Thoái vốn Nhà nước: Định hình lượng hàng từ SCIC

(ĐTCK) Rất nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, sau 2 thương vụ lớn là VNM và Sabeco, kế hoạch thu 250.000 tỷ đồng từ thoái vốn, cổ phần hóa đến năm 2020 đã đi được 2/3 chặng đường. Vậy tiến trình này có được giảm tốc lại trong năm 2018?
Rất có thể kho hàng thoái vốn tới đây của SCIC sẽ có thêm các tên tuổi mới và tạo ra nguồn cung khá lớn ra thị trường Rất có thể kho hàng thoái vốn tới đây của SCIC sẽ có thêm các tên tuổi mới và tạo ra nguồn cung khá lớn ra thị trường

Chia sẻ về kế hoạch thoái vốn năm 2018, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết, số doanh nghiệp cụ thể chưa được Tổng công ty chốt lại, nhưng tinh thần là tiếp tục đẩy mạnh việc thoái vốn theo đúng kế hoạch đã đề ra trước đây.

4 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn gồm DMC, BMP, FPT và NTP và lượng cổ phần VCG chưa bán hết trong năm 2017 sẽ khẩn trương được hoàn tất các thủ tục để triển khai việc bán vốn. Thực tế, 3 doanh nghiệp trên cần có thêm thời gian để cân nhắc xem xét kỹ trong khâu định giá khởi điểm.

Lý do là Chính phủ yêu cầu tính toán thật kỹ các yếu tố về lợi thế đất đai, sở hữu trí tuệ và thương hiệu của các doanh nghiệp đem thoái vốn. Về sở hữu trí tuệ và thương hiệu của các doanh nghiệp, SCIC đang thuê tư vấn để lên phương án kỹ càng.

Bên cạnh đó, trong danh sách các doanh nghiệp lớn mà SCIC sẽ thoái vốn, theo kế hoạch năm 2018 sẽ có tên các doanh nghiệp bảo hiểm như Bảo Minh, Vinare, các doanh nghiệp có tiềm năng khác như Sa Giang, Khoáng sản Hà Giang…

Trong năm 2017, SCIC đã thực hiện bán vốn thành công tại 38 doanh nghiệp, trong đó bán hết vốn tại 36 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại 2 doanh nghiệp; giá vốn 424 tỷ đồng, giá trị thu được là 932 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần giá vốn. Thương vụ bán vốn tại VNM không tính vào kết quả hoạt động của SCIC.

Nhìn nhận câu chuyện bán vốn ở góc độ thị trường, ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc phụ trách SCIC cho rằng, đợt bán vốn VNM đã tạo tiền lệ, phương pháp luận mới để Việt Nam áp dụng với các đợt bán vốn khác như Sabeco. Theo đó, thương vụ VNM không chỉ tạo làn sóng cho những cổ phiếu đầu ngành, dù không toàn bộ, mà còn là phát súng đầu tiên kéo chỉ số VN-Index lên mức cao nhất hiện nay, tạo bước ngoặt thoái vốn, cổ phần hóa chung của doanh nghiệp nhà nước.

Với những doanh nghiệp dù đã lên kế hoạch thoái vốn như DMC, BMP, NTP… nhưng chưa hoàn thành, đây là khoản tài sản tiềm năng, không bị bán đi, vẫn giữ lại được, khi thị trường chứng khoán tiếp tục khởi sắc, việc bán vốn sau đó sẽ mang lại lợi ích lớn hơn.

“Chúng tôi sẽ điều hành thoái vốn theo tín hiệu thị trường và hiệu quả cho nhà nước cao nhất”, ông Thành cho biết.

Cũng liên quan đến kế hoạch thoái vốn của SCIC, có một điểm đáng lưu ý là tiến độ bàn giao vốn tại 62 doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao vốn về SCIC có thể sẽ được thúc đẩy quyết liệt hơn.

Theo Nghị định 147/2017 mới được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, có bổ sung quy định cụ thể thời hạn chuyển giao vốn nhà nước tại từng loại hình doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện cổ phần hóa phải chuyển giao vốn nhà nước về SCIC trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày bộ, UBND cấp tỉnh hoàn thành việc công bố giá trị vốn nhà nước lần 2.

Trường hợp tại thời điểm chuyển giao, chưa có quyết định công bố giá trị vốn nhà nước lần 2 thì chuyển giao giá trị vốn nhà nước theo giá trị được phê duyệt tại phương án cổ phần hóa hoặc theo quyết định điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Nghị định này cũng quy định rõ chế tài xử lý, theo đó, các trường hợp chây ỳ, chậm bàn giao phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và những phát sinh về tài chính, tổn thất có liên quan (nếu có) theo quy định của pháp luật.

“SCIC đang tích cực làm việc với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công Thương… để thực hiện đúng các quy định về chuyển giao vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc diện bàn giao”, ông Thành cho biết.

Nếu tiến trình bàn giao vốn nhà nước được đẩy nhanh và quyết liệt hơn về SCIC, rất có thể kho hàng thoái vốn tới đây của Tổng công ty này sẽ có thêm các tên tuổi mới và tạo ra nguồn cung khá lớn ra thị trường.

Ước tính đến 31/12/2017, SCIC đạt doanh thu 7.380 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận trước thuế dự kiến 6.616 tỷ đồng, đạt 133,14% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế dự kiến 6.313 tỷ đồng, đạt 135,64% kế hoạch.

Tính cả việc bán vốn lần đầu tại Vinamilk (5,4% vốn điều lệ), SCIC đã thu được kết quả tích cực: Bán vốn thành công tại 38 doanh nghiệp, giá trị thu được là 21.208 tỷ đồng, gấp 19,1 lần giá vốn, chênh lệch bán vốn thu về 20.102 tỷ đồng.

Lũy kế từ khi thành lập đến nay, SCIC đã bán vốn tại 986 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 885 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại 82 doanh nghiệp) và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp với giá vốn là 8.084 tỷ đồng và thu về 27.999 tỷ đồng (gấp 3,5 lần giá vốn).

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục