Thoái vốn tại hàng loạt ông lớn như ACV, PVOil, Vietnam Airlines, VEAM: Cửa đầu tư rộng mở?

(ĐTCK) Danh mục 406 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ thoái vốn trong giai đoạn 2017 - 2020 được Chính phủ công bố đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Bởi trong số đó, có hàng loạt tên tuổi lớn như Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), PVOil, PVTex…
Viglacera nằm trong danh sách thoái vốn Nhà nước trong năm 2017 Viglacera nằm trong danh sách thoái vốn Nhà nước trong năm 2017

Xuất hiện những “ông lớn”

Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt danh mục DNNN sẽ thực hiện thoái vốn và tỷ lệ thoái vốn tối thiểu theo từng năm của doanh nghiệp có vốn nhà nước trong giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, 406 doanh nghiệp thoái vốn trong 4 năm tới, riêng năm 2017 có 135 doanh nghiệp.

Việc công bố danh mục này là một biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, gắn với việc bảo đảm nguồn thu cho phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, việc công bố là giải pháp quan trọng để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Trước đây, Chính phủ chưa công bố nên các nhà đầu tư phải chờ đợi nhỏ giọt trong từng trường hợp cổ phần hoá, bán vốn tại doanh nghiệp cụ thể nên không hiệu quả cho cả hai bên. Khi công bố thông tin rõ ràng, nhà đầu tư sẽ có bức tranh tổng thể về các DNNN cần cổ phần hoá, bán vốn nên có nhiều lựa chọn để tiếp cận ngay.

“Tôi cho rằng, đây là giải pháp căn cơ để đẩy nhanh và đạt được hiệu quả cao trong quản trị doanh nghiệp của quá trình cổ phần hoá, bán vốn”, ông Tiến khẳng định.

Thoái vốn tại hàng loạt ông lớn như ACV, PVOil, Vietnam Airlines, VEAM: Cửa đầu tư rộng mở? ảnh 1

Sẽ thoái vốn tại Vietnam Airlines một lần, tối thiểu 35,16% vào năm 2019. 

Đáng chú ý, trong danh sách thực hiện thoái vốn của năm 2017 chỉ có một doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương quản lý là Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) có tỷ lệ vốn tối thiểu cần thoái trong năm là 52,47%. VEAM cũng là “ông lớn” nhà nước duy nhất sẽ thoái vốn ngay trong năm nay và trở thành doanh nghiệp tư nhân. Theo kế hoạch, tới năm 2020, Chính phủ sẽ thoái tiếp 36% vốn tại doanh nghiệp này.

Trong khi đó, tại Bộ Giao thông Vận tải, có hai “ông lớn” hàng không cũng lọt vào danh mục những doanh nghiệp phải thoái vốn. Cụ thể, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được lên kế hoạch thoái vốn hai lần.

Lần đầu tiên sẽ thoái 20% vào năm 2018 và tới năm 2020 sẽ thoái tiếp 10,40% (tổng tỷ lệ là 30,4%). Trong khi đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ thoái một lần, tối thiểu 35,16% vào năm 2019.

Một số “ông lớn” khác sẽ thực hiện thoái vốn trong năm 2018 là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) -  thoái tối thiểu 24,86%, Tổng công ty Dược Việt Nam (VinaPharm) - thoái tối thiểu 29,98%, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) thoái tối thiểu 46,88%, Tổng công ty Viglacera (Viglacera) thoái 20,62%, CTCP Nhựa Hà Nội thoái 81,71%, CTCP Điện cơ Thống Nhất thoái 46,9%...

Có 49/135 doanh nghiệp thoái trên 51%

Thống kê sơ bộ của Đầu tư Chứng khoán, trong danh mục 135 doanh nghiệp thoái vốn năm 2017, có 49 doanh nghiệp thoái vốn với tỷ lệ trên 51%. Trong cả giai đoạn 2017 - 2020, có 134/406 doanh nghiệp thoái vốn trên 51%.

Nhiều doanh nghiệp thoái gần 100% vốn nhà nước trong năm nay như Tổng công ty Mía đường II – CTCP sẽ thoái 92,98% vốn nhà nước, CTCP Nước sạch Quảng Ninh thoái 95,16%, CTCP Công trình đô thị Ninh Thuận thoái 91% vốn nhà nước, CTCP Cấp nước Sơn Tây (Hà Nội) thoái 95,59% vốn nhà nước, CTCP Cơ điện công trình (Hà Nội) thoái 98,89%, CTCP Quản lý, sửa chữa đường bộ Đắk Nông thoái 90,98%, CTCP Tổng hợp Vĩnh Thạnh (Bình Định) thoái 91,33%...

Nếu như Bộ Công Thương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, mỗi bộ chỉ có 1 doanh nghiệp trong danh mục thoái vốn năm 2017 thì Bộ Xây dựng đứng đầu bảng với số lượng doanh nghiệp cần phải thoái vốn nhiều nhất trong các bộ, ngành gồm 8 doanh nghiệp trong đó có những doanh nghiệp quy mô lớn như Viglacera, Lilama… Bộ Giao thông Vận tải đứng thứ hai với 6 doanh nghiệp, chủ yếu trong các lĩnh vực quản lý xây dựng, quản lý bảo trì đường thủy.

Trong năm 2017, có 4 doanh nghiệp sẽ chuyển về SCIC thực hiện thoái vốn gồm Tổng công ty LICOGI (Bộ Xây dựng) với tỷ lệ thoái vốn 40,71% , CTCP Tư vấn và Đầu tư xây dựng tỉnh Điện Biên thoái 62,45%, CTCP Khoáng sản Tuyên Quang thoái 51%, CTCP Cơ khí Tuyên Quang thoái 39,24%.

Một loạt doanh nghiệp lớn khác cũng sẽ thoái vốn trong năm 2018, nhưng sẽ chuyển về SCIC để thực hiện thoái vốn, bao gồm: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thoái tối thiểu 53,48%, Tổng công ty Thép Việt Nam thoái tối thiểu 57,92%, Công ty Nhựa Việt Nam thoái tối thiểu 64,65%, Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam thoái tối thiểu 20%.

Trước ngày 25 tháng cuối của quý và trước ngày 25/12 hàng năm, các bộ ngành, UBND các tỉnh gửi báo cáo về tình hình triển khai thực hiện đến Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi.

Đối với một số doanh nghiệp đặc thù hoặc có quy mô lớn, việc thoái vốn sẽ thực hiện theo quyết định riêng của cấp có thẩm quyền. Đó là các công ty nông, lâm nghiệp và các công ty con và công ty liên kết của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thực hiện cổ phần hóa; doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND TP.HCM, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước; Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội; Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn; Bệnh viện Giao thông vận tải; Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam; Công ty Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam.

Cửa đầu tư rộng mở

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Cao Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích Công ty Quản lý quỹ IPAAM, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, trong danh mục DNNN thoái vốn đợt này, có những gương mặt tương đối hấp dẫn như Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), giá trị cổ phần lên đến hơn 10.000 tỷ đồng khi thoái hết 52,47%. Có nhiều doanh nghiệp quy mô thoái vốn lớn cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ, chú trọng mở rộng nguồn vốn cân đối thu chi ngân sách.

Cũng theo ông Hoàng, bức tranh DNNN thoái vốn đợt này được sắp xếp rõ ràng hơn, đặc biệt từ năm 2017 trở lại đây là giai đoạn thị trường nhận được sự hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay thông qua các chính sách tiền tệ và hành lang pháp lý cho thoái vốn. Tuy nhiên, khối lượng thoái vốn lớn dồn toa một lúc sẽ có nhiều lo ngại về sức hấp thụ của thị trường bởi nguồn tiền hiện nay chia bớt cho các kênh đầu tư khác như bất động sản, kênh IPO có thể hấp thụ dàn trải bởi khối lượng doanh nghiệp cùng lúc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng nhiều.

“Thực ra, đây chỉ là một chút lo ngại, bởi cuộc chơi càng lớn thì sức hấp dẫn càng lớn, mở ra cơ hội lớn cho người chơi. Nhà đầu tư đang tìm thấy nhiều cái tên đáng chú ý như PVOil, PVTex, VEAM”, ông Hoàng khẳng định.

Trước câu hỏi số doanh nghiệp thoái vốn dưới 51% còn nhiều, Nhà nước vẫn nắm nhiều quyền chi phối liệu có ảnh hưởng đến việc lựa chọn đầu tư hay không, ông Hoàng cho rằng, tỷ lệ thoái vốn hoàn toàn không có nhiều tác động đến quyết định của nhà đầu tư. Quá khứ cho thấy, có những doanh nghiệp thoái vốn ít, nhưng có lợi thế cạnh tranh, định hướng sản xuất kinh doanh tốt, chính sách đối với cổ đông sau IPO tốt sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn là con số thoái hơn 51%.

Cũng theo phân tích của ông Hoàng, tỷ lệ thoái vốn chỉ ảnh hưởng nhiều đến quyết định của nhà đầu tư chiến lược ngành dọc. Ví như một hãng hàng không Pháp có ý định mua cổ phần tại ACV họ sẽ chú ý nhiều đến tỷ lệ thoái vốn, thoái tỷ lệ càng nhiều họ sẽ càng thích, còn nhà đầu tài chính không quan tâm đến con số 51%.

Rất quan tâm tới các DNNN thoái vốn đợt này, một nhà đầu tư cho báo Đầu tư Chứng khoán biết, điều họ chờ đợi là thông tin minh bạch, tài chính minh bạch và lộ trình sau IPO của doanh nghiệp đó. Những thông tin này sẽ hỗ trợ cho nhà đầu tư trước quyết định rót vốn.

Đại diện một số quỹ đầu tư cũng khẳng định, phản ứng chung của thị trường rất tích cực xung quanh thông tin thoái vốn đợt này, nhưng một số nhà đầu tư cũng tỏ ra cẩn trọng trước khi rót vốn. Bởi vấn đề họ quan tâm nhiều nhất là câu chuyện minh bạch thông tin, một điểm yếu cố hữu của DNNN.

Nhận định chung về cơ hội đầu tư, ông Cao Minh Hoàng khẳng định: “Tôi cho rằng, chủ trương thoái vốn tại 406 DNNN giai đoạn 2017 - 2020 của Chính phủ là một cơ hội lớn cho nhà đầu tư và thị trường. Không nên đánh giá thấp những doanh nghiệp thoái vốn với tỷ lệ nhỏ bởi thực tế cho thấy, GAS từng chỉ thoái 4,5% hay DPM thoái 40% nhưng rất hấp dẫn các nhà đầu tư và trở thành những doanh nghiệp tốt trên thị trường.

Khi các DNNN lần lượt IPO, nguồn hàng phong phú sẽ thực sự trở thành cơ hội lớn cho thị trường với cửa đầu tư rộng mở.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục