Tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 6,6%/năm, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình với nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường, từng bước áp dụng mô hình quản trị hiện đại, tiệm cận dần với các thông lệ quốc tế.
Việt Nam đã ký 14 Hiệp định thương mại tự do. Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam bước vào giai đoạn mới của quá trình phát triển, hướng tới phát triển bền vững với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%-7% trong giai đoạn 2016-2020.
Trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, ngành ngân hàng Việt Nam luôn tiên phong trong cải cách, nhằm phát huy tối đa vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo cho cả nền kinh tế, đồng thời đáp ứng sự phát triển năng động của một nền kinh tế đang đổi mới mạnh mẽ.
Chúng tôi xác định, cải cách ngân hàng là một tất yếu khách quan và nhu cầu nội tại của hệ thống, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, biến các thách thức thành cơ hội phát triển bền vững và để hội nhập thành công, càng cần phải liên tục cải cách, đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của từng tổ chức tín dụng cũng như của toàn hệ thống.
Hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam vừa trải qua 5 năm tái cơ cấu, chúng tôi đang báo cáo Chính phủ Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng 5 năm tới (2016-2020).
Trong thời gian tới, ngành ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hội nhập với hệ thống tài chính khu vực và thế giới, không ngừng nâng cao năng lực, áp dụng chuẩn mực quốc tế, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường của chúng tôi.
Trong giai đoạn cải cách mạnh mẽ sắp tới, tôi mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các ngân hàng trong nước. Tôi tin tưởng rằng giai đoạn này sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn hơn nữa cho tất cả chúng ta.