Công ty cổ phần Thống Nhất hiện quản lý và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Bàu Xéo tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Đây là một trong những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất đầu tư khu công nghiệp lớn nhất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với 500 ha tại huyện Trảng Bom, cùng với đó là vị trí thuận lợi khi nằm sát tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 1A, thuận tiện cho việc kết nối giao thông giữa 2 miền Nam - Bắc và khu vực Đông Nam Bộ.
Dù có nhiều lợi thế, nhưng doanh thu cho thuê và quản lý dịch vụ hạ tầng của doanh nghiệp này thường xuyên nằm trong nhóm thấp nhất ngành, cho dù đang có gần 30 dự án hợp đồng thuê đất tại các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 600 triệu USD.
Tài liệu Đại hội đồng cổ đông 2023 của BAX cho thấy, năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu 254 tỷ đồng, tăng 30,5% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế đạt 64,6 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2021.
Sở dĩ doanh thu tăng mạnh năm 2022 là bởi Công ty thực hiện chuyển nhượng bất động sản tại Dự án Khu trung tâm dịch vụ Bàu Xéo với tổng diện tích là 10.003,8 m2, khiến doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 60,38 tỷ đồng so với năm 2021.
Trong suốt giai đoạn 2008-2018, doanh thu và lợi nhuận sau thuế trung bình của BAX chỉ ở mức vài chục tỷ đồng mỗi năm. Trong 2 năm ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục là 2019 và 2020 thì con số này cũng chưa tới 150 tỷ đồng.
Diễn biến doanh thu và lợi nhuận sau thuế của BAX qua các năm |
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, BAX cho biết, mục tiêu tổng doanh thu 106,37 tỷ đồng, giảm 58% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế 24,8 tỷ đồng, giảm 61,6% so với thực hiện 2022.
Chia sẻ lý do, BAX cho biết, tổng doanh thu năm 2023 thấp hơn chủ yếu do không còn ghi nhận doanh thu bán đất nền tại Dự án Khu trung tâm dịch vụ khu công nghiệp, chỉ còn doanh thu từ hoạt động khu công nghiệp…, không còn lãi chậm trả của Công ty TNHH Jooco Dona (6,7 tỷ đồng).
Việc tìm kiếm dự án mới gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận quỹ đất vì phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, trong khi Công ty quy mô nhỏ, vốn điều lệ và vốn tự có thấp nên không đủ năng lực tài chính để tham gia đấu giá.
Hiện tại, BAX là một trong những doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp có vốn điều lệ thấp nhất khi chỉ ở mức 82 tỷ đồng và chưa tăng vốn kể từ năm 2010.
Từ năm 2008 đến nay, mặc dù lợi nhuận để lại hàng năm khá lớn, nhưng BAX chủ yếu dùng khoản tiền này để chia cổ tức bằng tiền mặt, thay vì phát hành cổ phiếu để bổ sung vốn điều lệ, dẫn đến không thể gia tăng nội lực, mất dần lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Tính tới cuối năm 2022, BAX có lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền đạt 86,15 tỷ đồng. Các khoản tương đương tiền là tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng có giá trị 83,5 tỷ đồng được gửi tại các ngân hàng thương mại với lãi suất 6%/năm.
Chưa kể, tính tới ngày 31/12/2022, BAX có các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng – 12 tháng có giá trị 183,5 tỷ đồng được gửi tại các ngân hàng thương mại với lãi suất từ 4,7% - 11%/năm.
Theo đó, lượng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn (Tiền gửi ngân hàng) của BAX lớn gấp nhiều lần vốn điều lệ, Công ty tiếp tục dành để chia cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông của mình. Năm 2022, Công ty chia cổ tức tỷ lệ 50% bằng tiền mặt và kế hoạch năm 2023 là 25%.
Thực tế, BAX có lượng cổ đông khá cô đặc. Tính tới ngày 31/12/2022, các cổ đông lớn của BAX bao gồm Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai (36,07%), Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa (29,52%), ông Quách Trọng Nguyên (6,47%), America LLC (14,16%) và các cổ đông khác chiếm 13,78%.
Trên sàn, cổ phiếu BAX có thanh khoản khá èo uột, lượng cổ phiếu giao dịch khoảng vài trăm tới vài nghìn cổ phiếu/phiên, nhiều phiên trắng thanh khoản. Trong 1 năm qua, khối lượng giao dịch trung bình của BAX là 1.668 cổ phiếu/phiên.