cũng được thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư và được nhượng quyền khai thác, quản lý.

Để tạo cơ sở cho việc thực hiện chủ trương xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực, Luật quy định cho phép đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội, đơn vị sự nghiệp công lập có cơ sở trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang Bộ) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác trên địa bàn Thành phố thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Xác định rõ quỹ đất thanh toán hợp đồng BT

Luật Thủ đô quy định chặt chẽ các nguyên tắc, điều kiện đối với việc thanh toán hợp đồng BT bằng ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất, bảo đảm minh bạch.

Đối với hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, Luật Thủ đô quy định quỹ đất dùng để thanh toán cho nhà đầu tư là đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý hoặc được thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai, ưu tiên quỹ đất tại vùng phụ cận với công trình đầu tư theo hợp đồng BT, bảo đảm phát huy giá trị quỹ đất, không gây thất thoát, lãng phí, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư.

Nhà đầu tư được giao đất thực hiện dự án đối ứng sau khi đã khởi công, hoàn thành tối thiểu 50% giá trị công trình theo hợp đồng BT, hoàn thành trách nhiệm ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu áp dụng) theo quy định tại hợp đồng BT.

Dự án đối ứng có sử dụng đất chỉ được kinh doanh, khai thác sau khi công trình thực hiện theo hợp đồng BT đã hoàn thành và chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền để tổ chức khai thác.

Luật Thủ đô sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Có một số quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, trong đó có quy định về việc quản lý, sử dụng không gian ngầm; việc thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa; việc phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quy định tại Điều 23; việc thử nghiệm có kiểm soát và việc thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao quy định tại Điều 40...

Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô:

Một là, đầu tư xây dựng đô thị vệ tinh, phát triển đường sắt đô thị, giao thông công cộng khối lượng lớn nội vùng và liên vùng, phát triển khu công nghệ cao, xử lý ô nhiễm môi trường;

Hai là, công nghiệp chế tạo, sản xuất mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip bán dẫn, pin công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo phát triển và chế tạo hệ thống đầu máy, toa xe, thông tin tín hiệu, điều khiển đường sắt, điều khiển giao thông đô thị, thành phố thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

Ba là, phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch.

Theo Luật Thủ đô, căn cứ các dự án thuộc diện ưu tiên thu hút đầu tư trên, nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất dự án đầu tư.

Khánh Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục