Rốt ráo tái khởi động dự án
Sau hơn 2 năm chờ gỡ vướng quy hoạch phân khu C4 và ngân hàng bắt đầu rót vốn, Tập đoàn Novaland (mã NVL) đã đẩy nhanh kế hoạch tái khởi động và bán hàng tại dự án Aqua City (xã Long Hưng, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Cụ thể, chủ đầu tư này đã khởi công hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2 phân khu Ever Green 2 có diện tích 64 ha và quy mô khoảng 460 căn biệt thự, shophouse thương mại và nhà phố liền kề. Đây là một trong những dự án thành phần thuộc Khu đô thị Aqua City.
Cùng với việc khởi công hoàn thiện phân khu trên, Novaland đang tập trung xây dựng và bàn giao 891 sản phẩm; đồng thời tái khởi động san lấp và xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại Khu đô thị dịch vụ thương mại Cù Lao Phước Hưng, sau khi các vướng mắc liên quan đến quy hoạch được giải quyết.
Ngoài dự án này, sau quá trình tái cấu trúc, hàng chục dự án khác của Novaland ở TP.HCM và khu vực lân cận cũng nhộn nhịp trở lại với các hoạt động bàn giao nhà. Chẳng hạn, dự án Sunrise Riverside (huyện Nhà Bè, TP.HCM), từ tháng 7/2024 đến nay đã bàn giao 446 sản phẩm tại 2 tháp cuối cùng và trao 429 sổ hồng cho cư dân tại đây.
Theo kế hoạch, trong năm 2025, Novaland sẽ trao sổ hồng cho hơn 7.000 sản phẩm tại 6 dự án ở TP.HCM, bao gồm: Sunrise Riverside (huyện Nhà Bè), Kingston Residence và Orchard Garden (quận Phú Nhuận), The Sun Avenue (TP. Thủ Đức), Lucky Palace (quận 6) và Sunrise City (quận 7).
Tương tự, Công ty cổ phần đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB) tăng tốc triển khai dự án NBB Garden III tại quận 8, sau khi được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt là nhà đầu tư.
Dự án được quy hoạch trên khu đất có tổng diện tích 81.550 m2; trong đó, diện tích đất xây dựng là 19.087 m2, diện tích đất dành cho cây xanh và giao thông là 52.036 m2; diện tích đất dành cho các công trình công cộng là 10.426 m2. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 2.706 tỷ đồng.
Hay tại dự án Metro Star của Công ty cổ phần Đầu tư Metro Star (thuộc Tập đoàn CT Group), chủ đầu tư và các đơn vị phân phối đang rốt ráo chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới khi dự án đã được chấp thuận cập nhật chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận đầu tư sau 3 năm chờ đợi.
Theo chia sẻ từ Công ty Metro Star, đây là tin vui rất lớn không chỉ với chủ đầu tư này, mà còn với các đơn vị nhà thầu, sàn đại lý phân phối, đội ngũ nhân viên, người lao động trong Công ty, sau khi kiên nhẫn chờ hồ sơ đi nhiều vòng ở các sở, ngành, cơ quan thanh tra, kiểm toán, UBND Thành phố... cho đến khi được giao về cho UBND TP. Thủ Đức từ tháng 8/2023 để ký theo phân cấp của Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
“Chúng tôi đã trông chờ ngày dự án nhận được quyết định này từ nhiều năm nay. Hiện mọi thứ đã được giải quyết và chúng tôi sẽ đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án để sớm đưa sản phẩm ra thị trường”, đại diện Metro Star nói.
Nguồn cung căn hộ vừa túi tiền vẫn thiếu hụt nghiêm trọng. Ảnh: Lê Toàn. |
Ghi nhận thực tế cho thấy, bên cạnh dự án được gỡ vướng, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục pháp lý cho các dự án mới để sớm chào bán sản phẩm, giảm thiểu lượng hàng tồn kho.
Đơn cử, tại Tập đoàn Khang Điền (mã KDH), để chuẩn bị cho chu kỳ bất động sản mới, doanh nghiệp này đã đầu tư mạnh vào một loạt dự án, dẫn đến sự gia tăng đáng kể của hàng tồn kho, cũng là hạng mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Công ty, bao gồm Khu đô thị Tân Tạo (6.560 tỷ đồng), cụm dự án Bình Trưng (4.170 tỷ đồng), Emeria (3.470 tỷ đồng), Green Village (1.780 tỷ đồng), The Solina (1.540 tỷ đồng)...
Trong số này, dự án The Solina (huyện Bình Chánh, TP.HCM) có tổng diện tích lên tới 16,4 ha và Công ty đã hoàn tất việc bồi thường đất cho toàn bộ diện tích của dự án. Vào tháng 7/2024, Khang Điền đã thanh toán tiền sử dụng đất cho giai đoạn 1 với diện tích 13,1 ha và dự kiến mở bán giai đoạn 1 vào cuối năm 2025.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá, việc các bên liên quan đồng lòng, đồng sức gỡ vướng pháp lý dự án sẽ giúp khơi thông thị trường. Tuy nhiên, các địa phương phía Nam có số lượng dự án vướng mắc vẫn còn nhiều.
Vì vậy, các sở, ban ngành ở các địa phương cần nhanh chóng xóa bỏ sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng... để thúc đẩy hoạt động đầu tư trên địa bàn của mình.
Cần đa dạng hóa sản phẩm
Bà Dương Thuỳ Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản năm 2024 dự kiến có khoảng 30.000 căn hộ mới được chào bán và phần lớn tập trung tại Hà Nội với hơn 27.000 căn, đây là sự thay đổi lớn so với trước đây.
Còn tại TP.HCM, đâu đó vẫn gặp khó khăn do các vướng mắc pháp lý nên nguồn cung mới phục hồi chậm. Sang năm 2025, thị trường này dự kiến chỉ có khoảng 9.000 căn hộ mới và tăng lên 11.000 căn vào năm 2026.
Theo bà Dung, trong ngắn hạn, giá nhà khó có cơ sở để giảm xuống, cho dù nguồn cung tăng lên. Ở phân khúc bình dân, nguồn cung vẫn thiếu hụt nghiêm trọng, gây áp lực lớn lên nhu cầu nhà ở của người dân. Tình trạng này đặc biệt rõ nét tại TP.HCM, nơi hạ tầng chưa được cải thiện nhiều và giá đất tại các khu vực trung tâm tăng cao.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành cũng cho rằng, thị trường nhà ở tại TP.HCM hiện như một kim tự tháp ngược. Trong đó, phần đáy (phần lớn nhất) là nhóm người có thu nhập trung bình và thấp chiếm số lượng đông đảo nhất, đồng thời có nhu cầu nhà ở cao nhất, nhưng nguồn cung lại ít nhất.
Ngược lại, phân khúc cao cấp - nơi nhu cầu thấp hơn, lại được đầu tư mạnh nhất. Điều này dẫn đến sự mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm, khi phần “đế” của thị trường chưa được đầu tư đủ, còn phần “đỉnh” lại bị tập trung quá mức.
“Sự lệch pha này không chỉ khiến việc tiếp cận nhà ở của đại đa số người dân gặp khó khăn, mà còn tiềm ẩn rủi ro cho sự phát triển bền vững của thị trường”, ông Nghĩa nói.