Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, gần 93% doanh nghiệp quy mô lớn, trên 87% doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thưa ông, SCIC có cùng “chung cảnh ngộ”?
Cả nền kinh tế gặp khó khăn, tất nhiên chúng tôi cũng vậy, song khác với nhiều doanh nghiệp, kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm của SCIC vẫn rất khả quan.
Năm nay, chúng tôi đặt kế hoạch doanh thu 6.916 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 4.839 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 3.470 tỷ đồng và giải ngân vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Ngoài hoạt động đầu tư gặp khó khăn do cơ chế, chính sách chưa rõ ràng, chiến lược đầu tư giai đoạn tới của SCIC chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì các hoạt động còn lại đạt kết quả khả quan. Dự kiến, trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi hoàn thành 52-54% tất cả các mục tiêu đã đặt ra.
Ông tự tin năm nay SCIC sẽ hoàn thành, thậm chí vượt kế hoạch đã đặt ra?
Trong 6 tháng đầu năm nay, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã 2 lần đến làm việc trực tiếp với SCIC. Tại các buổi làm việc, chúng tôi đã báo cáo nhiều nội dung như chiến lược phát triển, vốn hoạt động, ngành nghề kinh doanh, định hướng phát triển, thoái vốn nhà nước, tiếp nhận quyền đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, kết quả đạt được từ khi thành lập… Chúng tôi cũng báo cáo về một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc, cũng như đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ.
Sau 2 buổi làm việc, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu các bộ, ngành tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật không phù hợp để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động của SCIC. Vì vậy, chúng tôi hy vọng năm nay sẽ đạt và vượt các mục tiêu đã đặt ra.
Tuy nhiên, hoạt động thoái vốn chắc là khó hoàn thành, vì thị trường tài chính bị tác động rất lớn bởi Covid-19?
Như tôi đã nói, đại dịch Covid-19 tác động đến toàn bộ hoạt động của nền kinh tế và người dân, nên SCIC cũng bị ảnh hưởng. Chúng tôi thực hiện rất nghiêm túc chỉ thị giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, nhưng mọi công việc vẫn diễn ra bình thường. Tất cả những vấn đề phát sinh trong quản trị, điều hành và chỉ đạo hoạt động thường xuyên đều diễn ra bình thường, không hề bị ách tắc, gián đoạn. Vì vậy, SCIC mới đạt được kết quả khả quan như tôi đã nói.
Riêng về hoạt động bán vốn, nếu năm 2019, chúng tôi chỉ bán được 314 tỷ đồng, thì trong 6 tháng đầu năm, đã bán được khoảng 700 tỷ đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đạt 54% kế hoạch. Vì vậy, chúng tôi cũng khá tự tin hoàn thành mục tiêu bán vốn trong năm nay.
Quyết định 908/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có cổ phần nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 (thay Quyết định số 1232/QĐ-TTg) quy định, việc thoái vốn của SCIC thực hiện theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vậy nên, chúng tôi vẫn tiến hành theo đúng kế hoạch, ngoại trừ phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cấp nước Gia Lai và Bạc Liêu tạm dừng hoạt động thoái vốn theo Quyết định này.
Quyết định 908/QĐ-TTg quy định, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước phải bàn giao về SCIC 14 doanh nghiệp trước ngày 31/8/2020 và 4 doanh nghiệp khác nếu không hoàn thành việc thoái vốn cũng phải chuyển giao trước ngày 30/11/2020 để SCIC thực hiện thoái vốn. Như vậy, nhiệm vụ thoái vốn của SCIC rất nặng nề, thưa ông?
Chúng tôi thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận quyền đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp do các bộ, ngành, địa phương quản lý. Trước thực tế là việc bàn giao diễn ra khá chậm, chúng tôi đã nhiều lần làm việc với các đơn vị có trách nhiệm bàn giao quyền đại diện phần vốn nhà nước, cũng như đã gửi nhiều công văn tới các cơ quan hữu quan về vấn đề này.
Về việc tiếp nhận doanh nghiệp theo Quyết định 908/QĐ-TTg, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện theo đúng chỉ đạo, đúng quy định, quy trình thủ tục và sau khi tiếp nhận phải thực hiện nguyên tắc bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước, thực hiện thoái vốn công khai, minh bạch. Từ năm 2015 đến hết năm 2019, chúng tôi đã thoái vốn tại 257 doanh nghiệp, với giá trị sổ sách là 8.341 tỷ đồng, thu về 41.016 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thoái vốn không hề đơn giản, có không ít doanh nghiệp thoái nhiều lần, nhưng không thành công.
Ông có hy vọng tiến độ thoái vốn năm nay khả quan hơn?
Chúng tôi đã xây dựng lộ trình, xác định thời điểm thoái vốn với từng doanh nghiệp trên nguyên tắc linh hoạt, phù hợp với tín hiệu của thị trường; đẩy mạnh bán vốn nhà nước theo kế hoạch đã được phê duyệt và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch và tối đa hóa lợi ích của Nhà nước. Vì vậy, kết quả đạt được đầu năm có thể nói là tương đối khả quan.
Tuy nhiên, việc thoái vốn nhà nước còn lại theo kế hoạch giai đoạn 2017-2020 không hề đơn giản, vì còn nhiều vướng mắc trong các quy định hiện hành, đặc biệt là tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP và Nghị định 126/2017/NĐ-CP.
Thực tế cho thấy, thoái vốn nhà nước tại những đơn vị mà tỷ lệ vốn nhà nước rất thấp, chỉ chiếm 10-20%, hoặc tại những đơn vị mà vốn nhà nước có rất ít, chỉ 10-20 tỷ đồng rất khó, đặc biệt tại những đơn vị mà hoạt động sản xuất, kinh doanh không thực sự tốt. Nếu không linh hoạt, vẫn thực hiện theo các quy định cứng nhắc, thì chắc chắn là rất khó bán, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán như hiện nay.
Thoái vốn nhà nước tại những đơn vị mà SCIC đầu tư vốn cũng rất phức tạp, nếu cứ áp dụng các quy định cứng nhắc như bán vốn nhà nước tại các đơn vị mà SCIC tiếp nhận.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan khẩn trương rà soát các quy định hiện hành, nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị của SCIC để tiến hành sửa đổi, bổ sung những quy định không phù hợp với thực tế bán vốn nhà nước hiện nay. Khi các quy định không phù hợp được sửa đổi, bổ sung kịp thời, tôi hy vọng, tiến trình bán vốn sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.