Thoái vốn... vì tiền?

(ĐTCK) Trong danh sách các doanh nghiệp Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang quản lý vốn, có những doanh nghiệp tỷ lệ sở hữu của Nhà nước còn chưa đến 5%, bán không ai mua, tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp cũng không được.
Bán vốn nhà nước rất cần quan điểm và phân tích của các bên tư vấn Bán vốn nhà nước rất cần quan điểm và phân tích của các bên tư vấn

Tình cảnh chơi vơi trên là do SCIC đã thực hiện thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng bán không hết cổ phần.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhưng phổ biến nhất là phương thức bán đấu giá cổ phần khiến cổ đông lớn chỉ cần mua thêm dăm bảy phần trăm cổ phần là đủ tỷ lệ chi phối doanh nghiệp, số cổ phần còn lại họ chẳng buồn quan tâm.

Ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp lĩnh vực tài chính Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, khi bán vốn nhà nước, phải cố gắng tránh rơi vào tình huống cổ đông nhà nước không kiểm soát hoặc có tiếng nói quan trọng trong một công ty đại chúng. Nếu Nhà nước “chẳng may” rơi vào cảnh cổ đông thiểu số thì chỉ cần nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp niêm yết, bởi cổ phiếu thường có thanh khoản, khi cần thoái vốn sẽ dễ dàng hơn.

Ông Ketut Ariadi Kusuma cho biết, trong rất nhiều trường hợp, người mua muốn kiểm soát doanh nghiệp, thường được gọi nôm na là sở hữu cổ phần chiến lược tại doanh nghiệp, nếu họ không mua được khối lượng cổ phần đa số thì họ sẽ không tham gia.

Vì thế, trong mỗi thương vụ thoái vốn nhà nước, cần làm rõ mục tiêu thoái vốn là vì tiền hay vì lý do nào khác. Để tối đa hóa dòng tiền thu được, bên bán phải xác định bán quyền chi phối tại doanh nghiệp.

Với hàng trăm doanh nghiệp đang ở diện Nhà nước sẽ thoái vốn từ nay đến năm 2020, một vấn đề gây trăn trở cho các nhà quản lý là thoái vốn nhằm hướng đến mục tiêu gì.

Ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đặt câu hỏi với các chuyên gia WB, trong những trường hợp nào cần bán cho nhà đầu tư chiến lược và trường hợp nào thì bán ra công chúng thông qua đấu giá công khai?

Nhắc lại trường hợp chơi vơi của cổ đông nhà nước tại nhiều doanh nghiệp hiện nay, ông Ketut Ariadi Kusuma cho rằng, không nên lăn tăn về việc mất thương hiệu hay quyền chi phối doanh nghiệp. Cũng có một số doanh nghiệp khi bán vốn, Nhà nước nên xác định có càng nhiều cổ đông cho doanh nghiệp càng tốt; khi cơ cấu sở hữu tại doanh nghiệp càng đông, người mua lại muốn mua hơn nữa, vì họ thấy cổ phiếu thanh khoản.

Nếu ban đầu, Nhà nước chỉ bán cho một vài nhà đầu tư thì những người đầu tiên thấy mua xong khó có thể bán được cho ai, trong khi người mua khác thấy cái bóng quá lớn của những nhà đầu tư ban đầu cũng chẳng mặn mà bước chân vào doanh nghiệp.

“Bán vốn nhà nước rất cần quan điểm và phân tích của các bên tư vấn trường hợp nào cần cổ đông chiến lược, trường hợp nào dành cho đông đảo công chúng”, các chuyên gia của WB khuyến nghị.

Từ thực tế triển khai bán vốn nhà nước của SCIC, ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC nhận định, hiện vẫn còn nhiều lúng túng, từ việc cân nhắc, hài hòa giữa các mục tiêu tối đa hóa số tiền thu về cho Nhà nước, với việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược giúp phát triển doanh nghiệp.

Sau mỗi thương vụ bán vốn, bên bán thường ít quan tâm nhà đầu tư mua cổ phần tại doanh nghiệp là ai, mà chủ yếu soi vào số tiền thu được là bao nhiêu, bán được cao hơn bao nhiêu so với giá cổ phiếu đang giao dịch trên sàn.

Trong khi nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại về vấn đề này và cho rằng, quan trọng là phải đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, thoái vốn, thay vì chỉ chú trọng tới yếu tố kinh tế.

Theo TS. Nguyễn Quang Trung, nhà đầu tư chiến lược có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp cần phải có cách tiếp cận linh hoạt trong việc chọn nhà đầu tư. Tùy vào từng trường hợp, đặc biệt với doanh nghiệp lớn có giá trị trên 1 tỷ USD, cần khéo léo chọn nhà đầu tư chiến lược, dựa vào hồ sơ, lịch sử, cam kết, chứ không nên chỉ chọn giá.

“Nếu chạy theo giá cao thì 3 năm sau, họ làm mất thương hiệu của mình thì sao?”, ông Trung đặt vấn đề.

TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, vấn đề là làm thế nào để Nhà nước có thể đánh giá được liệu nhà đầu tư tiềm năng có ý định hay có khả năng bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước hay không.

Để chọn trúng nhà đầu tư chiến lược, theo ông Long, Chính phủ cần đánh giá lịch sử hoạt động của nhà đầu tư qua kết quả phát triển kinh doanh dựa trên thương hiệu nội địa trong quá khứ như tỷ lệ doanh thu của công ty đến từ thương hiệu bản địa đã mua lại. Các công ty trong cùng lĩnh vực thường am hiểu thị trường địa phương hơn, nên sẽ biết cách dùng thế mạnh về công nghệ, thị trường của họ để giúp doanh nghiệp mà Nhà nước thoái vốn phát triển tốt hơn.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục