Bán vốn Nhà nước tại Vinamilk ngay năm nay

Vinamilk là doanh nghiệp được SCIC lựa chọn bán cổ phần đầu tiên trong năm nay, trong khi 9 doanh nghiệp "gà đẻ trứng vàng" khác sẽ được thoái vốn muộn nhất vào đầu năm 2017.
SCIC đặt quyết tâm bán vốn củaVinamilk trong năm nay. SCIC đặt quyết tâm bán vốn củaVinamilk trong năm nay.

Tiến trình thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn như Vinamilk, FPT, Bảo Minh... do SCIC quản lý vừa được ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp Bộ Tài chính - cho biết tại cuộc họp báo cuối ngày 14/9.

Sau khi được Chính phủ giao nhiệm vụ, SCIC đã lên kế hoạch và sẽ bắt đầu bán vốn của Vinamilk ngay trong năm 2016. "Đương nhiên có thể bán một phần hoặc bán hết cổ phần tại Vinamilk tùy vào tình hình. Với doanh nghiệp lớn như Vinamilk thì cần lựa chọn bán trình tự làm sao để lợi ích Nhà nước đạt cao nhất. 9 doanh nghiệp còn lại sẽ lên kế hoạch để làm trong năm nay và đầu năm sau", ông Tiến nói.

Vị lãnh đạo Cục này cũng cho biết quy mô vốn Nhà nước tại Vinamilk lên tới trên dưới 100.000 tỷ đồng nên không thể bán ra thị trường và được hấp thụ ngay trong một lúc, mà có thể thực hiện nhiều lần. Nguyên tắc bán cổ phần vẫn phải đảm bảo công khai, minh bạch.

Cuối năm 2015, Chính phủ vừa yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) xây dựng lộ trình bán hết vốn tại 10 doanh nghiệp lớn, nơi Nhà nước đang nắm giữ phần vốn tương đương khoảng hơn 3 tỷ USD. Đây cũng là những doanh nghiệp có cổ phiếu được nhà đầu tư, trong đó có khối ngoại, chờ đón trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, đến nay, lộ trình thoái vốn này vẫn "nằm trong kế hoạch" bất chấp sự mong ngóng của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

10 "con gà đẻ trứng vàng" của SCIC gồm Vinamilk, FPT, FPT Telecom, Bảo Minh, Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia (Vinare), Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Nhựa Bình Minh, Xuất nhập khẩu Sa Giang.

Câu chuyện cổ phần hoá Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng được đề cập. Đại diện Cục Tài chính Doanh nghiệp cho biết, hiện Sabeco và Habeco vẫn đang thuộc quản lý của Bộ Công Thương, chưa bàn giao về SCIC. Vì vậy, vai trò của Bộ Tài chính trong tiến trình cổ phần hoá của hai công ty bia này chủ yếu là giám sát và đưa ra ý kiến nếu Bộ Công Thương cần.

Thực tế, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang nhòm ngó cổ phần của các hãng bia Việt Nam. Hiện Nhà nước nắm 90% vốn tại Sabeco và 82% tại Habeco. Một nguồn tin thân cận cho Wall Street Journal biết những công ty có thể đấu thầu mua số cổ phần này là Thai Beverage và Singha Group của Thái Lan, Kirin Holdings và Asahi Group Holdings của Nhật Bản, Heineken (Đan Mạch) và Anheuser-Busch InBev (Bỉ).

Thừa nhận khi đấu giá công khai thì không thể có sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định vẫn có cách thức để Nhà nước có quyền phủ quyết dù không nắm lượng lớn cổ phần thông qua những rào cản kỹ thuật. Ông cho biết, theo kinh nghiệm tại một số doanh nghiệp trên thế giới, họ sử dụng hình thức "cổ phần vàng" - cổ phần có quyền biểu quyết một số vấn đề như về thương hiệu. "Thường các quốc gia nếu không muốn giữ tỷ lệ lớn cổ phần nhưng vẫn muốn quyền biểu quyết về vấn đề thương hiệu sẽ giữ cổ phần vàng", ông nói.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục