Thơm nức “phố cá lóc nướng” trước Lễ cúng ông Táo

Đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú, TP.HCM) được ví von là "phố cá lóc nướng", nơi quy tụ hàng chục cửa hàng lớn nhỏ “nhiều năm tuổi”. Dù không “bội thu” khi bán hàng nghìn con cá nướng như ngày vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng) nhưng số lượng cá bán ra tại một số cửa hàng đã tăng từ 4-5 lần so với ngày thường.
Thơm nức “phố cá lóc nướng” trước Lễ cúng ông Táo
Trước ngày Lễ cúng ông Táo, chỉ lác đác người mua cá lóc nướng trên đường Tân Kỳ Tân Quý. Tuy nhiên, anh D. hơn 11 năm bán cá lóc nướng tại đây cho biết số lượng bán ra đã gấp 3-4 lần so với ngày thường, với trên 100 con. 

Tuy nhiên, theo quan sát của anh D, nhiều cửa hàng tương tự trên tuyến đường này đang “ế ẩm” do người dân đang có nhiều sự lựa chọn về thức ăn hơn. 

“Cá lóc để nướng được lấy từ chợ Bình Điền, với trọng lượng trên 1 kg. Với giá khoảng 150-170.000 đồng/con, kèm các loại rau với bún thì chúng tôi chỉ lời khoảng 50.000 đồng/con.  Ngày thường cũng bán nên ngày cúng ông Táo cũng chỉ lai rai”, anh D. cho biết.

Cá lóc thường được xiên vào một cây mía nhỏ và nướng khoảng 30 phút. Khi đó, thịt cá nướng sẽ thơm và hậu vị ngọt thanh hơn.  

Cá đều được nướng nguyên con, không đánh vảy hay cắt vây. Chỉ có cắt mang cá để lấy mật ra khỏi đắng. Tuy nhiên, đến ngày vía Thần Tài theo tục lệ, phần mật cá sẽ được giữ nguyên. 

Rau sống, mắm nêm, bún được các nhân viên liên tục chuẩn bị sẵn và mua dự trữ từ tối ngày 22 âm lịch. Giá cá lóc nướng bán ra có thể tăng giảm vào sáng 23 tháng Chạp tuỳ vào giá cá tươi từ chợ đầu mối.

“Mấy năm trước con đường này cũng nhiều người kinh doanh món cá lóc nướng. Nhưng dần dần người ta ít ăn, hay tự nướng tại nhà nên không phải cửa hàng nào cũng đắt khách”, chủ một cửa hàng cá lóc nướng khác trên “phố cá lóc nướng” cho biết và hẹn vào ngày vía Thần Tài, khi đến tuyến đường này sẽ hiểu rõ vì sao được ví von là "phố cá lóc nướng".

Thị Hồng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục