Thiếu vắng các thương vụ thoái vốn lớn

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp lớn có tên trong danh sách thoái vốn nhà nước, nếu các bộ, ngành chưa thực hiện được thoái vốn thì phải chuyển về SCIC để thực hiện. Tuy nhiên, thực tế lại không diễn ra như vậy, khiến thị trường thiếu vắng các đợt thoái vốn.

Thiếu vắng các thương vụ thoái vốn lớn

Hoạt động chuyển giao doanh nghiệp về SCIC được cải thiện...

Lũy kế từ khi thành lập năm 2005 đến hết tháng 10/2020, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tiếp nhận 1.068 doanh nghiệp, với tổng vốn nhà nước hơn 21.969 tỷ đồng.

Năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 5/1/2019, SCIC đã chủ động báo cáo, đề xuất với Thủ tướng và các cơ quan có thẩm quyền; làm việc trực tiếp với các bộ, UBND các tỉnh, thành phố rà soát, đôn đốc bàn giao các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC theo quy định.

Kết quả, trong năm 2019, SCIC đã tiếp nhận được 13 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước hơn 7.160 tỷ đồng, trong đó có những doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Thép Việt Nam, Sabeco…

Trước đó, ngày 17/8/2017, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1232/QĐ-TTg, yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC đối với các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao theo quy định của pháp luật.

SCIC đã tiếp nhận số lượng doanh nghiệp và giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp tăng đáng kể so với các năm trước. Nếu như năm 2015, SCIC tiếp nhận giá trị 438 tỷ đồng, năm 2016 là 818 tỷ đồng, năm 2017 là 996 tỷ đồng thì năm 2018 đạt 4.136 tỷ đồng, năm 2019 đạt 7.160 tỷ đồng.

… Nhưng có nhiều khó khăn, vướng mắc

Thực tế triển khai công tác tiếp nhận vốn nhà nước của SCIC trong những năm qua cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Về cơ chế chính sách, Thông tư 83/2018/TT-BTC ngày 30/8/2018 của Bộ Tài chính quy định nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan, trong khi một số doanh nghiệp được cổ phần hóa từ lâu đã không còn đủ hồ sơ, tài liệu, hoặc bị thu giữ để phục vụ cho quá trình điều tra.

Về công tác phối hợp với các bộ, ngành và doanh nghiệp tiếp nhận, mặc dù Thủ tướng đã có chỉ đạo rõ ràng nhưng về cơ bản vẫn còn tâm lý ngần ngại, xin cơ chế đặc thù từ các bộ, ngành.

Việc tiếp nhận và thời điểm tiếp nhận doanh nghiệp phụ thuộc vào việc bàn giao của các bộ, ngành nên trong thực tế 5 năm 2015 - 2019, bình quân SCIC chỉ tiếp nhận được chưa đến 20 doanh nghiệp/năm, tỷ lệ hoàn thành không cao. Do không chủ động được nguồn đầu vào tiếp nhận, SCIC bị động trong kế hoạch bán vốn đối với các doanh nghiệp tiếp nhận thêm.

Không ít doanh nghiệp khi SCIC tiếp nhận chưa hoàn thành việc quyết toán vốn lần 2 khi cổ phần hóa.

Theo quy định, trách nhiệm hoàn thành việc quyết toán thuộc cơ quan, tổ chức cổ phần hóa, nhưng có những bộ, ngành sau khi tiếp nhận đã không tích cực thực hiện việc này, mặc dù SCIC chủ động có các công văn đề nghị phối hợp trong công tác quyết toán. Việc chưa hoàn thành quyết toán cổ phần hóa khiến SCIC gặp khó khăn khi triển khai bán vốn.

Đối với các doanh nghiệp các bộ, ngành chủ động đề xuất bàn giao thì thường có tồn tại về tài chính như chưa quyết toán vốn lần 2, công nợ phải thu, phải trả không rõ ràng.

Tình trạng phổ biến là doanh nghiệp không đủ hồ sơ tài liệu, không đủ điều kiện tiếp nhận, hoặc đã mất hết vốn.

Các doanh nghiệp tiếp nhận trong thời gian qua và dự kiến trong thời gian tới thường là những doanh nghiệp lớn, hoạt động theo mô hình tập đoàn, tổng công ty.

Các tập đoàn, tổng công ty - công ty mẹ chủ yếu đóng vai trò quản lý vốn, các tài sản quan trọng, các vấn đề tồn tại cần xử lý phần lớn nằm ở các đơn vị thành viên. Do đó, việc thẩm định hồ sơ doanh nghiệp sẽ phải tập trung vào các đơn vị bên dưới, đòi hỏi nhiều thời gian, cần sự phối hợp của doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp không hợp tác sẽ gặp nhiều khó khăn do những tài liệu quy định tại Thông tư 83 chưa đủ để đánh giá toàn diện tình hình doanh nghiệp, mà cần những tài liệu bổ sung khác.

Một số bộ, ngành yêu cầu nhận bàn giao doanh nghiệp theo gói (cả doanh nghiệp còn vốn lẫn doanh nghiệp đã mất hết vốn, nếu không thì không bàn giao).

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp của các bộ, ngành khi cổ phần hóa để lại tỷ lệ sở hữu rất thấp, khiến SCIC gặp khó khăn cả trong công tác quản trị lẫn triển khai bán vốn sau khi tiếp nhận. Có những doanh nghiệp chưa quyết toán vốn lần 2 nên Tổng công ty chưa triển khai ngay được việc bán hết cổ phần.

Kỳ vọng giai đoạn mới

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong tiếp nhận bàn giao vốn nhà nước, SCIC vẫn đang nỗ lực đẩy nhanh việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các loại hình doanh nghiệp, bao gồm cả các tập đoàn kinh tế, tổng công ty đã hoàn thành sắp xếp, cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Dự kiến, đối tượng doanh nghiệp bàn giao về SCIC trong giai đoạn 2020 - 2025 bao gồm tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước.

Dự kiến, đối tượng doanh nghiệp bàn giao về SCIC trong giai đoạn 2020 - 2025 bao gồm tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, không phụ thuộc vào quy mô, ngành nghề, hình thức doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, SCIC dự kiến sẽ tiếp nhận quyền đại diện chủ hữu vốn nhà nước tại các tổng công ty, doanh nghiệp lớn từ các bộ, ngành Trung ương với khối lượng công việc rất lớn và phức tạp.

Cụ thể, 11 doanh nghiệp là các tổng công ty mà các bộ không hoàn thành thoái vốn trong năm 2019 như Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Sabeco (Bộ Công thương); Viglacera, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng công ty Sông Hồng (Bộ Xây dựng); Tổng công ty Dược Việt Nam (Bộ Y tế )…

13 doanh nghiệp từ các bộ chuyển giao về SCIC để thoái vốn như Vinaincon (Bộ Công thương); Tổng công ty Cơ khí Xây dựng, Tổng công ty Sông Đà (Bộ Xây dựng)…

Để công tác tiếp nhận vốn nhà nước từ các bộ, ngành về SCIC đạt hiệu quả, các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về việc bàn giao các doanh nghiệp chậm thoái vốn, không hoàn thành việc thoái vốn trước ngày 31/12/2019 hoặc theo tiến độ mà Thủ tướng chỉ đạo tại Quyết định 1232.

Bên cạnh đó, khi xây dựng phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, các bộ, ngành cần xây dựng phương án phần vốn nhà nước giữ lại sau cổ phần hóa tối thiểu ở mức 36% vốn điều lệ để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản trị và bán vốn hậu cổ phần hóa.

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 12 - năm 2020, với chủ đề “Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới/Upsurging in the new normal” sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba, ngày 24/11/2020.

Diễn đàn do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 sẽ thảo luận các cơ hội M&A trong giai đoạn bình thường mới khi Việt Nam đứng trước cơ hội đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển ra khỏi các thị trường lớn; cơ hội từ các hiệp định thương mại mới, từ việc sửa đổi luật pháp về đầu tư kinh doanh, cơ hội từ việc đẩy mạnh hoạt động M&A của nhiều tập đoàn trong chiến lược tái cơ cấu, hoàn thiện hệ sinh thái, chuỗi giá trị; chia sẻ kinh nghiệm từ các nhà lãnh đạo hàng đầu về M&A…

Diễn đàn có các hoạt động chính sau:

- Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế.

- Vinh danh Thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2019 - 2020.

- Phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2019 - 2020.

- Khóa đào tạo quốc tế về Chiến lược M&A được thiết kế cho chủ doanh nghiệp, CEO, quản lý cấp cao doanh nghiệp, tổ chức tư vấn và quỹ đầu tư với giảng viên là GS. Augustine Hà Tôn Vinh, Chủ tịch Stellar Management và ông Paul Digiacomo, Giám đốc điều hành cấp cao BDA Partners.

Tham khảo thông tin tại http://mavietnamforum.com

Thành Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục