Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga, nhà đầu tư chạy khỏi chứng khoán

(ĐTCK) Tưởng chừng thị trường tài chính toàn cầu sẽ tiếp tục có phiên bình lặng trước kỳ nghĩ lễ Tạ Ơn ở Mỹ, thì thông tin bất ngờ đã đến khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga, châm ngòi cho cuộc căng thẳng mới.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Việc giá dầu bất ngờ tăng vọt sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga ở gần biên giới của Syria đã giúp cho nhóm cổ phiếu năng lượng tăng mạnh, qua đó giúp phố Wall hồi phục trong phiên chiều và đóng cửa trong sắc xanh, dù cả phiên sáng dao động dưới tham chiếu.

Tuy nhiên, đà tăng là rất nhẹ khi đa số các cổ phiếu khác đều bị bán ra, bởi nhà đầu tư thường có xu hướng thoát khỏi những tài sản rủi ro như chứng khoán khi có căng thẳng địa chính trị.

Theo dữ liệu vừa công bố, GDP quý III của Mỹ tăng 2,1%, cao hơn so với con số ước tính 1,5% được công bố trước đó, cho thấy nền kinh tế Mỹ đã đủ mạnh. Tuy nhiên, cũng theo dữ liệu vừa công bố, niềm tin người tiêu dùng trong tháng 11 lại giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2014 trước mùa mua sắm cuối năm.

Kết thúc phiên 24/11, chỉ số Dow Jones tăng 19,51 điểm (+0,11%), lên 17.812,19 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,55 điểm (+0,12%), lên 2.089,14 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,33 điểm (+0,01%), lên 5.102,81 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại giảm mạnh khi nhà đầu tư nhanh chân thoát khỏi các tài sản rủi ro như chứng khoán khi căng thẳng địa chính trị gia tăng sau hành động bắn rơi máy bay Su-24 Nga của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Nga Putin nói rằng, đây là hành động “đâm sau lưng” và Nga từ chối yêu cầu bồi thường, đồng thời cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng”.

Kết thúc phiên 24/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 28,26 điểm (-0,45%), xuống 6.277,23 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 158,32 điểm (-1,43%), xuống 10.933,99 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 68,84 điểm (-1,41%), xuống 4.820,28 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã tăng trở lại sau 1 ngày nghỉ lễ, bất chấp vụ nổ bom trước đó. Kỳ vọng về tín hiệu kinh tế khả quan giúp chỉ số Nikkei 225 có phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp trong tuần, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục hồi phục nhẹ trở lại.

Kết thúc phiên 24/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 45,08 điểm (+0,23%), lên 19.924,84 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 78,27 điểm (-0,35%), xuống 22.587,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 5,79 điểm (+0,16%), lên 3.616,11 điểm.

Trong khi nhà đầu tư chạy khỏi chứng khoán, thì vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu của Nga, châm ngòi cho cuộc căng thẳng mới lại hỗ trợ đắc lực cho giá vàng. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của đồng USD hạ nhiệt, giá kim loại quý này đã giữ vững được đà tăng trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 24/11, giá vàng giao ngay tăng 6,7 USD (+0,63%), lên 1.075,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 7 USD (+0,66%), lên 1.073,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 tăng 6,7 USD (+0,63%), lên 1.073,3 USD/ounce.

Giá dầu bất ngờ tăng vọt trong phiên thứ Ba khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi 1 máy bay chiến đấu Su-24 của Nga ở gần biên giới với Syria làm châm ngòi cho căng thẳng giữa 2 quốc gia này, cũng như cả khu vực Trung Đông.

Kết thúc phiên 24/11, giá dầu thô Mỹ tăng 1,12 USD/thùng (+2,68%), xuống 42,87 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,29 USD (+2,88%), lên 46,12 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục