Quan niệm sai lầm khi cho rằng ông Công, ông Táo có nguồn gốc từ Trung Quốc

(ĐTCK) Ngày 23 tháng Chạp là một ngày quan trọng trong Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Trong sự giao thoa văn hóa, có rất nhiều người hiểu sai về hình tượng Táo Quân và cho rằng, Ông Táo có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Quan niệm sai lầm khi cho rằng ông Công, ông Táo có nguồn gốc từ Trung Quốc

Ý nghĩa của hình tượng Táo Quân

Tết của nền văn minh lúa nước có nguồn gốc từ nền văn minh Lạc Việt phía Nam sông Dương Tử, trải gần 5.000 năm lịch sử. Cho dù hình thức giống nhau, nhưng sâu tận gốc rễ là một nền tảng tri thức của học thuyết Âm Dương Ngũ Hành.

Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa, Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.

Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, cho nên để Vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể.

Người ta thường mua hai mũ Ông Táo có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo Bà không có cánh chuồn, ba cái áo bằng giấy cùng một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy, hoặc cũng có thể dùng loại vàng mã gọi là “cò bay ngựa chạy”) để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời.

Ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống.

Càng tiến dần vào Nam, thì tục cúng ông Táo về trời có một chút thay đổi. Nhưng lễ cúng Táo Quân ở miền Bắc với một nghi lễ không thể thiếu là cá chép mang tính nguyên thủy hơn cả.

Qua truyền thuyết của dân tộc Việt truyền lại, chúng ta thấy rằng hình ảnh hai ông một bà - tức một Âm hai Dương hoàn toàn trùng khớp với quẻ Ly trong Kinh Dịch.

 Quẻ Ly

Ông Táo hay Thần Bếp của dân gian Trung Quốc là Ông Thần Lửa tên là Chúc Dung, trong khi hình tượng Táo Quân của Việt Nam là "Hai Ông Một Bà": Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ. Đây là hình tượng của Ông Đầu Rau trong Bếp Việt cổ và trong bát quái thì đây chính là Quái Ly - Hỏa.

Quái Ly có một hào Âm ở giữa và hai Hào Dương, chủ quái là Âm nên quái này thuộc Âm. Trong Âm Dương Ngũ Hành, Bếp thuộc Âm, thuộc về người phụ nữ.

Rõ ràng, chúng ta thấy được ý nghĩa của hình tượng Táo Quân -Thần Bếp từ nền văn hóa Việt Nam khác hẳn với Thần Lửa là đàn ông của văn hóa Trung Quốc.

Sở dĩ chọn Quái Ly làm hình tượng của Táo Quân là vì Quái Ly tượng trưng cho sự vui vẻ, tinh thần đoàn tụ.

Trang phục của Táo Quân gồm 3 màu đỏ, vàng, trắng thể hiện sự tương sinh của hành Hỏa, Hỏa (đỏ) sinh Thổ (vàng); Thổ sinh Kim (trắng), thể hiện sự hòa thuận của hai ông một bà.

Nếu để ý ta thấy trang phục Táo Quân chỉ có áo mà không có quần đó là vì hình tượng của Quái Ly là rỗng bên trong. Đó là minh triết trong văn minh Lạc Việt thể hiện qua Táo Quân.

Một hình ảnh gắn liến với lễ Táo Quân chính là con cá chép. Tại sao về trời mà Táo quân lại cưỡi cá chép? Sao không phải là cưỡi chim? Ông cha ta có lầm lẫn gì không? Hoàn toàn không! Khi mà tổ tiên người Việt đã để lại cho hậu thế một nền văn hiến vĩ đại.

Con cá chép thuộc hành thủy và trong những di sản văn hóa phi vật thể của nền văn hiến Việt. Chúng ta thấy hình tượng này trong tranh cá chép làng Đông hồ: Một con cá mẹ với năm con cá con. Đây chính là mô tả "Thiên Nhất Sinh Thủy, Địa Lục Thành Chi", cũng giống như bức tranh một Lợn mẹ cùng 5 lợn con.

Quan niệm sai lầm khi cho rằng ông Công, ông Táo có nguồn gốc từ Trung Quốc ảnh 2

 Tranh Đàn Cá - Tranh dân gian Đông Hồ. 

Thiên nhất sinh thủy . Địa lục thành chi.

Cá thuộc hành Thủy, tượng của Quẻ Khảm: 

Quan niệm sai lầm khi cho rằng ông Công, ông Táo có nguồn gốc từ Trung Quốc ảnh 3

Quả khảm

Hình tượng Táo quân cưỡi cá chép, chính là biểu tượng của quẻ Hỏa Thủy Vị tế trong kinh Dịch. Đây là quẻ cuối cùng kết thúc một chu kỳ 64 tư quẻ Việt Dịch.

Biểu tượng cho chu kỳ tuần hoàn của tạo hoá trong một năm đã kết thúc và chuyển sang một chu kỳ mới và mọi việc vẫn còn tiếp tục để một năm mới tốt lành. Đó là tinh thần của quẻ Vị Tế.

Quẻ Hỏa Thủy Vị Tế. 

Vì sao Ông Táo về trời ngày 23?

Tại sao Ông Táo lại về trời lại là ngày 23 tháng Chạp mà không phải là ngày 30? Ngày 23 tháng Chạp là ngày mà lý học Đông phương cho là ngày Nguyệt Kỵ. Vậy Táo quân lại chọn đúng ngày này lên trời liệu có sái không?

Sách cổ chữ Hán chỉ ghi nhận mùng 5, 14, 23 là ngày Nguyệt Kỵ và không một lời giải thích. Trong truyền thuyết dân gian Việt cho rằng: "Đó là những ngày vua đi, nên kiêng ra đường".

Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông Phương đã chứng minh: Đây chính là phép du niên phiên tinh ngày, tính theo tháng. Ngày của sao Ngũ Hoàng nhập trung theo chu kỳ cửu cung.

"Vạn vật quy ư thổ", hay nói theo thuyết Âm Dương Ngũ Hành, thì đây chính là ngày kết thúc chu kỳ của Ngũ Hành vào tháng cuối cùng trong năm. Kết thúc chu kỳ Ngũ hành vào ngày 23, đồng thời cũng là kết thúc chu kỳ của 64 quẻ Dịch.

Hành thổ thuộc trung cung, thuộc ngôi Hoàng cực chi phối Ngũ Hành, Theo Lý học Đông phương, thuộc về Hoàng tộc, nên là ngày của Vua Bếp - Táo Quân về Trời.

Vấn đề cũng không chỉ dừng lại ở đây. Chiếc mũ Ông Công, Ông Táo được bán đầy ở khắp chợ, thôn quê ngày nay lại là một hình tượng được cách điệu bằng giấy của chiếc mũ các vua Hùng trên trống đồng Lạc Việt:

 Mũ Ông Công Ông Táo trên khắp chợ cùng quê trong nền văn hiến Việt còn đến ngày nay.

 Hình người trên trống Đồng Lạc Việt với mũ có hình đầu rồng (Bên phải) và hai dải mũ cao vút.

Đó chính là những điều kỳ diệu của nên văn hiến Việt. Mong rằng các thế hệ sau đừng vội quên đi nguồn cội của thời Hùng Vương dựng nước mở đầu cho tập Việt sử trải gần 5.000 năm văn hiến.

Trong bài viết có trích dẫn tư liệu từ bài viết "Minh triết Việt trong sự tích ông Táo" của Giám đốc Trung tâm Nguyên cứu Lý Học Đông Phương -Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh.

Hoàng Triệu Hải, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục