Thông điệp từ giới kinh doanh khi CPTPP được kích hoạt

Cho tới thời điểm này, lợi ích và cơ hội mà nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam có thể thu được nhờ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã ở thì hiện tại. Đương nhiên, những thách thức cũng hiện hữu.
Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Câu hỏi lúc này cần phải đặt ra không còn là CPTPP sẽ đem lại gì, mà là làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thương mại, đầu tư với 3 thị trường mới ở châu Mỹ hiện Việt Nam chưa có hiệp định thương mại song phương?

Các câu hỏi tiếp theo là làm gì để tăng thêm các mối làm ăn với 7 thị trường còn lại, trong đó có nhiều đối tác chiến lược quan trọng mà Việt Nam có thể tiếp tục được nâng cấp quan hệ? Làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam tăng doanh thu, lợi nhuận từ thị trường mới, tạo thêm việc làm, nâng thu nhập cho người lao động, mà không bị lấn cấn, hạn chế bởi các yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn lao động, môi trường, minh bạch hoá? Làm thế nào để doanh nghiệp nhỏ và vừa không bị đẩy ra bên lề các cơ hội của cuộc chơi đẳng cấp cao?...

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn những bất ổn, xu hướng gia tăng bảo hộ sản xuất và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ leo thang, thì đây là những cơ hội quý giá. Hơn thế, đây cũng là cơ hội để đa phương hoá các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững.

Mỗi doanh nghiệp trong từng ngành, từng lĩnh vực sẽ có câu trả lời riêng với những tính toán đường đi phù hợp, có thể hài hòa thị trường hiện hữu với mở thị trường mới; có thể cân nhắc năng lực để đi gần trước khi đi xa… 

Song, các doanh nghiệp không thể cô đơn trên chặng đường này. Họ cần sự hậu thuẫn về môi trường kinh doanh để định hướng được bước đi chiến lược, để liên kết với các doanh nghiệp, tham gia hoặc tạo dựng chuỗi giá trị sản xuất.

Lâu nay, chúng ta kỳ vọng nhiều vào cơ hội hoàn thiện thể chế từ Hiệp định này. Các cam kết tiêu chuẩn cao của nền thương mại hiện đại sẽ là động lực, đồng thời là áp lực để đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh.

Nhưng, bài học từ việc gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) hơn 10 năm trước cho thấy, nếu chỉ kỳ vọng vào tác động từ bên ngoài vào cải cách bên trong, thì những hứng khởi ban đầu có thể giảm dần, thậm chí có thể sai lệch khi những thành tích về xuất khẩu, thu hút FDI, tăng trưởng kinh tế tăng nhanh.

Lúc này, yêu cầu cải cách không thể chỉ trông vào những sức ép từ bên ngoài, mà cần duy trì nhu cầu cải cách, thay đổi tự thân liên tục và ngày càng sâu sắc, dựa trên xu hướng phát triển của nền kinh tế và sự tham vấn của cộng đồng kinh doanh trong hoạch định cơ chế, chính sách. Khi đó, việc duy trì chất lượng của cải cách sẽ không chỉ là hành động của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện cam kết với các thành viên CPTPP, mà còn khẳng định sự nhất quán, chủ động trong tiến trình cải cách của Việt Nam nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy cạnh tranh minh bạch, lành mạnh. Khi đó, các hành động thực thi cam kết sẽ không chỉ từ phía Nhà nước, mà cần sự tham gia của người dân, doanh nghiệp.

Đây chính là thông điệp quan trọng mà giới kinh doanh trông đợi ở Chính phủ khi CPTPP được kích hoạt.

Bảo Duy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục