Diễn đàn Năng lượng Thông minh - Tối ưu hóa cơ cấu nguồn điện Việt Nam với các giải pháp linh hoạt vừa được tổ chức bởi Đại sứ quán Phần Lan và Tập đoàn Wärtsilä với sự hỗ trợ thiết thực từ Bộ Công thương Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Jaakko Eskola, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Wärtsilä Corporation cho biết: Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và dự kiến sẽ kéo theo sự tăng trưởng cao về nhu cầu điện trong những năm tới.
Để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng gia tăng, từ góc nhìn của mình, ông Jaakko Eskola cho rằng, lúc này chính là thời điểm để Việt Nam triển khai các dự án đầu tưnăng lượng tái tạo nhằm hướng đến một tương lai mà tỷ lệ điện tái tạo cung ứng cho nền kinh tế đạt mức cao nhất.
Các chuyên gia năng lượng của Wärtsiläùi Corporation cũng nhấn mạnh, xu thế năng lượng toàn cầu đang trong quá trình chuyển đổi sang các hệ thống năng lượng linh hoạt và bền vững hơn. Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều bằng cách lập kế hoạch cho một tương lai mà năng lượng tái tạo phục vụ phát triển kinh tế đạt mức cao nhất, và Wärtsiläùi Corporation luôn sẵn sàng cung cấp các giải pháp năng lượng hữu ích nhất cho quá trình đầu tư năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Ông Marco Wiren, Phó chủ tịch Điều hành và Chủ tịch của Kinh doanh Năng lượng, Wärtsilä Corporation cho biết: Wärtsilä đang dẫn đầu quá trình chuyển đổi với tư cách là Tập đoàn đi đầu trong xu thế dịch chuyển hướng tới 100% năng lượng tái tạo trong tương lai, thông qua việc cung cấp công nghệ giải pháp linh hoạt trong việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo và đảm bảo độ tin cậy cho hệ thống điện.
Các sản phẩm của Wärtsilä bao gồm các nhà máy điện sử dụng động cơ đốt trong (internal combustion engine) và hệ thống pin lưu trữ năng lượng (energy storage) cùng giải pháp phần mềm điều hành tích hợp tối ưu (integration solution).
Tính đến hiện tại, đã có tổng cộng 70,000MW tổng công suất các nhà máy điện sử dụng động cơ của Wärtsilä được xây dựng toàn cầu, trong đó 9,000MW tại khu vực Đông Nam Á.
Các nhà máy điện động cơ Wärtsilä được biết đến trên toàn thế giới nhờ độ linh hoạt cao với các đặc điểm kỹ thuật như, 2 phút để đạt mức tải cao nhất, dưới 1 phút để dừng và tổng công suất phát có thể được điểu chỉnh một cách nhanh chóng bằng việc bật/tắt một số các tổ máy phát điện tương ứng.
Theo một khảo sát của Grant Thorton, năng lượng tái tạo đang nổi lên như một trong những lĩnh vực được ưu tiên nhất cho đầu tư ở Việt Nam. Năm 2019, năng lượng tái tạo vươn lên đứng vị trí thứ ba chỉ sau fintech và giáo dục, dẫn trước chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử và hậu cần. Năm 2018, lĩnh vực này chỉ đứng vị trí thứ 10 trong xếp hạng các lĩnh vực đầu tư hấp dẫn nhất cả nước.
Trong khi đó, International Finance Corporation (IFC) chỉ ra rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với nhu cầu năng lượng tăng cao, tăng 13% mỗi năm kể từ năm 2000 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 8% đến năm 2030.
Còn theo Bộ Công thương, một trong những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam trong những năm tới là giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống. Năng lượng tái tạo chính là đích ngắm để kêu gọi các thành phần kinh tế vào đầu tư.
Dự báo từ nay cho đến năm 2030, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, từ 6,5 - 7,5%/năm. Do đó, ưu tiên cao phải được dành cho đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển đất nước một cách bền vững.
Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt chỉ ra rằng, tổng công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ tăng từ 47.000 MW hiện nay lên đến 130.000 MW vào năm 2030. Như vậy, hơn 80.000 MW nguồn điện mới cần phải được xây dựng và đưa vào vận hành trong khoảng 10 năm tới, cùng với đó là cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối.
Như vậy, ưu tiên của Việt Nam trong giai đoạn này là đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió… và giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống như thủy điện, nhiệt điện than...