Cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước: Cơ hội đầu tư và kỷ luật hành chính

Nếu có sự đột biến ở những thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) quy mô lớn liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thì tổng giá trị M&A tại Việt Nam trong năm nay có thể đạt 6,2-6,5 tỷ USD, thậm chí cao hơn.
Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017

Giới đầu tư đã đưa ra dự báo này tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 vừa được Báo Đầu tư và Công ty AVM vừa tổ chức và nhận được sự đồng thuận cao.

Nhưng băn khoăn mà các nhà đầu tư đã đặt ra và có lẽ còn phải tiếp tục bàn tới, là các nguồn hàng trong kỳ vọng này có chắc chắn tạo sự đột phá cho thị trường hay không. Bởi lẽ, cho tới lúc này, khi quý III/2017 đã gần đi qua, song nhiều doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa năm 2017 vẫn đang nằm trong danh mục được công bố.

Trong số hơn 700 doanh nghiệp cổ phần hóa, nhưng chưa niêm yết theo yêu cầu, nhiều doanh nghiệp đang thuộc diện chưa hoàn tất thủ tục hoặc có vướng mắc về pháp lý. 

Nguồn hàng được chờ đợi nhất trong năm nay là kế hoạch thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp đầu ngành như Sabeco, Habeco... có thể sẽ phải gối đầu sang năm tới khi các bước báo cáo theo quy trình hiện chưa hoàn tất.

Chắc chắn rằng, việc công bố công khai danh sách doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn dù chậm, nhưng đã khơi lại niềm tin cho giới đầu tư quan tâm tới món hàng hóa đặc biệt nói trên. Tuy vậy, để dòng tiền thực sự chảy vào các hoạt động đó, thì điều này chưa đủ.

Cũng phải nhắc lại rằng, trong số các doanh nghiệp cổ phần hóa của năm 2017, không ít tên tuổi thuộc về danh sách cổ phần hóa của năm 2016, song không thấy có thông tin nào về việc xử lý người có trách nhiệm khi tiến độ cổ phần hóa không thực hiện đúng hạn định. Điều này cũng xảy ra trong những năm trước đó và rất có thể, sẽ tái diễn trong năm nay nếu không có chế tài kiểm soát, cảnh báo sớm và các biện pháp xử lý nghiêm khắc từ Chính phủ.

Thêm nữa, một trong những mục tiêu của việc công bố danh sách cổ phần hóa, thoái vốn chính là tạo công cụ để đại diện chủ sở hữu “thúc” doanh nghiệp trong diện quản lý của mình thay đổi quản trị, trước hết là thực hiện minh bạch, công khai thông tin và từ đó, nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường. Đây cũng là động thái hiện thực hóa các cam kết rút lui khỏi các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ, trả lại cơ hội kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân.

Ở góc độ kinh doanh, chỉ khi doanh nghiệp thực sự có giá trị, thì Nhà nước mới tìm kiếm được các nhà đầu tư chiến lược có chất lượng. Khi đó, nhà đầu tư tên tuổi sẽ sẵn sàng chi trả các khoản đầu tư lớn.

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, việc giải tỏa tâm lý thận trọng trước những cơ hội được cho là bày sẵn của giới đầu tư trong nước và nước ngoài là không hề dễ. 

Phải nhắc lại cam kết của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng với các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2017. Bộ trưởng cho rằng, các dòng đầu tư chi “chảy về vùng trũng” và việc tạo ra vùng trũng là công việc của Chính phủ.

Chính phủ đã tạo ra nguồn hàng có thể tạo nên sự đột phá của thị trường M&A Việt Nam trong năm nay. Vấn đề là phải sớm kích hoạt “vùng trũng” này bằng sự quyết liệt và kỷ luật hành chính cao trong thực thi.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục