Nợ xấu không riêng ở Việt Nam...
“Trong những chuyến công tác nước ngoài, tôi thường dành thời gian tìm hiểu về thực trạng nợ xấu và cách ứng xử của các quốc gia khác. Tôi nhận ra rằng, không riêng tại Việt Nam, Mỹ, châu Âu hay Singapore của châu Á, nợ xấu trong ngành ngân hàng là luôn tồn tại như một thực tế và bản thân các nước có nền kinh tế phát triển nhất cũng phải có giải pháp xử lý nợ xấu. Điểm Việt Nam chúng ta khác họ là ở chỗ, đất nước ta phải trải qua quá nhiều khó khăn, đặc biệt là những năm gần đây, nên quá trình phát triển đất nước dựa trên nền tảng cấu trúc và nguồn lực tài chính yếu hơn nhiều nước khác. Sức khỏe của các doanh nghiệp yếu hơn, vì thế nợ xấu cũng nan giải hơn họ”, Thiếu tướng, TS. Lê Công, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) chia sẻ.
Tôi cho rằng, việc áp dụng chuẩn Basel II cần tính đến với mọi ngân hàng. Nỗ lực này không chỉ vì Việt Nam cần có hệ thống ngân hàng lành mạnh, mà còn vì nếu chúng ta bước quá chậm, sẽ rất khó để hình dung ra sức cạnh tranh của các ngân hàng nội trong bức tranh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế
- Thiếu tướng, TS. Lê Công
Theo ông Lê Công, quan sát đời sống cũng như sức khỏe của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thấy rõ một điểm: lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh qua các năm, nhưng quy mô các doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ, lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản lên đến hàng nghìn, hàng chục nghìn doanh nghiệp mỗi năm.
Ngành ngân hàng vốn được coi là “huyết mạch” của nền kinh tế, cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế (thị trường vốn còn rất nhỏ), nên khi các doanh nghiệp gặp khó, ngân hàng không khỏi bị ảnh hưởng.
Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, cũng cần nhìn nhận một thực tế là các diễn biến lớn trên thế giới như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, khủng hoảng tài chính toàn cầu hay bất ổn chính trị tại nhiều quốc gia trên thế giới, đều có ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam, tạo sức ép khiến một lực lượng không nhỏ các doanh nghiệp nội địa khó trụ vững.
Trong việc xử lý nợ xấu, Việt Nam thành lập Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (VAMC) trực thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Bản thân VAMC cũng có nhiều nỗ lực xử lý nợ xấu, nhưng thực tiễn cho thấy, có rất nhiều điểm vướng pháp lý, khiến câu chuyện nợ xấu vẫn là một bài toán hóc búa, chưa có lời giải xác đáng để lành mạnh hóa sức khỏe của các ngân hàng, sức khỏe của nền kinh tế.
Gần đây, giải tỏa nợ xấu tiếp tục là câu chuyện nóng trên nghị trường Quốc hội và có không ít gợi mở về giải pháp đã được đưa ra bởi các nghị sĩ, các chuyên gia trong ngành. Trong tầm nhìn của TS. Lê Công, thì ứng xử với nợ xấu trước hết cần một tầm nhìn thống nhất và rõ ràng: nợ xấu không phải là câu chuyện riêng của ngành ngân hàng mà là vấn đề của cả xã hội, của cả nền kinh tế. Trong tầm nhìn như vậy, nợ xấu sẽ được xử lý nhanh hơn nếu Việt Nam dành nguồn lực hợp lý để xử lý và có một thị trường mua bán nợ cạnh tranh.
Thiếu tướng, TS. Lê Công
Tiến đến những chuẩn mực quản trị cao hơn…
Đang có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc sử dụng nguồn tài chính để xử lý nợ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa TS. Lê Công?
Dưới góc độ ngân hàng, tôi cho rằng các ngân hàng phải trích lập dự phòng nợ xấu dù khoản này lập tức làm giảm lợi nhuận hàng năm.
Ở tầm vĩ mô, chúng ta phải tiếp cận câu chuyện nợ xấu ở góc nhìn rộng hơn, bao quát thực tiễn để từ đó tìm ra nguồn lực phù hợp và phương cách xử lý phù hợp với câu chuyện nợ xấu.
Để giảm gánh nặng nợ xấu tồn đọng ở các ngân hàng thương mại, 2 năm gần đây, NHNN đã có quy định buộc các ngân hàng phải bán bớt nợ xấu cho VAMC. Ông cảm nhận như thế nào về diễn biến này?
Thực tế, tâm lý chung của các ngân hàng là muốn được chủ động xử lý nợ xấu, chủ động phân bổ việc trích lập dự phòng trong các năm, nên khi phải bán bớt nợ cho VAMC, nhiều ngân hàng đã không thực sự sẵn sàng.
Bán nợ cho VAMC các ngân hàng vẫn phải tuân thủ quy định về việc mỗi năm trích lập dự phòng bằng 20% tổng nợ xấu để sau 5 năm là xử lý xong nợ. Bán nợ cho VAMC, các ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm thu hồi nợ. Nếu để VAMC xử lý thông thường, thì bản thân VAMC gặp rất nhiều khó khăn vì vướng mắc pháp lý trong xử lý tài sản đảm bảo cho các khoản nợ. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, đây là một giải pháp mạnh từ Chính phủ, từ NHNN trong việc kiên quyết xử lý nợ xấu tại các ngân hàng.
Vậy theo ông, nợ xấu nên nhìn nhận như thế nào và cách nào để xử lý được, thưa ông?
Nếu nhìn từ cái gốc là sức khỏe của nền kinh tế, của các doanh nghiệp, thì có một tầm nhìn chung rằng, nợ xấu không phải là vấn đề riêng của ngành ngân hàng, mà là của cả nền kinh tế. Xử lý nợ xấu không có cách nào khác là cần hình thành thị trường mua bán nợ cạnh tranh, với các quy định pháp lý cho phép mua bán nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo rõ ràng.
Thị trường này cho phép nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Nhu cầu của nhà đầu tư là có, nhu cầu bán nợ của các ngân hàng cũng có, vấn đề đặt ra là tạo môi trường pháp lý và cơ chế thị trường cho các nhu cầu đó gặp được nhau.
Tại MB, như thông tin Ngân hàng công bố, nợ xấu vào thời điểm kết thúc quý III vừa qua chỉ còn 1,36%. MB đã làm cách nào để nợ xấu của Ngân hàng chưa bao giờ vượt qua ngưỡng 3% và dường như đang giảm khá nhanh, thưa ông?
Để có kết quả hôm nay, ngay từ năm 2011, chúng tôi đã xác định, quản trị rủi ro là một trong hai nền tảng hoạt động để thực thi các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2011- 2015. Với định hướng phát triển theo mô hình tập đoàn, MB và các công ty con có những phân khúc kinh doanh riêng biệt, áp lực nâng cao chất lượng quản trị, để giữ gìn an toàn hệ thống, đảm bảo sự phát triển nhanh, nhưng bền vững và lành mạnh luôn được Ban lãnh đạo MB quan tâm hàng đầu.
Ở MB đã chuyển đổi mô hình kinh doanh theo năng lực quản lý tập trung. Trong lĩnh vực hoạt động tín dụng đã chuyển hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp, thực hiện thẩm định tín dụng tập trung, phê duyệt tín dụng tập trung và minh bạch trong chuỗi kinh doanh tín dụng theo hướng nhận dạng, đo lường, giám sát rủi ro.
Thực tế 5 năm qua, MB chưa bao giờ có tỷ lệ nợ xấu bình quân năm vượt qua ngưỡng 3%. Để kiểm soát được nợ xấu, về nguyên lý thì chỉ có 2 cách: một là kiểm soát hoạt động tín dụng chặt chẽ để hạn chế tối đa nợ xấu; hai là nỗ lực thu hồi các khoản nợ quá hạn, nợ xấu để giảm tối đa các khoản tồn đọng này. Tại MB, chúng tôi đã quản trị tốt và tự tin sẽ tiếp tục quản trị tốt hoạt động tín dụng để giữ nợ xấu ở mức thấp, thậm chí thấp nhất ngành ngân hàng.
Cùng với câu chuyện giảm nợ xấu, Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế 2016-2020 cũng đặt ra mục tiêu có khoảng 15 ngân hàng thương mại thực thi chuẩn Basel II vào năm 2020. MB đang triển khai việc này như thế nào và ông đánh giá như thế nào về mục tiêu này cho toàn ngành?
Triển khai áp dụng Basel II là một yêu cầu nhằm nâng cao các chuẩn mực trong hệ thống giám sát của NHNN, tăng cường năng lực tài chính, quản trị rủi ro cho các tổ chức tín dụng trước xu thế hội nhập và mở cửa thị trường tài chính ngày càng mạnh mẽ. Đây là một nội dung quan trọng thuộc Đề án Tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 của NHNN và bản thân nhiều quy định pháp lý gần đây của NHNN cũng đã đưa dần các quy chuẩn này vào hoạt động ngân hàng.
Thực thi Basel II là rất thách thức, có thể ví như “liều thuốc đắng”, bởi tuân thủ Basel II buộc các ngân hàng thực thi chuẩn mực quản lý rủi ro rất khắt khe theo thông lệ quốc tế. Không chỉ với ngân hàng Việt Nam, ngay cả với các ngân hàng lớn trên thế giới, việc áp dụng Basel II cũng không phải là dễ dàng, không phải ngân hàng nào cũng dám thực thi và có thể thực thi được quy chuẩn này.
Từ năm 2014, MB đã được NHNN chọn lựa là 1 trong 10 ngân hàng đầu tiên thí điểm áp dụng Basel II. Tại MB, chúng tôi đã chuyển nội dung này thành chương trình hành động của toàn hệ thống, để giúp mọi nhân sự MB hiểu được và cùng hành động thực hiện dự án Basel II. Chúng tôi xác định, thực hiện Basel II là nội dung quan trọng trong mục tiêu giúp MB bước nhanh, bước vững chắc và hiệu quả trong khối các ngân hàng hàng đầu Việt Nam.
Lộ trình của NHNN đặt ra là đến năm 2018, 10 ngân hàng đầu tiên sẽ áp dụng trọn vẹn quy chuẩn này, nhưng tại MB, chúng tôi sẽ phấn đấu áp dụng trước thời điểm yêu cầu, cụ thể là áp dụng từ năm 2017. Nếu 10 ngân hàng đầu tiên thí điểm đều ứng dụng thành công Basel II theo lộ trình của NHNN, tôi tin rằng, mục tiêu Việt Nam có 15 ngân hàng áp dụng Basel II vào năm 2020 được Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế đưa ra là khả thi.
Tôi cho rằng, việc áp dụng chuẩn Basel II cần tính đến với mọi ngân hàng. Nỗ lực này không chỉ vì Việt Nam cần có hệ thống ngân hàng lành mạnh, mà còn vì nếu chúng ta bước quá chậm, trong khi nhiều quốc gia khác, các ngân hàng đã tiến đến những chuẩn mực quản trị cao hơn, sẽ rất khó để hình dung ra sức cạnh tranh của các ngân hàng nội trong bức tranh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.