“Phá giá tiền đồng chưa chắc đã giảm nhập siêu”

Hàng hóa xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu… khiến cho biện pháp phá giá đồng nội tệ gần như không có khả năng giải quyết bài toán nhập siêu tại Việt Nam.
Giáo sư Hansjorg Herr, giảng viên trường Đại học Kinh tế và Luật Berlin (Đức) Giáo sư Hansjorg Herr, giảng viên trường Đại học Kinh tế và Luật Berlin (Đức)

Hạ giá đồng tiền để kích thích xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại là giải pháp được nhiều chuyên gia quốc tế đề cập trong việc giải quyết vấn đề nhập siêu tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Giải pháp này một lần nữa được Giáo sư Hansjorg Herr, giảng viên trường Đại học Kinh tế và Luật Berlin (Đức) đề cập trong buổi tọa đàm ngày 30/8 tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM).

 

Theo Giáo sư Herr, do thâm hụt cao trong cán cân thương mại, đi kèm với thâm hụt cán cân vãng lai mà cầu trong nước về hàng hóa - dịch vụ của Việt Nam giảm xuống, sức sản xuất và thu nhập của người dân, do đó cũng giảm theo.

 

Giáo sư Hansjorg Herr, giảng viên trường Đại học Kinh tế và Luật Berlin (Đức)
Giáo sư Hansjorg Herr, giảng viên trường Đại học Kinh tế và Luật Berlin (Đức)
 

Để giải quyết vấn đề này, giải pháp hàng đầu được ông đề cập là phá giá đồng bản tệ. Theo lập luận của mình, ông Herr cho rằng, với công cụ này, Việt Nam sẽ có cơ sở để kích thích sản xuất trong nước.

 

Tuy vậy, bản thân Giáo sư Herr và nhiều chuyên gia khác tại hội thảo cũng nhất trí rằng, việc hạ giá tiền đồng chỉ mang lại tác dụng trong bối cảnh bối cảnh lạm phát của nền kinh tế ở mức thấp. Điều này khó xảy ra tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

 

Bên cạnh đó, với cơ cấu hàng xuất khẩu hiện tại, Việt Nam cũng chưa chắc đã được lợi nếu đồng tiền tiếp tục mất giá. “Phần lớn hàng xuất khẩu là sản phẩm chưa qua chế biến như dầu thô, cà phê, gạo… Ngay cả các sản phẩm hoàn thiện, giá trị cao thì cũng có phần lớn các chi tiết hoặc nguyên liệu được nhập từ nước ngoài”, một chuyên gia tại hội thảo cho biết.

 

Lấy ví dụ về một sản phẩm trị giá 130 đồng, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng giá trị nguyên liệu nhập khẩu trong đó ít nhất là một 100 đồng. Ông Doanh cho rằng, với giá trị gia tăng chỉ khoảng 30%, lợi ích mà doanh nghiệp có được từ sản phẩm xuất khẩu chưa hẳn đã bù đắp được chi phí trong điều kiện đồng Việt Nam mất giá.

 

Trong khi đó, thâm hụt thương mại cũng như cán cân vãng lai, với trường hợp của Việt Nam còn phụ thuộc không nhỏ vào việc quản lý nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

 

Tăng mạnh trong vòng 2 thập kỷ qua nhưng theo quan sát của các chuyên gia kinh tế, vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam trong những năm gần đây có xu hướng dịch chuyển mạnh từ kênh trực tiếp (FDI) sang kênh gián tiếp (FII).

“Phá giá tiền đồng chưa chắc đã giảm nhập siêu” ảnh 2
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Khác với vốn FDI (có khả năng mạng lại công nghệ mới, phục vụ sản xuất), vốn đầu tư gián tiếp thường có tính chất ngắn hạn, tập trung vào các lĩnh vực phi sản xuất (đầu tư tài chính, bất động sản). Do đó, luồng vốn này không phải lúc nào cũng mang lại tác dụng tích cực đối với nền kinh tế.

 

Đáng quan ngại nhất, theo quan điểm của Giáo sư Hansjorg Herr là luồng vốn nước ngoài đang chảy mạnh vào khu vực bất động sản tại Việt Nam (cũng như nhiều quốc gia mới nổi khác). Nếu không kiểm soát chặt, dòng vốn này có thể tạo ra bong bóng trên thị trường và làm đời sống kinh tế mất ổn định. Đây là điều đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

 

Trong khi đó, khu vực sản xuất của Việt Nam lại chưa phát triển xứng tầm. Nếu điều này tiếp tục trong thời gian tới, kinh tế Việt Nam dễ mắc phải “bệnh Hà Lan” (kinh tế phát triển không dựa vào công nghiệp sản xuất, chế biến).

 

Với Việt Nam hiện nay, các chuyên gia cho rằng, có thể chấp nhận việc vốn đầu tư nước ngoài được đưa vào khu vực bất động sản du lịch, do đây là khu vực mà Việt Nam có được sức cạnh tranh tương đối so với các nước láng giềng. Đối với các khu vực khác, nên cẩn trọng và có thể xem xét khả năng ngừng cấp phép đầu tư nước ngoài tại khu vực này.

 

Đối với công nghiệp, các chuyên gia kinh tế cho rằng cơ quan quản lý cần đưa ra một chính sách mang tính chủ động, giúp nâng cao chuỗi giá trị gia tăng đối với các mặt hàng xuất khẩu, cố gắng giảm dần nhập khẩu thông qua điều hành tỷ giá và chính sách thuế.

 


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục