Nhiều câu hỏi xung quanh việc thoái vốn không chỉ tại Vinamilk mà cả các doanh nghiệp lớn khác cũng đang dần được giải đáp. Trước hết là phương thức bán vốn với những cổ phiếu đang được giao dịch trên thị trường tập trung trên Sở GDCK TP. HCM và Sở GDCK Hà Nội.
Thông tin từ cuộc họp Chính phủ diễn ra ngày 3-4/10 cho thấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính về việc bán vốn mà SCIC trình.
Cụ thể, cổ phiếu VNM sẽ được bán theo phương thức thỏa thuận ngoài hệ thống giao dịch, nếu giá bán thỏa thuận ngoài biên độ (vượt trần), SCIC có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị chấp thuận chuyển nhượng và thực hiện thủ tục chuyển nhượng qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán.
Việc xác định giá bán cổ phần tối thiểu tại các doanh nghiệp phải bằng hoặc cao hơn giá vốn cổ phần hạch toán trên sổ sách kế toán của SCIC (sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư vốn theo quy định), nhưng không thấp hơn giá sàn giao dịch trên thị trường tại ngày bán hoặc ngày ký hợp đồng bán cổ phần.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết, với 9% cổ phần VNM chào bán lần này, SCIC không cứng nhắc việc bán nguyên lô là 9% hay tách thành 3-4 lô nhỏ hơn. Việc này sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán với các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần. Chẳng hạn, nếu một nhà đầu tư trả giá X cho nguyên lô cổ phần 9%; song lại có 2-3 nhà đầu tư khác trả giá cao hơn cho các lô cổ phần quy mô bé hơn, SCIC sẽ tính đến việc chia 9% VNM thành các lô cổ phần tương ứng.
Đầu tư Chứng khoán cũng đặt câu hỏi về việc tại sao SCIC lại chọn thoái 9% vốn VNM đợt này mà không phải con số cao hơn hay thấp hơn? Ông Chi cho biết, SCIC cho rằng tỷ lệ đó đủ để hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, phân tích một cách sâu hơn, có lẽ câu trả lời nằm ở chỗ, thoái vốn 9% tại VNM, tỷ lệ sở hữu của SCIC tại doanh nghiệp này vẫn còn xấp xỉ 36%, đủ quyền để phủ quyết các vấn đề lớn theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Phương thức bán VNM đã tương đối rõ ràng. Vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là việc chọn đơn vị tư vấn để làm sao định giá VNM chính xác nhất và tìm kiếm được nhiều nhà đầu tư chấp nhận mua VNM với giá cao nhất. Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến việc chọn tư vấn định giá và yêu cầu trước hết phải đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn tốt nhất, bảo đảm việc lựa chọn công tâm, khách quan.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng quán triệt tinh thần này, các cơ quan chức năng chú ý theo dõi, giám sát, nhất là với những doanh nghiệp có giá trị lớn, lợi nhuận lớn như Vinamilk. Cùng với đó, các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa phải niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán, bảo đảm việc bán vốn nhà nước phải thu về giá trị cao nhất.
“Kinh nghiệm các nước về vấn đề này rất nhiều, chúng ta phải tránh tiếng xấu, tránh những tiếng đồn, tiếng đại quanh việc định giá. Đây là đồng tiền, bát gạo của nhân dân”, Thủ tướng nhiều lần nhắc lại yêu cầu này.
Thời gian qua, SCIC làm việc với nhiều tổ chức tư vấn nước ngoài như Credit Suisse, Morgan Stanley, JP Morgan, Nomura và các tổ chức trong nước như SSI, HSC, Bản Việt với dự kiến tháng 9 sẽ chốt được nhà tư vấn bán vốn, tháng 11 có giá khởi điểm cho cổ phiếu VNM. Với chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng, có lẽ SCIC sẽ phải thực hiện lại việc chọn tư vấn. Làm theo cách nào, theo ông Nguyễn Đức Chi, ngay sau khi có kết quả chọn được nhà tư vấn, hoặc có giá khởi điểm VNM…, Tổng công ty cũng thực hiện công bố rộng rãi ra thị trường.
Chủ tịch SCIC khẳng định: “Việc thoái vốn tại VNM và các doanh nghiệp khác được dư luận đặc biệt quan tâm. SCIC chỉ có một con đường, đó là làm tốt nhất trong khả năng của mình”.