Hai thái cực trong rổ hàng thoái vốn của SCIC

(ĐTCK) Hoặc là “hàng ngon” hoặc “rất kém”, đó là hai dạng doanh nghiệp có tên trong danh sách 99 doanh nghiệp mà Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) triển khai thoái vốn từ nay đến cuối năm.
Hai thái cực trong rổ hàng thoái vốn của SCIC

Theo kế hoạch, danh mục bán vốn năm 2017 của SCIC có 114 doanh nghiệp sau hiệu chỉnh, bổ sung (theo Công văn số 10890/BTC-TCDN ngày 15/8/2017 của Bộ Tài chính).

Trong danh sách bổ sung có tên một số doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn, kinh doanh hiệu quả trên thị trường như Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Dược Domesco, Vinaconex, Bảo Minh…

Theo nhận xét của các công ty chứng khoán tham dự Hội thảo “Trao đổi giải pháp đẩy mạnh công tác bán vốn Nhà nước của SCIC năm 2017" tổ chức tuần qua, có 22/99 doanh nghiệp có khả năng hấp dẫn nhà đầu tư, còn lại đều là các doanh nghiệp có tồn tại hoặc rất khó khăn, có doanh nghiệp đang bên bờ phá sản.

Lãnh đạo SCIC cho biết, công tác bán vốn của SCIC đang gặp phải một số khó khăn vướng mắc liên quan như: Đối với doanh nghiệp trong danh mục, tình hình sản xuất-kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do sức mua suy giảm, khả năng tiếp cận vốn vay bị hạn chế, lãi vay có xu hướng giảm, nhưng vẫn ở mức cao so với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; một số doanh nghiệp không xác nhận công nợ, gây khó khăn cho quá trình thoái vốn, không phối hợp cung cấp thông tin cho tư vấn để hoàn thiện hồ sơ bán...; một số doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả (thua lỗ, thậm chí âm vốn chủ sở hữu), không có báo cáo tài chính, không xác định được giá trị, đã ngưng hoạt động nhiều năm, đang làm thủ tục phá sản, nhưng chưa có cơ chế bán theo giá tượng trưng/cơ chế đặc thù.

Có doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn hoặc kinh doanh hiệu quả, nhưng không có tiềm năng, lợi thế chưa đủ hấp dẫn, mức giá giao dịch trên thị trường thấp, tính thanh khoản kém nên bán nhiều lần không thành công…

Nhiều doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt, khó bán, tỷ lệ sở hữu hoặc quy mô nhỏ, hiệu quả không tốt, tình hình quản trị phức tạp, đòi hỏi phải xử lý trước khi bán…

Đối với SCIC, khó khăn hiện nay nằm ở chỗ chưa có quy định về các phương thức bán cổ phần theo thông lệ tiên tiến của quốc tế như phương thức dựng sổ; cơ chế ký quỹ bằng ngoại tệ, doanh nghiệp niêm yết nhưng vẫn chưa có cơ chế bán cả lô...

Lãnh đạo Tổng công ty này còn e ngại từ nay đến cuối năm, nhiều ẩn số sẽ tác động đến công tác bán vốn nhà nước như thị trường chứng khoán biến động lớn, trong khi trường hợp thoái vốn trên 10 tỷ đồng và doanh nghiệp hoạt động không bị lỗ vẫn phải bán đấu giá qua Sở GDCK, chưa được thực hiện qua công ty chứng khoán (CTCK), có thể khiến việc tổ chức bán vốn bị chậm trễ.

Đại diện của 23 CTCK tham gia hội thảo đã nêu ra các ý kiến để gỡ bớt các nút thắt trong công tác bán vốn. Trong đó các ý kiến đều tập trung 3 nhóm nội dung chính liên quan là cơ chế chính sách về thoái vốn; các vấn đề phát sinh trong quá trình phối hợp với doanh nghiệp, xác định giá trị doanh nghiệp, phương thức và quy trình tổ chức bán vốn; phí tư vấn và thưởng cho các CTCK.

Trong đó, có những đề xuất cụ thể như: Nên áp dụng một số phương pháp theo thông lệ quốc tế như dựng sổ, “bán theo rổ”, bán vốn kèm bán công nợ…; chia sẻ mạng lưới nhà đầu tư giữa các CTCK và SCIC; việc xác định lợi thế thương hiệu, vị trí địa lý; nên tăng thời gian chào bán để nhà đầu tư có thời gian tiếp cận thông tin và chuẩn bị nguồn lực; việc xử lý tiền đặt cọc, trong đó xem xét trường hợp cho phép nhà đầu tư nước ngoài được ký quỹ bằng ngoại tệ; điều chỉnh phí cố định, cũng như thưởng bán vốn theo tỷ lệ phần trăm trên giá trị thu được cho các CTCK để phát huy nỗ lực và khuyến khích hiệu quả bán vốn…

Hồng Hà - Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục