Thoái vốn Vinamilk và chuyện xóa bỏ thương hiệu Việt

Thông tin Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn toàn bộ tại 10 công ty đầu ngành, thì Vinamilk là cái tên được chú ý nhất. Thoái khối lượng lớn thì khả năng cao người mua sẽ là nhà đầu tư ngoại. Thoái không khó, câu chuyện là hậu thoái vốn sẽ thế nào?
Vinamilk làm ăn hiệu quả nên các nhà đầu tư đều muốn sở hữu thêm cổ phiếu doanh nghiệp này Vinamilk làm ăn hiệu quả nên các nhà đầu tư đều muốn sở hữu thêm cổ phiếu doanh nghiệp này

Vì sao SCIC thoái vốn?

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, việc thoái vốn của SCIC là điều bình thường và hợp lý. Ông Thành cho rằng, bản chất của SCIC không phải là kinh doanh hay cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân, mà là quản lý vốn của Nhà nước trong các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững. Khi một doanh nghiệp đã hoạt động hiệu quả thì SCIC phải rút ra để lấy vốn hỗ trợ các doanh nghiệp khác. “Việc thoái vốn của SCIC ở các doanh nghiệp ăn nên làm ra là chuyện rất bình thường”, ông Thành nhấn mạnh.

Trước thông tin việc thoái vốn của SCIC là do Chính phủ cần thu hồi vốn đầu tư để bù đắp cho các khoản trả nợ sắp đến hạn và bổ sung vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, ông Thành cho rằng, nhận định này không chính xác, bởi việc lấy tiền chỗ này “đắp” chỗ khác không phải là nhiệm vụ của SCIC.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo, việc thoái vốn có thể gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ.

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại Vinamilk cho biết, các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước sẽ rất phấn khởi nếu Nhà nước thoái vốn ở Vinamilk, vì tâm lý các nhà đầu tư đều muốn sở hữu thêm cổ phiếu Vinamilk. Vinamilk là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, quản trị tốt, luôn đem lại giá trị gia tăng cho cổ đông.

“Nếu quyết định này trở thành hiện thực thì đây là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư cả cá nhân và tổ chức, nhưng với điều kiện Nhà nước đưa ra đấu giá rộng rãi công khai và hết sức minh bạch cho các nhà đầu tư có cơ hội tham gia, như vậy sẽ đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước qua việc bán vốn.

Riêng với Vinamilk, chúng tôi vẫn tiếp tục phát triển theo định hướng chiến lược của mình trong 5 năm và 10 năm tới, với mục tiêu trở thành công ty đa quốc gia hoạt động trên toàn cầu”, bà Hương nhấn mạnh.

Các kịch bản thoái vốn

Bình luận chuyện SCIC thoái vốn khỏi Vinamilk hiện nay còn quá sớm, nhất là mới chỉ dừng ở thông tin, việc thực hiện đòi hỏi phải có lộ trình về mặt thời gian, sự chuẩn bị về mặt tài chính. Tuy nhiên, theo một chuyên gia tài chính, một số kịch bản có thể xảy ra:

Với SCIC, mục đích thoái vốn của bất kỳ nhà đầu tư nào cũng là lợi nhuận thu được tối đa. Xét ở khía cạnh này, kỳ vọng của SCIC là bán cổ phần tại Vinamilk với mức giá cao nhất.

Theo cơ cấu cổ đông trong Báo cáo thường niên 2014 của Vinamilk, hiện SCIC đang nắm 45,06% cổ phần, cổ đông nước ngoài nắm 49% và số còn lại là của cổ đông trong nước. Giá trị vốn hóa của Vinamilk tính đến ngày 31/12/2014 là hơn 95.000 tỷ đồng. Lớn thứ hai thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nếu nhìn ở khía cạnh này, việc tung ra bán ồ ạt số lượng lớn trên thị trường sẽ dẫn đến bội thực nguồn cung, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và SCIC sẽ không đạt mục tiêu, mặt khác năng lực tài chính thị trường không đủ để “tiêu hóa” hết số cổ phiếu hấp dẫn này. Do vậy, kịch bản chính yếu là tìm nhà đầu tư chiến lược có đủ tiềm lực tài chính để sở hữu số cổ phiếu này. 

Theo dự đoán, sẽ có rất nhiều định chế tài chính trong và ngoài nước muốn sở hữu số cổ phiếu này, vì “hương vị” lợi nhuận của Vinamilk là rất tiềm năng.

Theo Phòng Phân tích Công ty chứng khoán SSI, hai cổ phiếu VNM (Vinamilk) và FPT được nhà đầu tư nước ngoài rất ưa thích, họ thường giao dịch nội khối lẫn nhau với mức giá premium 10-20% (chênh lệch cao giá trong biên độ) do hết room dành cho nhà đầu tư nước ngoài.

Do vậy, thông tin SCIC thoái vốn cùng thời điểm với hướng dẫn tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài sẽ mở ra cơ hội cho hai đối tượng là các quỹ đầu tư tài chính nước ngoài tại Việt Nam và các định chế tài chính (các quỹ ETFs).

Sức ép từ TPP

Một sức ép nữa cũng cần phải tính đến chính là từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó ngành sữa là một trong những ngành chịu ảnh hưởng khá nặng.

Trong 12 nước tham gia TPP, có 3 nước gây ảnh hưởng nhiều đến ngành nông nghiệp và thị trường sữa Việt Nam là New Zealand, Mỹ và Australia. Trong đó, New Zealand và Australia là những cường quốc về chăn nuôi bò thịt, bò sữa. Đến năm 2018, các sản phẩm sữa nhập từ các nước này vào Việt Nam sẽ có mức thuế suất bằng 0. Điều này đặt ra thách thức rất lớn cho doanh nghiệp chi phối thị trường sữa Việt Nam là Vinamilk.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội – VEPR), với ngành sữa và bò thịt, thách thức từ TPP tuy lớn nhưng cũng sẽ có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, cần phải tái cấu trúc ngành, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh.

Riêng thị trường sữa Việt Nam cần minh bạch thông tin các sản phẩm sữa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp. Đồng thời giúp giá sữa về với thực tế hơn, giúp người dân tiếp cận sữa có chất lượng sát với giá thành, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sữa tăng cường đầu tư, tăng sản lượng sữa tươi trong nước, giảm phụ thuộc và nhập khẩu.

Do vậy, cũng có luồng ý kiến cho rằng, việc SCIC thoái vốn khỏi Vinamilk là tránh việc bị các quốc gia khác kiện Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp chi phối thị trường sữa Việt Nam. Việc SCIC thoái vốn sẽ tạo cho Vinamilk sự năng động hơn trong cạnh tranh khi áp lực TPP đến gần.

Phân tích thêm về vấn đề này, một chuyên gia tài chính chia sẻ: Còn nhớ, trong năm tài chính 2014, VNM đã từng “ngậm đắng nuốt cay” vì vuột mất thương vụ mua lại một trang trại bò sữa tại Lâm Đồng về tay một đối thủ nội địa trong làng sữa. Lý do vì kế hoạch mua lại thương vụ này phải mất gần 5 tháng trình đi, báo lại với cổ đông lớn nhất chiếm tỷ trọng cao trong HĐQT của VNM chính là SCIC. Đến khi SCIC chịu “gật đầu” thì dự án đã bị đối thủ “ẵm” mất. 

SCIC thoái vốn khỏi VNM không phải một sớm một chiều

Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, dù xảy ra kịch bản nào thì chuyện thoái vốn của SCIC khỏi Vinamilk và 9 doanh nghiệp nhà nước khác cũng không thể thực hiện một sớm một chiều, vì đòi hỏi phải có lộ trình và hướng đi rõ ràng.

Chia sẻ thêm quan điểm này, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Chi nhanh TP. HCM Công ty chứng khoán KIS cho biết, giá trị vốn của SCIC tại Vinamilk là rất lớn, nên phương án thoái vốn phải thực hiện theo phương thức thỏa thuận, giao dịch để tránh làm thị trường biến động.

Bên cạnh đó, một lo ngại nữa là nếu SCIC chuyển nhượng không đúng đối tượng, thì việc các doanh nghiệp nước ngoài sở hữu các doanh nghiệp đang nắm thị phần chi phối ở các thị trường trọng điểm như sữa của Vinamilk, là vấn đề phải được cảnh báo.

Ở góc độ này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đặt câu hỏi: “Sẽ ra sao khi việc thoái vốn của SCIC giúp cổ đông nước ngoài nắm cổ phiếu chi phối?”.

Tính đến tháng 12/2014, Vinamilk có 268 nhà phân phối độc quyền, các nhà này đang bán hàng đến hơn 215.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc. Sản phẩm của Vinamilk có mặt ở 650 siêu thị toàn quốc. Còn theo báo cáo năm 2015 của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, sữa tươi Vinamilk 100% đứng đầu về cả sản lượng bán ra lẫn doanh số bán ra trong phân khúc nhóm các nhãn hàng sữa tươi. Do vậy, nếu các cổ đông nước ngoài nắm quyền chi phối doanh nghiệp này sẽ nghiễm nhiên nắm luôn quyền chi phối thị trường sữa tươi ở Việt Nam.

Ông Thành cũng không loại trừ các cổ đông nước ngoài sau khi nắm quyền chi phối có thể “giết chết” cả doanh nghiệp này. Và không chỉ Vinamilk, các doanh nghiệp mà SCIC đang chuẩn bị thoái vốn cũng có nguy cơ tương tự.

“Cần phải lưu ý khía cạnh nếu để các công ty nước ngoài sở hữu, nguy cơ xóa sổ các thương hiệu bản sắc Việt Nam là rất lớn”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Bảo Giang - Công Sang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục