Thoái vốn tại ngân hàng, không tác động lớn tới giá cổ phiếu

Lộ trình thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại một số ngân hàng thương mại đã và đang từng bước được triển khai, song việc này không ảnh hưởng nhiều đến giá cổ phiếu ngân hàng.
Thoái vốn tại ngân hàng, không tác động lớn tới giá cổ phiếu

Các cuộc đấu giá công khai của các tập đoàn trong quá trình thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng, giá trúng thầu bình quân vẫn khá tốt và không ít nhà đầu tư quan tâm mua lại. Vì thế, cổ phiếu của những ngân hàng bị thoái vốn không mấy bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, cuối năm 2013, Vietnam Airlines chào bán thành công hơn 24 triệu cổ phần tại Techcombank cho 3 nhà đầu tư cá nhân.

Cuộc đấu thầu trên được thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, với giá đấu thầu thành công đạt bình quân 10.800 đồng. Có thể thấy, việc đấu thầu thành công với mức giá cao hơn gần 10% so với mệnh giá (thậm chí, cuối năm 2013, cổ phiếu này giao dịch dưới mệnh giá) là thành công lớn đối với việc thoái vốn của Vietnam Airlines khỏi Techcombank.

Cuối năm 2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng chuyển nhượng thành công 25,2 triệu cổ phiếu ABBank cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco), với giá trị 252 tỷ đồng. So với thời điểm trước khi chuyển nhượng, EVN nắm tỷ lệ 21,27% vốn điều lệ của ABBank, đến cuối năm 2013, EVN chỉ còn nắm giữ 16,02% vốn điều lệ của ABBank. Đại diện EVN cho biết, theo lộ trình, đến hết năm 2015, EVN phải hoàn thành việc thoái vốn tại ABBank  cũng như tại các công ty thuộc các lĩnh vực khác…

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cho biết, từ nay đến năm 2015, PVN sẽ thực hiện thoái toàn bộ 20% vốn tại Ocean Bank.

Các thương vụ chuyển nhượng cổ phần trong ngành ngân hàng thời gian qua cho thấy, lĩnh vực này vẫn được xem là màu mỡ, nên vẫn thu hút được giới đầu tư “rót” vốn.

Theo đánh giá của giới phân tích chứng khoán, việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng như đối tác chiến lược nước ngoài sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá cổ phiếu lĩnh vực này. Lý do là, việc chuyển nhượng cổ phiếu phổ thông trên thị trường thứ cấp, nên không ảnh hưởng tới vốn điều lệ, tình hình tài chính, định hướng chiến lược cũng như các hoạt động của ngân hàng.

Ông Yun Hang Jin, Giám đốc khối thị trường mới nổi của Công ty Korea Invesment & Securities (Hàn Quốc) nhận định, lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam còn nhiều tiềm năng để khai thác.

TS. Lê Văn Châu, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành và cổ phiếu nhiều ngân hàng lớn niêm yết trên sàn hiện nay đang tạo sức hút lớn, kích thích giới kinh doanh chứng khoán “rót” vốn vào các cổ phiếu này.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn nắm cổ phần ngân hàng trong nước. Trong đó, với ngân hàng nhỏ yếu kém, nhà đầu tư nước ngoài muốn mua đứt 100% vốn, nếu được Chính phủ cho phép. Vì thế, không ít nhà đầu tư và ngân hàng đang trông chờ vào việc nới thêm “room” cho khối ngoại.

Thực tế, thời gian qua, việc thoái vốn của các tập đoàn tại ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn, như thị trường khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của ngành và giá cổ phiếu ngân hàng; giá mua vào tối thiểu phải bằng mệnh giá 10.000 đồng, trong khi giá cổ phiếu của không ít ngân hàng giao dịch thấp hơn mức này.

Tuy nhiên, việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tạo động lực cho việc đẩy nhanh thoái vốn. Theo đó, Chính phủ cho phép các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước được phép thoái vốn dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp sau khi trừ đi những khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty 100% vốn nhà nước vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng sau khi đã thực hiện các biện pháp nêu tại Nghị quyết này mà thoái vốn không thành công và các lĩnh vực khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao…

Đây được xem là cơ hội cho các tập đoàn, tổng công ty đang có nhu cầu thoái vốn ngoài ngành, trong đó có ngân hàng.

Thùy Vinh(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục