Kết thúc năm 2017, có thể mạnh dạn nhận định, thêm một năm nữa không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thưa ông?
Theo kế hoạch, năm 2017 cổ phần hóa 44 doanh nghiệp, nhưng các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 45 doanh nghiệp, với tổng giá trị thực tế là 213.747 tỷ đồng, gấp 6 lần năm 2016.
Theo quy định, sau khi phê duyệt phương án cổ phần hóa, chậm nhất là 90 ngày phải tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Như vậy, 45 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa “không còn đường lùi”, chưa IPO năm 2017, thì chậm nhất trong quý I/2018 phải IPO.
Năm 2018, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn chiếm tương ứng hơn 50% và 44,6% của cả giai đoạn 2017 - 2020
Vì vậy, nếu so với kế hoạch, năm 2017 phải IPO 44 doanh nghiệp, có thể nói, tiến độ cổ phần hóa không hoàn thành. Nhưng nhìn rộng ra, cũng có thể nhận định, tiến trình cổ phần hóa năm 2017 đã thành công, đặc biệt là chất lượng cổ phần hóa cao hơn, thể hiện ở tổng giá trị doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa trong năm cao gấp 6 lần năm 2016.
Ngược lại, với “phi vụ” thoái vốn thành công khá bất ngờ tại Sabeco và Vinamilk, có thể nói, hoạt động thoái vốn năm 2017 thành công ngoài dự đoán?
Năm 2017, theo Quyết định 1232/QĐ-TTg phải thoái vốn nhà nước tại 181 doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, chỉ có 10 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định 1232/QĐ-TTg, trong đó có 8 đơn vị nằm trong danh sách thoái vốn năm 2017 và 2 đơn vị nằm trong danh sách thoái vốn năm 2018.
Các tập đoàn, tổng công ty thoái được 1.803 tỷ đồng đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, bảo hiểm, tài chính - ngân hàng, bất động sản và quỹ đầu tư), thu về cho Nhà nước 2.953 tỷ đồng. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã bán vốn nhà nước tại 40 doanh nghiệp với giá trị 1.903 tỷ đồng, thu về 21.639 tỷ đồng.
Đáng lưu ý 2 vụ thoái vốn “đình đám”.
Thứ nhất, Bộ Công thương thoái 53,59% vốn nhà nước tại Sabeco, thu về cho Nhà nước 4,8 tỷ USD. Đây là vụ thoái vốn lớn nhất từ trước đến nay trên thị trường Việt Nam và là một trong những vụ thoái vốn lớn nhất trong khu vực trong vòng 10 năm trở lại đây.
Thứ hai, SCIC tiếp tục thoái 3,33% vốn tại Vinamilk với trị giá chỉ có 247 tỷ đồng, nhưng thu về cho Nhà nước tới 8.990 tỷ đồng.
Tương tự như cổ phần hóa, nếu căn cứ vào kế hoạch thì hoạt động thoái vốn không đạt mục tiêu, nhưng căn cứ vào chất lượng thì có thể khẳng định, năm 2017, hoạt động thoái vốn đã thành công mỹ mãn.
Nhưng vấn đề là, những đơn vị nằm trong kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn năm 2017 chưa thực hiện được sẽ dồn sang năm 2018, trong khi theo kế hoạch, năm 2018 phải cổ phần hóa 64 doanh nghiệp và thoái vốn tại 181 doanh nghiệp?
Năm 2018, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn chiếm tương ứng hơn 50% và 44,6% của cả giai đoạn 2017 - 2020. Vì thế, có thể coi năm 2018 là năm bản lề trong quá trình “tái thiết” doanh nghiệp nhà nước.
Những đơn vị nằm trong danh sách cổ phần hóa, thoái vốn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017 bắt buộc phải thực hiện trong năm 2018, nên áp lực cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018 là rất lớn.
Tuy nhiên, kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn từng năm không phải là bất biến, mà có thể thay đổi, miễn sao cả giai đoạn 2017 - 2020 phải cổ phần hóa được 127 doanh nghiệp và thoái vốn tại 406 doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Khác với kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2011 - 2016 là dồn vào những năm cuối giai đoạn, kế hoạch lần này đẩy mạnh vào năm 2017 và 2018, để nếu như vì lý do khách quan bất khả kháng không thực hiện được kế hoạch năm thì có thể chuyển sang năm sau, vì trong 2 năm cuối giai đoạn (2019 và 2020), theo kế hoạch, chỉ có 19 doanh nghiệp cổ phần hóa và 90 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn.
Vấn đề là, cơ quan đại diện vốn nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp phải quyết tâm thực hiện, thực sự vào cuộc, thực hiện đúng các quy định. Ngược lại, nếu không quyết tâm, cố tình chần chừ, “câu giờ” thì sẽ bị xử lý.
Ông có tin là năm 2018 sẽ hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, đồng thời “xử lý” được cả những doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch năm 2017 chuyển sang?
Với 45 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa mà chưa IPO bắt buộc phải IPO ngay trong quý I/2018, vì như tôi nói, các doanh nghiệp này không còn đường lùi.
Yếu tố góp phần quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định đến tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn, là thị trường chứng khoán hiện rất thuận lợi. Cụ thể, năm 2017, Chỉ số VN-Index vượt mức 970 điểm và là mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Sự bứt phá của thị trường chứng khoán đã đưa VN-Index trở thành một trong 3 chỉ số chứng khoán có mức tăng mạnh nhất thế giới. Vốn hóa thị trường hiện đã lên đến 3,36 triệu tỷ đồng, tăng 73% so với cuối năm 2016; thanh khoản bình quân trên thị trường tăng tới 63%; giá trị giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ bình quân trên thị trường đạt 5.000 tỷ đồng/phiên, có phiên đạt 21.000 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài tham gia rất tích cực trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với giá trị mua ròng 41.000 tỷ đồng, gấp 6 lần năm 2016.
Năm 2018, thị trường chứng khoán sẽ tiếp nối đà bứt phá của năm 2017, cộng với cơ chế, chính sách đã được hoàn thiện, tôi tin rằng, năm 2018, sẽ giải quyết hết số doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn nằm trong danh sách phải thực hiện năm 2018 và doanh nghiệp chưa hoàn thành năm 2017 chuyển sang.
Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhắc lại, nếu trong trường hợp khách quan bất khả kháng, mà không hoàn thành kế hoạch, thì có thể chuyển sang năm 2019 và 2020, miễn là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người đại diện vốn nhà nhà nước tại doanh nghiệp quyết tâm và thực sự vào cuộc.
Theo ông, muốn hoàn thành tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, điều quan trọng nhất là gì?
Là sự quyết tâm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty. Nhìn lại việc thoái thành công 53,59% vốn nhà nước tại Sabeco sẽ thấy rõ, quyết tâm là yếu tố quyết định thành công của tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Trước đây, việc thoái vốn tại Sabeco cũng như nhiều doanh nghiệp quy mô lớn khác đã được đặt ra, nhưng không thực hiện được với muôn vàn lý do. Riêng Sabeco, các cơ quan hữu quan bàn tới, bàn lui liên tục 6 - 7 tháng mà không quyết được phương án thoái vốn. Nhưng sau khi Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh đặt quyết tâm và hứa với Thủ tướng là không chỉ thoái vốn bằng được, mà thoái vốn đạt hiệu quả cao nhất, thì mọi việc đẩy lên rất nhanh, mọi vướng mắc được tháo gỡ hết.
Kết quả là, ngày 18/12/2017 đánh dấu mốc lịch sử trong hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, khi 343.662.587 cổ phần Sabeco được bán hết với mức giá 320.000 đồng/cổ phần, cao hơn 3,2% so với giá giao dịch trên thị trường tại cùng thời điểm.