Tìm cơ hội qua danh sách thoái vốn của SCIC

(ĐTCK) Trong danh mục triển khai bán vốn năm 2016 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có tên 120 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp niêm yết hoạt động kinh doanh hiệu quả.
Thông tin về các đợt thoái vốn của SCIC luôn được chờ đợi trên thị trường 
Thông tin về các đợt thoái vốn của SCIC luôn được chờ đợi trên thị trường

Một số doanh nghiệp niêm yết có tên trong danh sách bán vốn của SCIC năm 2016 là: Tổng CTCP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (255 triệu cổ phiếu, tương đương 58% vốn điều lệ); CTCP Vĩnh Sơn - Sông Hinh (49,5 triệu cổ phiếu, tương đương 24% vốn); CTCP Phát triển nhà Bà Rịa -Vũng Tàu (47,9 triệu cổ phiếu, tương đương 12% vốn); CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (35,6 triệu cổ phiếu, tương đương 50% vốn); CTCP Gemandept (10 triệu cổ phiếu, tương đương 8% vốn); CTCP Nhiệt điện Phả Lại (0,02% vốn); CTCP Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam (1% vốn); Tập đoàn Vinacontrol (30% vốn), FPT (6% vốn)…

Trong danh sách thoái vốn của SCIC năm 2016 không có tên các doanh nghiệp được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong.

Trong số các doanh nghiệp thuộc diện bán vốn năm 2016 của SCIC cũng có nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ phần vốn nhà nước lớn như: Tổng công ty Điện tử Tin học (88%); CTCP Nông sản Thực phẩm xuất khẩu Cần Thơ (98%); CTCP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (67%); Lâm sản Quảng Nam (65%), Địa ốc Vĩnh Long, Bia - Nước giải khát Cần Thơ…

Tính đến thời điểm 31/12/2015, SCIC sở hữu vốn Nhà nước tại 197 doanh nghiệp, với tổng giá trị tính theo mệnh giá hơn 19.700 tỷ đồng. Trong đó, đứng đầu về giá trị tính theo mệnh giá là CTCP Sữa Việt Nam -Vinamilk (tỷ lệ 45% sở hữu, tương đương giá trị theo mệnh giá là 5.410,5 tỷ đồng). Ngoài Vinamilk, thị trường đang mong ngóng các đợt thoái vốn của SCIC tại các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả khác trong danh sách 10 doanh nghiệp lớn mà Tổng công ty có định hướng thoái vốn 100% như: Công ty Viễn thông FPT (tỷ lệ sở hữu 50%); CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (37%), CTCP Nhựa Bình Minh (30%); Công ty Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (47%); Công ty Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (48%)...

Theo quy chế của SCIC, việc thoái vốn được thực hiện thông qua nhiều hình thức. Trong đó, đối với các doanh nghiệp chưa niêm yết, thoái vốn được thực hiện trước hết qua đấu giá công khai. Trường hợp không thành công, SCIC sẽ tiến hành bán thỏa thuận với giá bằng giá trúng thầu của đợt đấu giá đầu tiên; nếu không thành công, sẽ tổ chức bán đấu giá lần hai; lặp lại quy trình trên cho đến khi bán thành công số cổ phần chào bán.

Hiện nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến các đợt thoái vốn của SCIC và họ mong muốn được trao đổi, cung cấp thông tin về các doanh nghiệp sẽ thoái vốn, có khoảng thời gian đủ dài để nghiên cứu về doanh nghiệp và cân nhắc cơ hội đầu tư.

Thực tế cho thấy, khi các đợt thoái vốn của doanh nghiệp có tiềm năng được thông tin rộng rãi, cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp này được mổ xẻ, phân tích kỹ, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tham gia, nhất là khi thực hiện theo phương thức bán cả lô. Cách làm này, theo nhiều nhà đầu tư, cũng nên được áp dụng với các đợt thoái vốn tại doanh nghiệp niêm yết.

Hiện tại, Nghị định 71/2013/NĐ-CP quy định, đối với việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, thì thực hiện giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận thông qua hệ thống giao dịch của sở giao dịch chứng khoán. Nhiều đợt thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp niêm yết (được các bộ, ngành và SCIC quản lý) đã được thực hiện theo quy định này. Tuy nhiên, khi cổ đông nhà nước thông báo thoái vốn thường đơn thuần là thông báo bán cổ phần của cổ đông lớn trong doanh nghiệp theo các quy định pháp luật về chứng khoán, chứ không phải là công bố chi tiết dạng mời thầu về các đợt thoái vốn. Do đó, nhà đầu tư thiếu thông tin, không rõ đầu mối để liên hệ tìm hiểu sâu hơn. Mặt khác, nhà đầu tư cũng không rõ cổ đông nhà nước sẽ bán cả lô, hay chia nhỏ bán từng phần.

Đáng chú ý, việc bán thỏa thuận có thể được thực hiện trong biên độ giao dịch trên sàn hoặc ngoài biên độ, nhưng chưa có đợt bán thỏa thuận nào mà Nhà nước có thể thu được giá trị gấp 3 - 4 lần giá dự kiến chào bán, trong khi bán qua hình thức đấu giá công khai như trường hợp bán đấu giá cổ phần Khách sạn Kim Liên cuối năm 2015, Nhà nước có thể thu về số tiền gấp cả chục lần giá khởi điểm.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, Tổng công ty sẽ tiếp thu và xem xét, rà soát lại các quy định và cách làm, để có phương thức bán vốn nhà nước ưu việt nhất, đem lại hiệu quả cao nhất cho Nhà nước.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục