Ngân hàng nào tiếp theo bị “bóc” sở hữu chéo?

Một khi phần vốn của các doanh nghiệp nhà nước tại các ngân hàng được bán lại, sở hữu chéo có thể sẽ phức tạp hơn.
Ngân hàng nào tiếp theo bị “bóc” sở hữu chéo?

Lo ông lớn “ôm” nhiều ngân hàng nhỏ

Nghị quyết số 15/2014/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành đã ra tối hậu thư cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Theo đó, nếu các DNNN không thể tự thoái vốn, Chính phủ có thể sẽ giao các ngân hàng thương mại nhà nước mua lại phần vốn này.

Hiện tại, hầu hết các ngân hàng thương mại nhà nước, như Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV cũng đều đang sở hữu tỷ lệ cổ phần tại các ngân hàng thương mại cổ phần. Điển hình là, Vietcombank đang sở hữu 11% cổ phần tại MB, 8,2% tại Eximbank, 4,7% tại OCB, 5,3% tại Saigonbank. Tương tự, Vietinbank đang sở hữu 11% cổ phần tại Saigonbank. BIDV nắm giữ cổ phần tại một số ngân hàng liên doanh. Còn Agribank cũng sở hữu cổ phần của Maritime Bank (thông qua công ty con là Agriseco)…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, nếu ép các DNNN thoái vốn ngân hàng bằng cách giao các ngân hàng thương mại mua lại phần vốn của DNNN tại các ngân hàng, thì tình trạng sở hữu chéo lại càng thêm rối rắm, khó xử lý. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Nghị quyết 15/2014/NQ-CP chỉ bật “đèn xanh”, chứ không ép các ngân hàng thương mại nhà nước phải mua lại phần thoái vốn của DNNN tại các ngân hàng. Do đó, không có cơ sở khẳng định các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ mua lại phần vốn mà các DNNN sắp thoái khỏi lĩnh vực ngân hàng. Hơn nữa, sở hữu chéo của các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn trong phạm vi an toàn, không có gì đáng ngại.

Ngân hàng nào tiếp theo sẽ bị “bóc” sở hữu chéo?

Hiện chưa có cơ sở khẳng định sở hữu chéo sẽ gia tăng tại các ngân hàng thương mại nhà nước, khi hàng loạt các DNNN thoái vốn ngân hàng. Song điều đáng lo hơn là, sở hữu chéo vẫn chưa giảm và ngày càng phức tạp ở khối ngân hàng thương mại cổ phần. Đáng lo ngại nhất là, tình trạng các ngân hàng cổ phần sở hữu lẫn nhau và tình trạng ông chủ ngân hàng kiêm luôn chức chủ tịch các công ty con.

Hiện tại, ngoài Sacombank và SouthernBank đang sắp được thu về một mối để xử lý sở hữu chéo, thì vẫn còn 5 cặp ngân hàng khác đang sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau. Ngoài ra, còn hơn 30 tổ chức tín dụng đang có cổ đông là một hoặc một số tổ chức tín dụng khác. 

Trước đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN)  khẳng định, sẽ xử lý sở hữu chéo bằng cách đưa một số ngân hàng có cùng ông chủ về một mối. Câu hỏi đặt ra là, các ngân hàng nào sẽ tiếp tục bị bóc sở hữu chéo?

Một lãnh đạo của NHNN cho hay, hiện ngân hàng đã nắm được danh sách “đen” về sở hữu chéo, song không thể xử lý mạnh vì động vào ngân hàng này là liên quan đến nhiều ngân hàng khác. “Quá trình xử lý sở hữu chéo sẽ được thực hiện song song với quá trình tái cơ cấu ngân hàng, minh bạch hóa quản trị. Hiện NHNN đã nắm bắt được một số ông chủ sở hữu nhiều ngân hàng và đang tiến hành bóc tách từng bước một, với quan điểm thận trọng”, vị lãnh đạo này cho hay.

Một nghịch lý đáng ngại đang diễn ra là sở hữu chéo dường như có xu hướng tăng cùng với lộ trình tái cơ cấu. TS. Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế nhận định, thời gian qua, NHNN đã sử dụng sở hữu chéo để tái cơ cấu ngân hàng. Điều này khiến sở hữu chéo không giảm, mà càng phức tạp thêm, ví dụ điển hình là trường hợp của SCB, Ngân hàng Xây dựng, PVcombank.

Sắp tới, khi các DNNN thoái khoảng 11.000 tỷ đồng vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng, các tập đoàn tài chính, doanh nghiệp tư nhân chắc chắn cũng không bỏ qua cơ hội mua lại, vì thế, mạng nhện sở hữu chéo có nguy cơ sẽ dày đặc hơn.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế thừa nhận, sở hữu chéo là hệ quả tất yếu của quá trình tái cơ cấu. “Bởi phải có ông chủ mới tham gia thì ngân hàng mới có thể có nguồn vốn mới để tái cơ cấu. Tuy nhiên, bản chất sở hữu chéo sẽ không đáng ngại, nếu như nó minh bạch”, ông Nghĩa nói.

Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, từ nay đến năm 2015, Việt Nam sẽ không thể bóc tách hết sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, nếu làm rõ tình trạng sở hữu của các cổ đông lớn, yêu cầu các cổ đông lớn thoái vốn về đúng mức quy định, loại bỏ các cổ đông không có năng lực tài chính…, thì sở hữu chéo không còn là vấn đề đáng ngại.

Trần Mạnh(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục