Nâng hạng thị trường mới nổi MSCI, nhanh nhất là năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong chương trình Bí mật đồng tiền số thứ 6, vấn đề nâng hạng thị trường được các chuyên gia đề cập khá nhiều trong phần lớn nội dung.
Nâng hạng thị trường mới nổi MSCI, nhanh nhất là năm 2025

Ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI thường xuyên phải trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài vào dịp đầu năm, hầu như chỉ quan tâm nâng hạng thị trường mới nổi MSCI.

Trong đó, ông Hưng cho rằng: "Nâng hạng thị trường mới nổi (EM) theo tiêu chí của MSCI, dự đoán chính thức ít nhất là năm 2025 với tình trạng chúng ta đang làm mọi thứ chậm như hiện nay".

Thị trường Việt Nam chắc chắn không vào watchlist năm nay vì không có thay đổi nào đáng kể trong nhiều năm qua. Tiến độ dự kiến được ông Hưng đưa ra: nếu có sớm phải năm 2023 - khi có hệ thống mới, thì Việt Nam mới có thể vào watchlist, sau đó, năm 2024 sẽ nâng hạng chính thức và 1 năm sau nữa mới được tính vào rổ chỉ số.

“Lộ trình này là nhanh nhất rồi và tôi nghĩ rằng năm 2025 việc nâng hạng mới thành hiện thực”, ông Hưng bày tỏ nhận định

Khi đạt được ngưỡng tiệm cận thị trường mới nổi, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc nghiên cứu khối Khách hàng cá nhân MBS cho rằng, vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam lên tầm cao mới, trở nên tiềm năng hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài và có thể gia tăng rót vốn.

Nhớ lại lịch sử, trước con sóng WTO năm 2007 - 2008, thị trường Việt Nam tăng 3 lần từ mức thấp nhất. Với thị trường mới nổi 2 - 3 năm tới sẽ có lượng vốn cả chủ động và thụ động vào Việt Nam, có thể vốn nước ngoài là “mồi” nhưng sẽ có tác động tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư trong nước.

Như một số thị trường như Kuwait hay Qatar, trước khi được vào thị trường mới nổi, 2 năm đó chỉ số tăng ít nhất 50%. Với Việt Nam, đã ký kết EVFTA, có cam kết mở cửa thị trường tài chính, vì vậy khi đạt được chỉ tiêu nâng hạng thị trường thì vị thế thị trường Việt Nam tốt hơn, và lan toả cả nền kinh tế.

"Trong 2 năm trước khi chính thức được vào thị trường mới nổi, thường thị trường đầu cơ theo tin này và tăng mạnh, còn khi chính thức, theo thống kê ở nhiều thị trường lại giảm rất mạnh, bởi các quỹ đầu cơ trước đó bán mạnh, và có thị trường giảm 30 - 40%", ông Sơn chia sẻ.

Vậy có ước tính dòng vốn vào thị trường bao nhiêu tỷ USD nếu được nâng hạng?

Ông Hưng cho rằng, hiện đang có nhiều người còn tính với câu chuyện nâng hạng, trong khi nhà đầu tư nước ngoài đã kỳ vọng Việt Nam được nâng hạng và vào trước. Khi Việt Nam chưa phải EM thì quỹ đầu tư vào EM vẫn có thể đầu tư vào Việt Nam với tỷ trọng nhỏ, chẳng hạn 5% đầu tư ngoài chỉ số, ngoài benchmark của EM. Và thường nước được chọn nhiều nhất là Việt Nam, nhưng người ta đã chờ khá lâu và có giai đoạn cũng đã rút ra.

Ước tính tương đối khó, nhưng nếu Việt Nam cần vào EM với tỷ trọng đủ lớn, như trên 1% mới đủ ý nghĩa để các quỹ đầu tư nước ngoài mua. Quan trọng hơn nhiều quỹ chủ động không theo chỉ số, thì việc nâng hạng sẽ được factor nhiều hơn. Còn con số cụ thể khó tính ở thời điểm này, nhưng sẽ là lớn, ông Hưng chia sẻ.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ