“Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên mong HĐXX xem xét một cách toàn diện đến bối cảnh sự việc và nhân thân của bị cáo. Bị cáo rất mong được tiếp tục đóng góp cho ngành Y tế thủ đô”, bị cáo Cảm trình bày.
Vụ án này xảy ra vào năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu.
Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá hơn 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập.
Bị cáo Cảm khai nhận, vào cuối tháng 1 - đầu tháng 2/2020 khi dịch COVID-19 diễn ra, UBND TP.Hà Nội tập trung chỉ đạo toàn ngành y tế dồn lực lượng tập trung cho việc phòng chống dịch.
Trước khi dịch xảy ra, CDC không đủ năng lực để xét nghiệm vì đây là dịch bệnh hoàn toàn mới, không có hệ thống xét nghiệm cụ thể nên có chủ trương mua sắm trang thiết bị để xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, UBND TP.Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội đã giao cho CDC Hà Nội xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, đào tạo nhân lực để đảm bảo công tác phòng chống dịch trên toàn hệ thống Hà Nội.
“Để chuẩn bị cho công tác mua sắm, Sở Y tế Hà Nội giao cho các đơn vị chủ động thực hiện, CDC Hà Nội lúc đó đã phải gồng mình lên để khảo sát, tìm hiểu trên thị trường nhằm đề xuất danh mục thiết bị cụ thể”, bị cáo Cảm giải thích.
Bị cáo Cảm khai nhận sự việc xảy ra trong thời gian cấp bách nên đã lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu. Nếu lựa chọn nhà thầu theo hình thức thông thường sẽ khách quan hơn nhưng mất nhiều thời gian hơn.
Chủ tọa công bố lời khai tại cơ quan điều tra về việc trích lại 10 - 15% giá trị hợp đồng cho bị cáo Cảm. Bị cáo Cảm phủ nhận: “Bị cáo chưa được nghe thấy bất kỳ ai nói về việc bị cáo được hưởng bao nhiêu nếu mua hệ thống xét nghiệm trên. Bị cáo Nhất từng gặp bị cáo, nói được cơ quan điều tra khai báo về vấn đề ăn chia. Nhất khai có chia cho bị cáo 15%. Nhất nói em bị ép, bị lừa nên cứ đúng như nào anh nói thế. Bị cáo đã tường trình với cơ quan điều tra về buổi gặp gỡ đó”.
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng nhà nước thiệt hại hơn 5 tỷ đồng. Bị cáo Cảm cho rằng, bị cáo biết Bộ Công an có văn bản đề nghị Hội đồng định giá tài sản của Bộ Y tế định giá theo giá thị trường nhưng Hội đồng định giá tài sản của Bộ Y tế không định giá được theo giá thị trường của năm 2020; sau đó bị cáo không nắm được.
Bị cáo Thanh. |
Các bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh (Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội) và Nguyễn Thị Kim Dung (cựu Trưởng phòng Tổ chức hành chính) đều thừa nhận có sự sai sót trong khi thực hiện gói thầu 15 nhưng hoàn toàn không có động cơ, mục đích nào.
“Khi làm, bị cáo chỉ nghĩ đó là hành động ghi lùi vài ngày để đáp ứng đúng tiến độ, không ảnh hưởng lắm nên bị cáo mới làm. Nhưng sau khi làm việc với CQĐT và được HĐXX sơ thẩm phân tích, bị cáo đã có nhận thức rõ ràng hơn, đồng thời bị cáo cũng không được hưởng lợi từ việc này”, bị cáo Thanh trình bày.
Bị cáo Đào Thế Vinh (cựu Giám đốc Công ty Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam – MST) khai nhận việc mua bán lòng vòng, đẩy giá thiết bị y tế nhằm mục đích giảm thuế.
Trước tòa, đại diện CDC Hà Nội cho biết, trước khi mua máy, công suất xét nghiệm của CDC chỉ có vài trăm mẫu/ngày, sau khi mua máy, công suất xét nghiệm tăng lên vài nghìn mẫu/ngày.
“Chính vì công suất xét nghiệm thấp nên việc mua máy cần gấp”, đại diện CDC Hà Nội nói và cho biết thời điểm đó không có bất kỳ thông tin công khai nào về giá mua bán, mỗi nơi 1 giá".
Theo lời vị này, máy xét nghiệm không phải hàng hóa thông thường, lợi dụng việc thiếu thông tin nên nhà thầu làm giá, đây là bản chất vụ án. “Hậu quả vụ án xảy ra, nhiều đơn vị sợ mua sắm máy”, đại diện CDC nói.