Theo ông Lê Viết Anh Phong, Phó Tổng giám đốc phụ trách dịch vụ Tư vấn Tài chínhDoanh nghiệp của Deloitte Việt Nam, chúng ta cần nhanh chóng hiện thực hóa các cơ hội thu hút dòng vốn M&A, bởi đây là thời điểm tốt để thực hiện các giao dịch M&A tại Việt Nam.
Ông có nhận định gì về xu hướng M&A tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong thời gian tới?
Sau một năm 2016 khá bất ổn với sự kiện Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu), kỳ bầu cử ở Mỹ, cùng sự phục hồi chậm của giá dầu, trong 6 tháng đầu năm 2017, các nhà đầu tư M&A từ châu Âu và Bắc Mỹ đã quay lại thị trường Đông Nam Á.
Họ cùng với các nhà đầu tư từ các nước phát triển tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã biến Đông Nam Á trở thành một trong những thị trường M&A sôi động nhất ở châu Á - Thái Bình Dương trong nửa đầu năm 2017.
Trong đó, Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm sáng hấp dẫn M&A trong khu vực. Tuy giá trị giao dịch 6 tháng đầu năm chưa có dấu hiệu đột phá, nhưng thị trường vẫn rất sôi động với số lượng thương vụ M&A tập trung ở quy mô vừa và nhỏ. Nếu các giao dịch lớn như Sabeco, Habeco, Vinamilk, ACV, PV Oil… được “kích nổ” theo đúng tiến độ, thị trường M&A Việt Nam năm 2017 hoàn toàn có thể vượt qua kỷ lục giá trị M&A của năm 2016 (5,82 tỷ USD).
Tôi rất kỳ vọng Việt Nam có thể nhận diện và nhanh chóng hiện thực hóa các cơ hội để thu hút dòng vốn M&A, cạnh tranh với các nước trong khu vực, bởi đây thực sự là thời điểm tốt để thực hiện các giao dịch M&A tại Việt Nam.
Về xu hướng ngành, các ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng, bất động sản và tài chính ngân hàng sẽ vẫn là những ngành thu hút dòng vốn M&A. Theo tôi, sự đột phá có thể sẽ đến từ ngành tài chính - ngân hàng, một ngành có rất ít giao dịch M&A trong 2 năm vừa qua.
Một số gợi ý của ông để giúp Việt Nam tìm bước đột phá cho M&A trong thời gian tới?
Trong giai đoạn sắp tới, các thương vụ lớn sẽ liên quan đến quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoặc bán vốn nhà nước. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp tích cực để thúc đẩy quá trình này, chúng ta cũng phải chấp nhận một thực tế là tốc độ cổ phần hóa DNNN trong những năm vừa qua khá chậm chạp, do nhiều lý do khách quan và chủ quan.
Ông Lê Viết Anh Phong, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam.
Tôi cho rằng, nếu Chính phủ có thể kiến tạo một cơ chế bán vốn hoặc tìm nhà đầu tư chiến lược theo chuẩn quốc tế, đảm bảo tính minh bạch, nhưng vẫn linh động phù hợp với thị trường vốn rất cạnh tranh, thì đây sẽ là một động lực quan trọng để thúc đẩy thị trường M&A trong năm 2017 và những năm tiếp theo lên tầm cao mới.
Việc “cởi trói” về mặt chính sách, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng liên quan đến nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo, mua bán nợ, hạn chế sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt từ các nhà đầu tư chiến lược trong khu vực.
Đối với các doanh nghiệp tư nhân, việc tập trung phát triển tốt nhất thế mạnh kinh doanh hiện tại vẫn là quan trọng nhất. Tuy nhiên, để có thể sẵn sàng cho M&A, doanh nghiệp cũng nên xem chiến lược M&A là một phần tất yếu trong chiến lược phát triển của mình. Song song với việc thực hiện chiến lược này, các doanh nghiệp cần và nên đầu tư xây dựng một hệ thống quản trị công ty tốt, với đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, và một hệ thống sổ sách kế toán minh bạch được kiểm toán hằng năm.
Trong vài năm gần đây, có vẻ như làn sóng M&A giữa các tập đoàn lớn nước ngoài và các thương hiệu Việt Nam đang diễn ra sôi nổi, điều này có gây ảnh hưởng gì đến các thương hiệu Việt, thưa ông?
Theo tôi, việc M&A giữa các tập đoàn lớn nước ngoài và các thương hiệu Việt Nam là xu thế tất yếu và sẽ tiếp tục diễn ra. Phần lớn các nhà đầu tư M&A sẽ ưu tiên tập trung vào các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các thương hiệu Việt Nam sẽ không còn.
Nếu thương hiệu Việt thực sự có giá trị, thì trong một quá trình M&A chuẩn, chắc chắn giá trị đó phải được thể hiện trong giá trị thương vụ, cũng như các điều khoản của hợp đồng giao dịch. Nếu làm được điều này, tôi không thấy có lý do thương mại hoặc pháp lý gì mà các thương hiệu Việt Nam không được tiếp tục sử dụng hậu M&A.
Deloitte đã tư vấn thành công nhiều thương vụ M&A lớn giữa đối tác là các tập đoàn đầu tư lớn từ nước ngoài và các doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý gì để thu hút thành công nhà đầu tư nước ngoài và thực hiện tốt thương vụ M&A như mong đợi?
Đầu tiên, các chủ doanh nghiệp Việt Nam cần phải xác định rõ mục tiêu của mình trong thương vụ M&A để từ đó đưa ra một chiến lược phù hợp. Đây là bước cực kỳ quan trọng, bởi nó sẽ quyết định quy trình M&A sẽ được thực hiện như thế nào.
Với một quy trình M&A chuyên nghiệp được quản lý chặt chẽ bởi một nhà tư vấn lớn có mạng lưới toàn cầu như Deloitte, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được với các nhà đầu tư phù hợp trên toàn thế giới. Nhờ đó, quy trình này sẽ có tính cạnh tranh và từ đó, sẽ giúp doanh nghiệp có thể sàng lọc và chọn lựa được cho mình nhà đầu tư phù hợp nhất với giá trị giao dịch và điều khoản cạnh tranh nhất.
Mục tiêu có thể chỉ đơn giản hỗ trợ tài chính, nhưng có thể phần lớn sẽ yêu cầu có sự hỗ trợ về chiến lược, hoạt động, phát triển sản phẩm và mạng lưới... Với các mục tiêu M&A khác nhau, thì cách thức thực hiện và đối tượng nhà đầu tư cho thương vụ M&A đó cũng sẽ khác nhau.
Sau đó, doanh nghiệp phải có những bước chuẩn bị cụ thể tiếp theo cho thương vụ M&A, như kiện toàn hệ thống quản trị công ty cũng như đội ngũ quản lý, xây dựng kế hoạch kinh doanh 5 năm, thực hiện kiểm toán và minh bạch trong thông tin tài chính, thành lập nhóm phụ trách M&A và tìm sự hỗ trợ từ các nhà tư vấn chuyên nghiệp.
Với kinh nghiệm của nhà tư vấn M&A, chúng tôi cho rằng có nhiều doanh nghiệp giỏi trong việc kinh doanh ngành hàng, lĩnh vực của mình. Tuy nhiên, để có một thương vụ M&A thành công, doanh nghiệp nên tiếp cận và có những nhà tư vấn chuyên nghiệp ngay từ những bước đầu. Một sự chuẩn bị tốt sẽ có tác động rất tích cực đến sự thành công của thương vụ.
Trên thực tế, một thương vụ được thực hiện có thể chỉ từ 6 tháng đến 1 năm, nhưng quá trình chuẩn bị cho thương vụ ấy thường phải kéo dài lâu hơn.
Vậy theo ông, như thế nào là một thương vụ M&A thành công và những yếu tố giúp tạo nên một thương vụ M&A thành công là gì?
Theo tôi, một thương vụ M&A thành công là một thương vụ “win-win” cho cả người mua và người bán, đáp ứng được cả mục tiêu của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Để có một thương vụ M&A thành công cần đến 5 yếu tố: (1) Mục tiêu của doanh nghiệp và nhà đầu tư đã được xác định rõ ràng; (2) Quy trình M&A được thực hiện chuyên nghiệp, minh bạch và có tính cạnh tranh; (3) Thông tin được cung cấp đầy đủ và chính xác để nhà đầu tư đánh giá được các thế mạnh và tình hình tài chính của doanh nghiệp, giảm thiểu được các cam kết; (4) Sự hỗ trợ và cam kết đến từ những người đóng vai trò quyết định; và (5) Yếu tố cuối cùng rất quan trọng, đó là sự may mắn hay chính là chữ “duyên” giữa các bên tham gia thương vụ M&A.
Ông có thể chia sẻ đôi điều về vai trò của các nhà tư vấn M&A như Deloitte cho một thương vụ M&A thành công?
Một nhà tư vấn M&A tốt vừa là người hỗ trợ, người đồng hành, đồng thời cũng là cầu nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp xuyên suốt thương vụ M&A, từ giai đoạn hình thành chiến lược M&A đến lúc kết thúc và giai đoạn hậu M&A.
Sẽ luôn có sự khác biệt trong mục tiêu của người bán và người mua nên nhà tư vấn với vai trò cầu nối sẽ giúp hai bên hiểu về mục tiêu của nhau để có thể tiến đến sự đồng thuận. Sự khác biệt về mặt văn hóa cũng là cũng là một lĩnh vực mà nhà tư vấn có thể hỗ trợ cho hai bên trong thương vụ M&A.
Với một quy trình M&A chuyên nghiệp được quản lý chặt chẽ bởi một nhà tư vấn lớn có mạng lưới toàn cầu như Deloitte, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được với các nhà đầu tư phù hợp trên toàn thế giới. Nhờ đó, quy trình này sẽ có tính cạnh tranh và từ đó, sẽ giúp doanh nghiệp có thể sàng lọc và chọn lựa được cho mình nhà đầu tư phù hợp nhất với giá trị giao dịch và điều khoản cạnh tranh nhất.