Cần Thơ: Đưa vào sử dụng cầu Trần Hoàng Na, vốn gần 800 tỷ đồng sau nhiều lần lỡ hẹn

0:00 / 0:00
0:00
Cầu Trần Hoàng Na thuộc Dự án phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị do Ban Quản lý dự án ODA TP. Cần Thơ làm đại diện chủ đầu tư, với kinh phí đầu tư hơn 791 tỷ đồng.
Kể từ 7h30 sáng ngày 26/4/2024, cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng. Ảnh: Trung Phạm Kể từ 7h30 sáng ngày 26/4/2024, cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng. Ảnh: Trung Phạm

Sau nhiều lần trễ hẹn, kể từ 7h30 sáng ngày 26/4/2024, cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ, chính thức đưa vào khai thác sử dụng.

Công trình cầu Trần Hoàng Na thuộc Dự án phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức TP. Cần Thơ làm đại diện chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 9/2020, với kinh phí đầu tư hơn 791 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).

Gói thầu được thực hiện bởi liên danh nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1- Công ty cổ phần và Công ty cổ phần cầu 14; đơn vị giám sát thi công là Công ty TNHH Dasan Consultants; đơn vị thiết kế là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam.

Cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ, nối trung tâm thành phố (quận Ninh Kiều) với các khu đô thị phía Nam và tuyến Quốc lộ 1 (quận Cái Răng). Ảnh: Trung Phạm

Cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ, nối trung tâm thành phố (quận Ninh Kiều) với các khu đô thị phía Nam và tuyến Quốc lộ 1 (quận Cái Răng). Ảnh: Trung Phạm

Cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ, nối trung tâm thành phố (quận Ninh Kiều) với các khu đô thị phía Nam và tuyến Quốc lộ 1 (quận Cái Răng), có điểm đầu tại bờ Ninh Kiều, điểm cuối tại bờ Cái Răng. Trong đó, chiều rộng bờ Ninh Kiều là 37 m, bề rộng bờ Cái Răng là 23 m, bề rộng cầu tại nhịp chính là 23 m; độ cao thông thuyền là 7 m, tĩnh không hai bên bờ là 4,75 m.

Tổng chiều dài cầu và đường dẫn 820 m; trong đó cầu được xây dựng dạng cầu vòm thép chịu lực, chạy giữa gồm 3 nhịp kết cấu theo 49+ 150+ 49 m, với tổng chiều dài cầu là 586,9 m.

Cầu Trần Hoàng Na nằm song song với đường Nguyễn Văn Linh vốn đang bị ách tắt nghiêm trọng trong thời gian qua. Việc triển khai thi công hoàn thành xây dựng cầu và đường Trần Hoàng Na sẽ giúp giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến đường Nguyễn Văn Linh; đồng thời sẽ kết nối khu vực quận Ninh Kiều với Khu đô thị Nam Cần Thơ, Bến xe khách trung tâm TP. Cần Thơ (quận Cái Răng)…, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng cho thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm quận Ninh Kiều và trung tâm quận Cái Răng.

Cầu Trần Hoàng Na về đêm. Ảnh: Trung Phạm

Cầu Trần Hoàng Na về đêm. Ảnh: Trung Phạm

Cầu Trần Hoàng Na được thông xe kỹ thuật vào ngày 30/12/2023. Theo các quy định hiện hành, đây là công trình cấp I, Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng sẽ tổ chức kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình của chủ đầu tư và các điều kiện để đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Được biết, vào ngày 25/4/2024, tại Thông báo số 55/TB-HĐKTNN, Chủ tịch Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã chấp thuận công trình cầu Trần Hoàng Na đủ điều kiện đưa vào khai thác sử dụng.

Trúc Giang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục