Sáng 26/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 bắt đầu phiên làm việc đầu tiên, cho ý kiến Dự thảo luật Thủ đô sửa đổi (Dự thảo), dự kiến sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua tại kỳ họp thứ bảy vào tháng 5 tới.
Sẽ tác động cực kỳ lớn
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhận xét, Dự thảo đã có nhiều chính sách đột phá hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, song vẫn còn một số vấn đề cần được hoàn thiện thêm.
Cụ thể, ông Lâm lo ngại về quy định tại điểm b khoản 2 của điều 20 về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và bảo tồn khu vực, công trình kiến trúc có giá trị.
Đó là quy định “Dự án cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị được thực hiện trên cơ sở chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất tự nguyện thực hiện việc điều chỉnh lại đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai. Trường hợp chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất không thống nhất được việc điều chỉnh lại đất đai thì trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt dự án, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc điều chỉnh lại đất đai, tổ chức lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời nếu được ít nhất là 2/3 tổng số chủ sở hữu nhà ở, người sử dụng đất thuộc phạm vi, ranh giới dự án đồng ý”.
Quy định này, theo ông Lâm tức là nếu 1/3 tổng số chủ sở hữu nhà ở, người sử dụng đất không đồng ý thì có thể bị cưỡng chế.
Đây là vấn đề rất lớn, Luật Đất đai đã không quyết vấn đề này, mà ở đây còn tới 1/3 dân cư trong dự án không đồng tình mà lại cưỡng chế thì sẽ tác động cực kỳ lớn đến xã hội, sẽ dẫn đến khiếu kiện, phức tạp sẽ nảy sinh mà quyền quyết định chỉ là cấp huyện, nên cần được đánh giá kỹ”, ông Lâm nêu quan điểm.
Sửa Luật, Hà Nội có bớt ô nhiễm
Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, vấn đề của Thủ đô hiện nay là ô nhiễm môi trường, không khí, ùn tắc giao thông đang gây khó khăn cho người dân Thủ đô và người dân cả nước đến học tập công tác. Vậy sửa luật lần này có giải quyết được vấn đề này hay không, ông Minh đặt câu hỏi.
Vị đại biểu Cà Mau nêu rõ, theo Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị năm 2022 thì tỷ lệ đất dành cho giao thông khoảng 16-26%, cho cây xanh 10m2/người vào 2030. Vậy tỷ lệ này hiện nay của Hà Nội là bao nhiêu, khi sửa luật này thì hướng các chỉ tiêu thế nào", đại biểu băn khoăn.
Ông Minh đề nghị bổ sung cơ chế giải quyết các vấn đề này, nhất là các cơ chế cho quận nội thành vào điều 28 về bảo vệ môi trường, điều 30 về phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) thì rất cần luật hóa việc khai thác các dòng sông trên địa bàn Thủ đô để khai thác tiềm năng vô cùng to lớn, song hiện nay chưa thực hiện được.
"Sông Hồng đáng lẽ phải trở thành không gian cảnh quan đẹp, sầm uất thì hiện nay hai bên bờ sông đang bỏ hoang, phát triển tự phát, nhếch nhác, trở thành vấn đề bức xúc do không thể tổ chức khai thác vì vướng Quyết định 257 của Chính phủ về phòng chống lũ trên sông Hồng và sông Thái Bình", ông Cường nhìn nhận và đề nghị Luật Thủ đô phải luật hóa vấn đề này.