Thiếu nhiều tiêu chí nâng hạng thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc nâng hạng thị trường thành công sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu này, vẫn cần thêm thời gian.
Thiếu nhiều tiêu chí nâng hạng thị trường

Kết luận “Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, tổ chức ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.

Từ nhiều năm nay, các thành viên thị trường vẫn mong mỏi thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được tổ chức xếp hạng toàn cầu của Mỹ (MSCI) và tổ chức xếp hạng thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán London (FTSE) nâng hạng lên nhóm mới nổi. Trong đó, việc lọt vào bảng xếp hạng thị trường mới nổi của MSCI là mục tiêu được Việt Nam hướng tới.

Theo phân tích của ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư AFA Capital, các tiêu chí nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi tập trung vào hai yếu tố chính: quy mô và thanh khoản của thị trường (định lượng) và khả năng tiếp cận thị trường (định tính).

Về quy mô và thanh khoản, có 4 tiêu chuẩn (số lượng công ty được nằm trong Standard Index, tổng vốn hóa thị trường, vốn hóa thả nổi và thanh khoản thị trường được tính bằng tỷ lệ giá trị giao dịch hàng năm),Việt Nam gần như đã đáp ứng được 3 tiêu chuẩn trong đó.

Đây cũng được coi là điều kiện cần và đủ để Việt Nam đảm bảo các tiêu chuẩn về định lượng. Vấn đề chính của Việt Nam là những tiêu chuẩn định tính. Trong kỳ xếp hạng mới nhất vào tháng 6/2021, có 9 tiêu chí mà Việt Nam vẫn chưa đạt.

Có thể kể đến như tỷ lệ sở hữu, hạn chế về sở hữu và quyền bình đẳng của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó là sự dễ dàng luân chuyển vốn vào ra và mức độ tự do của thị trường ngoại hối.

Đặc biệt, hệ thống lưu ký và thanh toán vẫn còn hiện tượng nghẽn lệnh, cũng như phải có những công cụ thấu chi, ứng trước tiền để giao dịch. Cuối cùng là khả năng chuyển đổi khi có những giao dịch không qua sàn và thanh toán bằng hiện vật phải có sự phê duyệt trước của Ủy ban Chứng khoán.

Theo quy trình, bên cạnh việc xem xét các tiêu chí, MSCI sẽ cần có đánh giá dựa trên khảo sát của các nhà đầu tư quốc tế về thị trường.

“Đây là những điểm mà chúng ta phải quyết liệt tháo gỡ mới có thể theo kịp kỳ vọng đến năm 2025, Việt Nam sẽ được nâng hạng từ nhóm cận biên lên nhóm mới nổi. Tuy nhiên, đối với tôi, mục tiêu được nâng hạng vào năm 2025 là khá khó khăn”, ông Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ quan điểm.

Đối với tiêu chí có phần “dễ tính” hơn của FTSE, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, trong kỳ đánh giá rà soát gần nhất của tổ chức này, vẫn còn 2/9 tiêu chí chưa đáp ứng được.

Một là tiêu chí chuyển giao đối ứng thanh toán, tức nhà đầu tư có thể chưa đủ tiền nhưng vẫn được giao dịch (hiện Việt Nam yêu cầu nhà đầu tư phải có đủ tiền trong tài khoản mới cho phép giao dịch). Hai là tiêu chí thanh toán - tỷ lệ hiếm khi giao dịch thất bại không được đánh giá (do Việt Nam chưa báo cáo lên FTSE nên tổ chức này cho rằng Việt Nam không có thông tin để căn cứ).

“Tuy nhiên, hai tiêu chí này có thể được xem xét và khả năng việc nâng hạng thị trường theo tiêu chí FTSE Russell sẽ đạt được vào cuối năm 2023”, ông Lực kỳ vọng.

Trong khi đó, ông Zafer Mustafaeglu - đại diện đến từ World Bank khuyến nghị, để Việt Nam thực hiện mục tiêu đưa thị trường gia nhập nhóm mới nổi nhanh nhất, cần phải có nền tảng vững chắc để thị trường hoạt động hiệu quả.

Theo đó, có một số vấn đề cần được quan tâm sát sao: Thứ nhất là thể chế, bởi thể chế sẽ tạo ra những chính sách, ban hành quy định, thực hiện chức năng giám sát và thực thi hiệu lực.

Thứ hai là hạ tầng, với chìa khóa là hệ thống giao dịch và thanh toán hiệu quả, an toàn.

Thứ ba là chính sách cần tạo thuận tiện cho tất cả các loại hình doanh nghiệp đều có thể huy động vốn trên thị trường vốn thông qua các kênh phù hợp một cách lành mạnh, an toàn, hiệu quả.

Thứ tư là nhà đầu tư cần được ưu tiên bảo vệ. Thứ năm là các tổ chức trung gian phải được cấp phép và giám sát chặt chẽ để đảm bảo những tổ chức này tuân thủ chuẩn mực hành vi tốt và chịu trách nhiệm giải trình về bất kỳ sai phạm nào…

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục