Thống đốc BOJ đưa ra quan điểm thận trọng tạo cơ sở cho chính sách tiền tệ ổn định

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Hai (25/9), Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda đã tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng lạm phát, củng cố thông điệp mà ông đưa ra vào tuần trước về việc chấm dứt lãi suất âm đang sắp đến gần.
Ông Kazuo Ueda. Ảnh: Nikkei Ông Kazuo Ueda. Ảnh: Nikkei

Trong cuộc trao đổi với các lãnh đạo doanh nghiệp ở Osaka, ông Ueda cho biết, những điều không chắc chắn về triển vọng tăng lương và lạm phát vẫn ở mức cao, và do đó BOJ tin rằng mục tiêu đạt được lạm phát 2% kèm theo tăng lương “vẫn chưa xuất hiện”.

Phát biểu sau khi BOJ quyết định giữ ổn định chính sách tiền tệ vào cuộc họp tuần trước, ông Ueda lưu ý rằng, điều quan trọng là phải cân nhắc cả chi phí và lợi ích của bất kỳ chính sách nào.

Ông cho biết, hiện tại, các nhà hoạch định chính sách đã đạt đến thời điểm quan trọng để nuôi dưỡng “những mầm non của sự thay đổi trong nền kinh tế”. Các nhà hoạch định chính sách “sẽ đặc biệt chú ý xem liệu các động thái tăng lương có tiếp tục hay không và liệu nền tảng tiêu dùng cá nhân từ khía cạnh thu nhập có tăng cường hay không”.

Thống đốc BOJ cũng cam kết phối hợp với chính phủ về tiền tệ và tỷ giá sẽ diễn biến ổn định.

Đồng yên suy yếu đã góp phần thúc đẩy lạm phát, tạo ra nhiều mối lo ngại từ chính phủ. Thủ tướng Fumio Kishida tuần trước cho biết, Nhật Bản sẽ tiếp tục cảnh giác và có những hành động cần thiết chống lại những biến động tiền tệ quá mức. Masato Kanda, quan chức tiền tệ hàng đầu của Bộ Tài chính cho biết, ông đang giữ liên lạc chặt chẽ với những nhà hoạch định chính sách của Mỹ và cả hai bên đều đồng ý rằng những động thái quá mức là không được hoan nghênh.

Thống đốc Kazuo Ueda cũng chỉ ra rằng, chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là yếu tố chính quyết định biến động giá tài sản toàn cầu. Ông cho biết, điều quan trọng là phải theo dõi tác động của các điều kiện tài chính ở Mỹ đối với “thị trường tài chính và ngoại hối toàn cầu”.

Khoảng cách lãi suất ngày càng lớn giữa Mỹ và Nhật Bản đã kéo theo sự sụt giá của đồng yên kể từ khi Fed bắt đầu chiến dịch thắt chặt tiền tệ. Đồng yên đã thiết lập mức thấp mới trong 10 tháng so với đồng đô la Mỹ vào thứ Hai (25/9), khi đồng đô la chạm mức 148,48 yên.

Về lạm phát ở nước ngoài, mức tăng giá “vẫn khá cao so với mục tiêu của ngân hàng trung ương”, ông Ueda cho biết.

Lạm phát của Nhật Bản đang trên mức mục tiêu của BOJ trong tháng thứ 17 liên tiếp trong tháng 8, trong đó giá không bao gồm thực phẩm tươi sống tăng 3,1% so với một năm trước. Dữ liệu tháng 10 của Tokyo - một chỉ số lạm phát hàng đầu của quốc gia - dự kiến sẽ cho thấy xu hướng lạm phát cao vẫn tiếp tục diễn ra, mặc dù tăng dần ở mức vừa phải.

Ông Ueda cho biết: “Hiện tại, khi giá cả tăng ảnh hưởng đến tiêu dùng, thái độ phòng thủ của các hộ gia đình đối với chi tiêu - chẳng hạn như chuyển nhu cầu sang các sản phẩm rẻ tiền - đang được quan sát thấy đối với thực phẩm và các mặt hàng khác có giá tăng mạnh”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục