Thời điểm vàng để các siêu thị mini “hốt bạc”

Tết luôn là thời điểm vàng để các siêu thị mini, chuỗi tiện ích phô diễn thế mạnh nhằm “hốt bạc”.
Mới đây, VinMart+ đã đạt con số 1.700 cửa hàng nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Mới đây, VinMart+ đã đạt con số 1.700 cửa hàng nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân.

Mua sắm Tết vẫn tạo hứng khởi

Cuộc sống tiện lợi, vô vàn thứ bày ra trước mắt khiến giới trẻ nghĩ rằng, Tết không có gì đặc biệt, chỉ là một thời điểm khác trong năm. Song phần lớn các bậc phụ huynh vẫn nghĩ Tết còn thiếu gì đó, nên việc mua sắm Tết vẫn là một sự hứng khởi. Đó là tin tốt lành cho các nhà bán lẻ và là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy, truyền thống ăn uống, quây quần gia đình, biếu tặng vẫn còn, ngay cả khi nó làm cho một số người cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng.

Hiện các mặt hàng nằm trong danh sách thường bán chạy vào dịp Tết đã quá quen thuộc. Các mặt hàng chủ lực của nhiều nhãn hiệu như bia, giò, bánh chưng, thịt chế biến (thịt xông khói thái lát) và nước ngọt có ga như Coca-Cola, Pepsi, rượu vang vẫn được lựa chọn. Trong đó, những sản phẩm gói quà Tết truyền thống cao cấp - phù hợp cho việc biếu tặng, gồm bộ hộp kẹo và trái cây sấy khô, các loại hạt và bánh quy… vẫn chiếm khoảng 50% trong cơ cấu hàng hoá bắt mắt của các nhà bán lẻ dịp Tết.

Đối với kênh mua sắm, mặc dù kênh trực tuyến tăng trưởng mạnh trên toàn nền kinh tế, nhưng theo cuộc khảo sát nhu cầu Tết của Decision Lab, các cửa hàng thực tế vẫn chiếm ưu thế. Cụ thể, kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi chiếm vị trí áp đảo với 70%. chợ truyền thống - nơi có mọi thứ từ hải sản tươi sống đến quần áo trẻ em là kênh phổ biến thứ hai, chiếm hơn 50%. Các trang điện tử thương mại như Lazada, Shopee, Adayroi, Sendo, Tiki… cũng là kênh mới nổi liên quan đến mua sắm Tết.

“Tôi đang trải nghiệm một cuộc sống tiện lợi thực sự. Chỉ trong vòng 5 km, phải có tới vài cửa hàng của các thương hiệu. Do thời gian làm việc không cố định mỗi ngày, nên tôi luôn ghé đó nhiều hơn. Họ tăng thời gian mở cửa phục vụ, với nhiều dịch vụ đi kèm như: thanh toán hóa đơn điện, nước, Internet, mua thẻ điện thoại, thậm chí rút tiền, nạp  pin xe đạp điện…”, Phạm Bích Trâm ở Khu đô thị Văn Quán, Hà Nội cho biết.

Theo ông Gaurang Kotak, Trưởng bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùngNielsen Việt Nam, mỗi nhóm người mua hàng sẽ có những mong đợi khác nhau ở các kênh mua sắm, nhưng với chuỗi các cửa hàng tiện lợi thì sự dễ dàng, kinh tế và mối quan tâm về sức khỏe và an khang là những yếu tố chính tác động đến hành vi của người mua hàng.

Tạm biệt cảnh xếp hàng chờ thanh toán

Tiện lợi không chỉ đơn thuần để nói về cửa hàng nữa, mà đó còn là một phong cách sống. Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về sản phẩm và các dịch vụ có thể đáp ứng được những nhu cầu do cuộc sống bận rộn của họ tạo ra. Kết quả là thị trường tiêu dùng hơn 97 triệu dân như Việt Nam đang chứng kiến cuộc đua mở chuỗi mạnh mẽ của cửa hàng tiện lợi và các kênh thương mại điện tử.

Việc xếp hàng dài chờ thanh toán có thể khiến các nhà bán lẻ vui mừng, nhưng lại làm cho cuộc sống tiện lợi của người dân bất tiện hơn, mất thời gian hơn. Trong khi đó, ở bên ngoài biên giới Việt Nam, các ông lớn đang tăng tốc đầu tư để biến việc xếp hàng dài chờ thanh toán đi vào quên lãng. “Họ ngày càng chú trọng sự tiện lợi, ít kiên nhẫn và có nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết”, đại diện 7-Eleven Việt Nam nói.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đang thử nghiệm cửa hàng không nhân viên tại Nhật Bản. Động thái này được đưa ra khi gã khổng lồ công nghệ Amazon không còn bán hàng “ảo”, mà hiện thực hoá với chuỗi cửa hàng Amazon Go. Ngoài 7-Eleven, McDonald's và Panera Bread cũng đã bắt đầu sử dụng các máy nhận đơn hàng tự động để thay thế cho quầy ghi đơn của nhân viên. Các tập đoàn bán lẻ như Target, Home Depot và Lowe's cũng bắt đầu áp dụng các quầy tự check-out tại cửa hàng của mình.

Ở Việt Nam, cụ thể ở TP.HCM, cũng xuất hiện chuỗi cửa hàng tiện lợi Toromart đang khá thu hút khách. Toromart có đầy đủ các loại sản phẩm từ đồ nóng, đồ khô, nước uống, mỹ phẩm... và khách còn chọn sản phẩm bằng màn hình cảm ứng. Cuộc chiến này chưa nổ ra ở Việt Nam, nhưng các thương hiệu cũng phải tính đến trong tương lai không xa. Trước mắt, họ đang tăng độ phủ, chiếm thị phần.

Nếu các ông lớn ngoại như 7-Eleven, GS25, B'Mart, Circle K, Family Mart, Shop and Go, Ministop… xuất hiện chủ yếu ở những thành phố đông đúc, thậm chí 7-Eleven, GS25 còn chưa xuất hiện ở Hà Nội, dù có tuyên bố mở hàng ngàn cửa hàng trong vòng 3 năm, thì các thương hiệu trong nước đánh về thị trường tỉnh, thậm chí vùng sâu, vùng xa.

Chuỗi tiện lợi Vinmart+ (Vingroup) là ví dụ. Mới hơn 4 năm có mặt trên thị trường, nhưng chuỗi này đang có tốc độ gần gũi với khách hàng hết mức có thể. “Nhiều người dân Việt Nam chưa có xe hơi. Việc mở cửa hàng gần sẽ giúp họ không phải đi khỏi khu vực họ thường lui tới”, đại diện Vinmart+ cho biết.

Đặc biệt, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà bán lẻ này lại ồ ạt mở điểm mới, đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Mới đây, VinMart+ đã đạt tới con số 1.700 cửa hàng khi đồng loạt trong cùng một ngày khai trương 117 cửa hàng tiện lợi tại cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, gồm 54 cửa hàng ở miền Bắc và 63 cửa hàng tại miền Nam. Các cửa hàng VinMart+ mới có diện tích từ 80 - 200 m2, được bố trí trên những con phố chính có mật độ dân cư cao, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm cao điểm trong dịp Tết này.

Cơ hội “hốt bạc”

Tết luôn là thời điểm vàng để các cửa hàng tạp hóa, chuỗi cửa hàng tiện lợi “hốt bạc”. Nhưng làm thế nào để đẩy sạch hàng Tết vẫn là câu hỏi hóc búa cần tìm lời giải. Cơ hội các thương hiệu phô diễn mọi thế mạnh tái xuất.

Giới trẻ tìm đến 7-Eleven (Nhật Bản) vì món bánh phô mai nướng mềm, mùi kem béo ngậy với mức giá rẻ, hay món cuốn cá ngừ sốt mayonnaise, salad cá ngừ, gà chiên… Họ đến GS25 (Hàn Quốc) để săn lùng những sản phẩm độc quyền Youus với bao bì được thiết kế dễ thương, bắt mắt và nhiều hương vị snack, nước uống hay cơm hộp thường thấy trên phim Hàn được kết hợp với các nghệ sĩ lớn tạo ra phiên bản giới hạn. Với chuỗi Family Mart, họ khó cưỡng nổi món gà chiên nóng hổi FamiChiki với độ giòn ngụm thơm ngon, món tráng miệng “khủng” Oreno.

Còn tại các chuỗi thương hiệu của Việt Nam, dĩ nhiên là tràn ngập sắc màu Tết. Bánh kẹo, nước giải khát và bia là các ngành hàng có doanh thu cao, nhưng những thực phẩm tươi sống sạch, thân thiện môi trường, đặc sản địa phương luôn khiến người tiêu dùng săn lùng.

Theo Nielsen, đóng gói giỏ quà Tết giúp các cửa hàng tiện lợi giải quyết những mặt hàng bán chậm, sinh lãi cao hơn. Ngoài ra, hộp quà Tết cũng là lựa chọn mới trong những năm gần đây. Nó không quá cồng kềnh như giỏ quà, mà lại sang trọng hơn nhiều. Người mua có thể mua cùng lúc nhiều hộp quà mang đi tặng.

Ngoài nhóm hàng thực phẩm tươi sống được các thương hiệu ưu tiên số 1 với những nhãn hàng riêng, như tại Vinmart+ là VinEco, VinMart Home, VinMart Cook, năm nay còn có sự góp mặt của nhãn hàng riêng VinMart Good cung cấp các loại thực phẩm công nghệ có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết như nhóm đồ sấy (trái cây sấy, cơm sấy), nhóm snack (snack rong biển), nhóm gia vị (bột chiên giòn - hạt nêm), nhóm đông lạnh (cá trứng, cá saba, cá viên…

Sự tiện lợi giúp các bà nội trợ có thể thảnh thơi mà vẫn đảm bảo mâm cơm ngày Tết cho gia đình. Đó thực sự là cái Tết sum vầy với bánh chưng, bánh tét, giò xào, cá trắm kho làng Vũ Đại, thịt heo nấu đông, tai heo ngâm dấm, nem rán, chân gà xả ớt, dưa hành, củ kiệu chua ngọt…

Và như thế, Tết tiện lợi mà lòng người đủ đầy...

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục