Gợi mở cơ hội đầu tư cuối năm 2017

(ĐTCK) Với triển vọng sáng của nền kinh tế, nhiều ngành, lĩnh vực sẽ tiếp tục tăng trưởng, là cơ hội cho các nhà đầu tư chứng khoán tìm kiếm lợi nhuận.
Gợi mở cơ hội đầu tư cuối năm 2017

GDP hai quý cuối năm có thể tăng lần lượt 6,6% và 6,8%

Quý II/2017, GDP tăng trưởng 6,17%, theo đó 6 tháng đầu năm tăng 5,73%. Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017 là thách thức cho 2 quý cuối năm, dù có nhiều yếu tố đang hỗ trợ cho nền kinh tế tăng trưởng.

Thứ nhất, lạm phát và lãi suất ổn định. Bình quân 6 tháng đầu năm, chỉ số lạm phát ở mức 4,1% do chi phí đầu vào nhiều nhóm hàng hóa duy trì ở mức thấp, đặc biệt là giá xăng dầu. Tuy nhiên, một số nhóm hàng hóa tăng mạnh do điều chỉnh chính sách giá như dịch vụ y tế, dược phẩm. Dự báo, lạm phát năm 2017 ở mức dưới 5%.

Lãi suất cũng duy trì ổn định trong 6 tháng đầu năm, trong đó lãi suất cho vay bình quân là 8%/năm và dự báo tiếp tục ổn định 6 tháng cuối năm hoặc điều chỉnh giảm nhẹ, giúp cho các doanh nghiệp kiểm soát tốt chi phí lãi vay và tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa của các doanh nghiệp.

Thứ hai, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tìm đến Việt Nam. Thống kê 6 tháng đầu năm 2017, vốn FDI giải ngân đạt mức 7,7 tỷ USD. Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc là những nước có lượng vốn FDI đầu tư mạnh nhất vào Việt Nam. Dự báo, Việt Nam tiếp tục được các nhà đầu tư quốc tế tìm đến do có lợi thế về vị trí địa lý, chi phí nhân công rẻ, tình hình an ninh xã hội ổn định…

Thứ ba, xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực. 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức 198,3 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu đạt 97,8 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu đạt mức 100,5 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.

Thứ tư, tăng trưởng tín dụng ở mức cao. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 là 8% so với cuối năm 2016, mức cao nhất kể từ năm 2012. Theo tính chu kỳ hàng năm, dự báo mức tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2017 đạt 19%, bằng mức tăng trưởng tín dụng năm 2016.

Dựa trên giả định sẽ có những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2017 gồm chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, có gói kích thích tăng trưởng và tập trung vào một số lĩnh vực chính như sản xuất công nghiệp, khai thác dầu khí, tôi dự báo mức tăng trưởng GDP của quý III và quý IV lần lượt là 6,6% và 6,8%, mức tăng cả năm 2017 là 6,4%.

Cơ hội đầu tư nhiều nhóm ngành

Thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm 2017 đã có bước tiến vững chắc. Kết thúc 6 tháng đầu năm, VN-Index tăng 16,6% và HNX-Index tăng 23,7%. Đây là mức tăng cao nhất của cả hai chỉ số kể từ năm 2008. Kết quả ấn tượng trên chủ yếu là nhờ không ít cổ phiếu vốn hóa lớn lên niêm yết, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài, dòng tiền cả nước ngoài và trong nước tích cực đổ vào thị trường. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp niêm yết có tiềm năng tăng trưởng. Ngoài ra, thị trường có thể sớm được nâng hạng đã tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư.

Theo số liệu từ Bloomberg, 6 tháng đầu năm, thị trường chứng kiến hầu hết các nhóm ngành đều tăng trưởng, trong đó hai nhóm tăng trưởng mạnh nhất là các cổ phiếu thuộc ngành bất động sản, ghi nhận mức tăng 14,8%, tiếp theo là ngành vận tải, đạt mức tăng 12%. Ngược lại, có hai nhóm ngành ghi nhận mức tăng trưởng âm gồm ngành dịch vụ giảm 9,9%, ngành hàng hóa phi tiêu dùng giảm 4,4%.

Trong 6 tháng đầu năm, khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 8.889 tỷ đồng, trong khi năm 2016, khối này bán ròng 6.783 tỷ đồng (không tính giá trị F&N mua lại VNM và các công ty phát hành riêng lẻ). Thống kê giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài trong 11 năm qua, khối này đã mua ròng tổng cộng 10 năm và mức mua tăng mạnh trong năm 2017 thể hiện sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Định giá chung của thị trường theo chỉ số P/E tăng lên mức 16/6 lần, mức cao nhất từ năm 2008 đến nay. Tuy nhiên, so với mức bình quân thị trường trong khu vực, định giá theo P/E của thị trường Việt Nam vẫn ở mức hợp lý và còn thấp hơn một số nước tương đồng như Philippines, Ấn Độ và Indonesia. Kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục tăng trưởng và có thêm nhiều doanh nghiệp lớn lên niêm yết, do đó ước tính mức định giá P/E 2017 là 16 lần.

Dự báo, dòng tiền 6 tháng cuối năm 2017 từ khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tích cực do mức định giá còn hấp dẫn, thêm nhiều cổ phiếu tốt lên niêm yết, tính minh bạch của thị trường cao hơn. Giao dịch của khối nhà đầu tư trong nước khi lãi suất giảm, tăng trưởng tín dụng ở mức cao dự báo cũng sẽ sôi động.

Theo đó, trong 6 tháng cuối năm, VN-Index có thể đạt mức cao nhất trong năm 2017 ở mức 790 điểm và kết thúc năm với 775 điểm.

Một trong những ngành, lĩnh vực tôi kỳ vọng có thể tiếp tục tăng trưởng và là cơ hội cho các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm, đó là sản xuất hàng hóa công nghiệp. Giá dầu giảm kéo theo chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm sẽ giúp các công ty trong ngành cải thiện biên lợi nhuận tăng trưởng.

Trong khi đó, ngành này được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng dân dụng cũng như tăng trưởng tiêu dùng. Một số cổ phiếu tiêu nổi bật trong ngành gồm: SBV, REE, HPG, HSG, CTI, CVT, BMP, NTP, EVE, VCS, PTB, PLC.

Thứ hai là lĩnh vực phân phố bán lẻ, có thể duy trì mức tăng trưởng khả quan nhờ mở rộng quy mô, kênh phân phối và thêm nguồn vốn từ các đối tác nước ngoài; hưởng lợi từ chi tiêu, tiêu dùng tăng cao, dân số trẻ và mức sống tiếp tục tăng cao của người dân Việt Nam. Các hoạt động M&A, đặc biệt là từ các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tác động tích cực đến cổ phiếu nhóm ngành này. Một số cổ phiếu nổi bật trong ngành gồm PLX, SVC, HAX, PNJ, MWG.

Thứ ba là tài chính - bảo hiểm. Nhiều cổ phiếu trong ngành này có triển vọng tích cực khi doanh nghiệp có tỷ lệ tiền mặt lớn, cổ tức ổn định ở mức cao, hưởng lợi nhờ thị trường chứng khoán sôi động. Với các công ty bảo hiểm, một yếu tố hỗ trợ khác là điều kiện về sở hữu nước ngoài sẽ sớm được nới lỏng theo lộ trình AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN). Một số cổ phiếu nổi bật trong ngành tài chính - bảo hiểm gồm SSI, HCM, VCI, PVI, PGI, BVH, BMI, VCB, CTG, EIB.

Thứ tư là thực phẩm và đồ uống. Ngành này được hưởng lợi từ chi tiêu, tiêu dùng tăng cao, dân số trẻ và mức sống tiếp tục tăng cao của người dân Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất - kinh doanh và kênh phân phối, áp dụng các biện pháp quản trị nhằm cải thiện biên lợi nhuận; mở rộng thị phần, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu mới. Một số cổ phiếu nổi bật trong ngành gồm VNM, QNS, SAB, VSN.

Nhà đầu tư cũng nên quan tâm đến cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), cổ phiếu nhóm ngành tiện ích và các cổ phiếu đầu ngành khác như CSV, PAC, BFC, SFG, DRC, PC1, PPC, FPT, ITD, DBD, HT1, DBC, HUT.

Võ Văn Cường, Giám đốc nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Maritime (MSI)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục