Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
Theo báo cáo của Bộ Công thương, BHĐC là hoạt động kinh doanh hợp pháp được pháp luật của nhiều nước thừa nhận và cho phép. Khi đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết cho phép hoạt động BHĐC tại Việt Nam.
Từ năm 2005, hoạt động BHĐC tại Việt Nam chính thức được thừa nhận và được điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh và Nghị định số 110/2005/NĐ-CP về quản lý hoạt động BHĐC. Sau đó, nhằm tăng cường quản lý hoạt động BHĐC, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động BHĐC, thay thế cho Nghị định số 110, theo đó nâng cao các điều kiện đăng ký hoạt động đối với doanh nghiệp BHĐC, đồng thời chuyển cơ quan đăng ký hoạt động BHĐC từ Sở Công thương về Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương.
Theo quy định tại Nghị định 42, Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động BHĐC bao gồm: cấp phép đăng ký; hướng dẫn, phối hợp với các Sở Công thương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác tiến hành kiểm tra, giám sát và trực tiếp kiểm tra, giám sát hoạt động BHĐC khi cần thiết; xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Bên cạnh đó, hoạt động này còn chịu sự quản lý của chính quyền địa phương cũng như kiểm tra, giám sát của các cơ quan hữu quan như thuế, cơ quan quản lý hàng hóa chuyên ngành, quản lý thị trường, công an theo các quy định khác có liên quan. Điều này cho thấy, khung pháp lý cho hoạt động BHĐC là khá hoàn chỉnh.
Không thể cấm và rút giấy phép tùy tiện
Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao khung pháp lý đã tương đối hoàn thiện, song vẫn có trường hợp vi phạm nghiêm trọng như vụ việc của Liên Kết Việt? Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, đối với trường hợp của Liên Kết Việt, trước đó, vào tháng 7/2015, Bộ đã phát hiện ra hành vi vi phạm của DN này và xử phạt 570 triệu đồng. Không chỉ với Liên Kết Việt, trong 1 năm kể từ khi triển khai Nghị định 42, Bộ Công thương đã phối hợp với các sở, ngành kiểm tra các DN kinh doanh BHĐC và xử phạt các hành vi vi phạm với tổng số tiền phạt lên tới trên 5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, dù phát hiện ra dấu hiệu vi phạm, song Bộ không thể rút ngay giấy phép chỉ vì lý do lãnh đạo DN này bị khởi tố, cũng như không thể đưa ra biện pháp cấm theo tư duy mệnh lệnh hành chính đối với hoạt động BHĐC nói chung.
“Chúng tôi chỉ có thể thu hồi giấy phép khi có đủ cơ sở bằng chứng cho thấy DN vi phạm theo quy định và trình tự tại Nghị định 42, cụ thể đối với trường hợp Liên Kết Việt chỉ thực hiện thu hồi khi chứng minh được DN không có địa chỉ rõ ràng, không còn vốn hoạt động”, ông Khánh nhấn mạnh.
Theo thống kê của Cuc Quản lý thị trường, trong quý I/2016, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 7 DN BHĐC, trong đó xử phạt 2 DN là Công ty TNHH My Fortuna và Công ty Lotus Việt Nam với số tiền phạt là 143 triệu đồng. Hiện nay, Bộ Công thương đang tiến hành kiểm tra 7 DN khác, trong đó có những DN lớn như Thiên Ngọc Minh Uy, Amway Việt Nam, Unicity…, dự kiến sẽ kết thúc và có thể công bố thông tin vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.
Trước quan điểm cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Công thương khi để vụ việc kéo dài tới 8 tháng mới rút giấy phép, dù đã phát hiện dấu hiệu vi phạm của Liên Kết Việt khiến nhiều người tiếp tục bị lừa đảo, ông Khánh khẳng định, Bộ Công thương không chối bỏ trách nhiệm của mình, song điều này cũng cho thấy, vẫn còn những kẽ hở trong hoạt động vận hành và quản lý, cũng như trong khung pháp lý khiến DN vẫn có thể lợi dụng để kiếm lợi bất chính.
“Ngay khi vụ việc xảy ra, chúng tôi đã phối hợp với cơ quan chức năng điều tra làm rõ hành vi vi phạm của DN và sẽ tiếp tục tiếp thu chỉnh sửa hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cũng như tăng cường việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh đặc thù này”, ông Khánh cho biết.
Cần có sự phối hợp đồng bộ liên ngành
Theo Bộ Công thương, hiện có trên 65 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực BHĐC tại Việt Nam, trong đó gần 20% là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Điều đáng lo ngại là nhiều công ty có biểu hiện “biến tướng” với những hành vi kinh doanh không đúng quy định, gây thiệt hại cho người dân, trong khi hoạt động này với đặc thù là mạng lưới bán hàng dày đặc, tỏa đi mọi ngóc ngách, tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng cuối cùng nên không một cơ quan nhà nước nào có thể và có đủ nguồn lực để giám sát theo dõi hoạt động của tất cả DN suốt 24/24 giờ.
Để nâng cao hiệu quả công tác giám sát và quản lý hoạt động này, Bộ Công thương đề xuất cần có sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ hơn, cũng như phân công, phối hợp một cách hợp lý giữa các cơ quan quản lý trong kiểm tra, giám sát, mà cụ thể ở đây là giữa Bộ Công thương, Ban chỉ đạo 389, Hiệp hội bán hàng đa cấp và các cơ quan có liên quan. Đặc biệt, cần có sự tham gia vào cuộc của người dân và cơ quan báo chí trong việc phát hiện và tố giác hành vi vi phạm để xử lý kịp thời.