Tính chất của thương vụ này khác các phiên đấu giá đại chúng vì giá trị cọc mà mỗi nhà đầu tư phải trả lên tới 200 - hơn 400 tỷ đồng. Tất nhiên không ai chuyển số tiền lớn như vậy vào tài khoản phong tỏa mà cọc được thể hiện dưới lệnh bảo lãnh thanh toán của ngân hàng.
Cọc số tiền lớn như trên, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư chắc chắn sẽ tham gia phiên đấu giá và đủ nguồn lực để mua trọn lô cổ phần. Thoái vốn nhà nước tại Vinaconex bước đầu suôn sẻ.
Ðây có thể coi là đợt thoái vốn nhà nước lớn nhất trong nửa cuối năm 2018, quy mô chỉ sau thương vụ thoái vốn tại Sabeco. SCIC hồi hộp bởi năm ngoái đã tiến hành bán vốn tại Vinaconex nhưng do chỉ bán một phần, lại bán rộng rãi cho cả nhà đầu tư nhỏ lẻ nên kết quả không thành công.
Năm nay, phương thức bán đã khác, bán trọn lô, cho phép nhà đầu tư mới có toàn quyền chi phối, lèo lái Vinaconex nên đã tạo sức nóng và độ hấp dẫn đáng kể trên thị trường.
Từ thương vụ này cho thấy, những đề xuất của nhóm đại diện vốn nhà nước tại Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) về việc khó thoái vốn do thị trường chứng khoán khó khăn là không hợp lý, không đủ cơ sở thuyết phục. Ngoài Vinaconex, có không ít doanh nghiệp khác cũng đã IPO, thoái vốn thành công trong năm 2018.
Vì sao trên thị trường có những đợt bán vốn thành công, có những đợt chào bán lại thất bại?
Thất bại nằm phần nhiều ở cách thức thực hiện của những bên có liên quan.
Nội lực thị trường vốn Việt Nam vẫn được đánh giá tốt, thậm chí gần đây VN-Index còn luôn giữ được sắc xanh trước những cơn chao đảo của Dow Jones, kết quả hoạt động, tiềm năng phát triển của những doanh nghiệp nhà nước lớn như Petrolimex chắc chắn được xếp hạng hàng hot trên thị trường.
Vậy câu trả lời cho việc thoái vốn thành công hay không nằm ở những ẩn số như tỷ lệ chào bán; giá chào bán và mức độ truyền thông về đợt chào bán.
Khi nhà nước nắm cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp lớn, chuyện o bế thông tin, mức độ minh bạch thông tin, điếm số về quản trị hiện đại là khá thấp. Bằng chứng là đợt vinh danh các doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu trên TTCK vừa được UBCK, 2 Sở giao dịch và Báo Ðầu tư phối hợp thực hiện mới đây, chỉ xuất hiện lác đác 1 - 2 tên các doanh nghiệp niêm yết có vốn nhà nước chi phối.
Không để chuyện dùng dằng thoái vốn tái diễn, tại Hội nghị Ðổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN trước ngày 31/12/2018 hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định, trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm.
Trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước có trách nhiệm chuyển giao về SCIC để tổ chức thoái vốn theo quy định trước ngày 31/12/2018.
Thông điệp và quyết tâm chính trị đã rõ, giờ là lúc cần hành động.