Trong khi nhiều doanh nghiệp giúp nhà đầu tư khấp khởi mừng thầm vì đã báo lãi lớn, thậm chí vượt kế hoạch cả năm trong 9 tháng năm 2017, thì không ít cái tên lại khiến nhà đầu tư chỉ biết thở dài, bởi kinh doanh thua lỗ hoặc còn cách đích rất xa.
Lỗ lũy kế ngàn tỷ đồng
Trong số những doanh nghiệp thua lỗ triền miên và cho đến nay vẫn chưa có sự cải thiện, phải kể tới Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Đại Dương (OGC). Đặt kế hoạch cả năm lãi 26 tỷ đồng, tuy nhiên, 9 tháng năm 2017, OGC ghi nhận lỗ trước thuế là 185 tỷ đồng. Với kết quả này, Công ty đang lỗ lũy kế ở con số “khủng” 2.742 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS) đã lỗ liên tiếp 11 quý, nâng tổng lỗ lũy kế đến hết quý III/2017 lên con số 1.033 tỷ đồng, khá gần với mức vốn điều lệ 1.400 tỷ đồng. Nhiều khả năng, VOS sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc do có 3 năm thua lỗ liên tiếp, (năm 2015 lỗ 295 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 354 tỷ đồng).
Cùng tham gia “Câu lạc bộ” lỗ lũy kế ngàn tỷ, không thể không kể đến Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX), bởi tình trạng làm ăn đi xuống từ năm 2011 đến nay vẫn có nhiều chưa cải thiện, nguyên nhân chính là “sa lầy” vào đầu tư bất động sản, dẫn tới mất cân đối tài chính. Hiện tại, dù Công ty đã kinh doanh có lãi trở lại nhưng vẫn chưa thể bù đắp cho khoản lỗ lũy kế 2.982 tỷ đồng tính tới ngày 30/9/2017.
Với CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF), 9 tháng đầu năm, TTF ghi nhận lãi ròng 8 tỷ đồng, khả quan hơn so với con số lỗ nặng cùng kỳ năm ngoái là 1.475 tỷ đồng, nhưng vẫn còn cách xa kế hoạch lợi nhuận hơn 35 tỷ đồng trong năm nay. Tính đến cuối quý III, TTF còn lỗ lũy kế 1.409 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu là 1.446 tỷ đồng.
Nhằm tránh hủy niêm yết bắt buộc, Công ty đang có những giải pháp nhằm không để tổng số lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 vượt vốn điều lệ thực góp. “Phao cứu sinh” cho TTF là đợt phát hành riêng lẻ 1.000 tỷ đồng sắp tới đây, khi khả năng thành công được dự báo rất cao.
Vỡ và có nguy cơ vỡ kế hoạch
Trong khối các doanh nghiệp ngành xây dựng, bất động sản, một số doanh nghiệp nổi lên khi có kết quả kinh doanh gây thất vọng cho cổ đông. Chẳng hạn, CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương (PPI) lên kế hoạch cả năm 2017 với doanh thu thuần 402 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 29 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quý III, PPI lỗ ròng 8,6 tỷ đồng, khiến lũy kế 9 tháng lỗ 23,5 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2016 có lãi 2,2 tỷ đồng), còn cách rất xa kế hoạch đặt ra. Theo PPI, doanh thu quý III có sự giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái do các dự án mới trúng thầu vừa triển khai và sẽ được ghi nhận trong kỳ báo cáo sắp tới. Dù vậy, liệu kết quả quý IV có khả quan, Công ty có thể về đích kế hoạch năm 2017 hay không vẫn là điều còn bỏ ngỏ.
Một tên tuổi khác được biết đến là chủ đầu tư của nhiều dự án nhà ở xã hội nhưng đang loay hoay tìm cách chạm đích năm nay là CTCP Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân (HQC). Trong quý III, nhờ ghi nhận doanh thu tài chính hơn 23 tỷ đồng, tăng gần 147% so với cùng kỳ năm 2016 nhờ thu lãi từ bán chứng khoán và lãi bán hàng trả chậm, HQC đã có lãi 10,7 tỷ đồng. Dù vậy, doanh thu thuần 9 tháng của Công ty mới đạt hơn 575 tỷ đồng, giảm 44,3%, lãi sau thuế hợp nhất 52,4 tỷ đồng, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt đạt 28,8% và 26% kế hoạch cả năm.
Một trường hợp khiến nhà đầu tư sốt ruột khác là CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA), khi trong vài năm trở lại đây thường đặt kế hoạch với các con số ấn tượng, nhưng kết quả thực tế lại rất khiêm tốn. Năm 2017, ITA đặt kế hoạch lãi sau thuế 309 tỷ đồng, gấp 8 lần thực hiện năm 2016, nhưng lũy kế 9 tháng đầu năm, con số này chỉ là hơn 39 tỷ đồng, tương ứng 12% kế hoạch.
Điểm tích cực của Công ty là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đã cải thiện, đạt 158 tỷ đồng thay vì âm 888 tỷ đồng như năm trước, chủ yếu nhờ người mua trả tiền trước ngắn hạn và chi phí phải trả ngắn hạn tăng.
Trong nhóm doanh nghiệp thủy sản, CTCP Minh Phú (MPC) có kết quả tích cực hơn hẳn năm trước. Cụ thể, kết thúc 9 tháng đầu năm, MPC ghi nhận 10.828 tỷ đồng doanh thu, tăng 33% so cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cũng có bước nhảy vọt với gần 389 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần mức 61 tỷ đồng của cùng kỳ 2016. Tuy nhiên, dù đạt 69% kế hoạch doanh thu, lợi nhuận của MPC mới chỉ tương đương 46% mục tiêu đề ra. Điều này gây lo ngại về khả năng về đích lợi nhuận 2017 của doanh nghiệp.
Dù vậy, trong tháng 10, Công ty đã có sự tăng tốc với đạt kết quả khá ấn tượng. Lũy kế 10 tháng, MPC sản xuất được 46,6 ngàn tấn và xuất khẩu 45,4 ngàn tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt tổng cộng 566,6 triệu USD. Theo đó, Công ty ghi nhận doanh thu 12.616 tỷ đồng và thu về 558 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn gấp 7 lần con số thực hiện trong năm 2016.
Với kết quả này, MPC đã hoàn thành hơn 80% kế hoạch sản lượng sản xuất; 83% kế hoạch xuất khẩu; 80% kế hoạch doanh thu và 66% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm nay. Nhờ vậy, khả năng về đích của MPC đã “cải thiện” hơn so với kết quả 9 tháng.
Không khả quan như MPC, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV (niên độ 1/10/2016 - 30/9/2017) của CTCP Hùng Vương (HVG) cho thấy, doanh thu thuần ở mức 3.588 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, hoạt động tài chính trong quý âm 127 tỷ đồng do chi phí lãi vay. Lũy kế cả niên độ, HVG vẫn lỗ 132 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 49 tỷ đồng cùng kỳ 2016. So với con số mục tiêu của năm là doanh thu 25.000 tỷ đồng, lợi nhuận 700 tỷ đồng, HVG tiếp tục “vỡ trận”.
Trong khi đó, với doanh nghiệp cao su chế biến, việc giá cao su bắt đầu cải thiện từ năm 2017 sau nhiều năm lao dốc khiến các công ty ngành này có kết quả lợi nhuận kém khả quan hơn. CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) không nằm ngoài xu hướng khi liên tục trong 3 quý năm 2017, lợi nhuận sụt giảm dần từ 71 tỷ đồng, về 35 tỷ đồng và 25 tỷ đồng trong quý III, giảm 70% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân là chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao kéo theo giá vốn bán hàng hóa, khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 98 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 151 tỷ đồng.
Khép lại 9 tháng, DRC lãi ròng 131 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, doanh thu đã thực hiện được 73%, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 30% của chặng đường 540 tỷ đồng.
Chưa kể, DRC tiếp tục công bố dự báo kết quả kinh doanh quý IV không mấy khả quan với lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ 23 tỷ đồng, trong khi giá trị sản xuất thực tế lên đến 952 tỷ đồng và doanh thu bán hàng 1.000 tỷ đồng.
Hiện tại, HĐQT DRC đã thực hiện việc điều chỉnh kế hoạch năm 2017, trong đó chỉ tiêu lợi nhuận giảm mạnh từ 540 tỷ đồng còn 186 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính trên kế hoạch mới, 9 tháng đầu năm, DRC đã thực hiện 70% kế hoạch.