Thiếu biện pháp cứng rắn, kinh tế Trung Quốc dễ gặp họa

(ĐTCK) Lịch sử đã chứng minh, chính phủ càng trì hoãn đưa ra các quyết định cứng rắn, thì càng khó kiểm soát và hạn chế thiệt hại từ nợ xấu gia tăng. Câu chuyện này cũng đúng với tình thế hiện nay của Trung Quốc.
Thiếu biện pháp cứng rắn, kinh tế Trung Quốc dễ gặp họa

Giới phân tích đánh giá, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần nhận thức thực tế rằng, họ đang phải đối mặt với các rủi ro gia tăng trong lĩnh vực tài chính. Càng trì hoãn hành động cứng rắn thì sự tự tin trong nước và quốc tế đối với khả năng quản lý kinh tế của Trung Quốc càng giảm bớt. Trong ngắn hạn, những lo ngại về rủi ro nợ xấu sẽ khiến dòng vốn ròng chảy khỏi nước này nhiều hơn, đồng thời hạ thấp triển vọng tăng trưởng GDP trong trung hạn.

Paul Volcker, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), từng đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng khi ông nhậm chức Chủ tịch Fed năm 1979. Để kiềm chế lạm phát gia tăng, ông quyết định đương đầu với khủng hoảng thông qua các chính sách tiền tệ đặc biệt. Kinh tế Mỹ dần ổn định, phục hồi và tiếp tục lộ trình tăng trưởng bền vững của mình sau giai đoạn đó.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay đối với Trung Quốc lại nằm chính ở cấp thượng tầng. Giới lãnh đạo nước này vừa qua đã đưa ra hàng loạt tuyên bố công khai, khẳng định kinh tế Trung Quốc đang trong điều kiện tốt hơn so với các báo cáo được đưa ra trước đó. Do đó, nhiều khả năng Bắc Kinh muốn trì hoãn bất kỳ biện pháp cứng rắn nào, trước khi khẳng định kinh tế Trung Quốc có thể đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%/năm mà Thủ tướng Lý Khắc Cường đang theo đuổi, trong thời kỳ mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi là “bình thường mới”.

Trên thực tế, Trung Quốc đã đối mặt với hàng loạt vấn đề khác nhau, từ tình trạng nợ nần của các chính quyền địa phương và khu vực tự trị, cho tới khó khăn của các doanh nghiệp nhà nước, vốn đang có số nợ khổng lồ. Đó là chưa kể đến những khoản nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản và khu vực “ngân hàng ngầm”, tức là các định chế tài chính không chịu sự ràng buộc của các quy định ngân hàng truyền thống.

Vì thế, chuyên gia Bill Rhodes, cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Citigroup (Mỹ) cho rằng, sẽ không bền vững nếu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục bơm thanh khoản nhằm giữ thị trường ổn định. Đã nhiều thảo luận đưa ra để giảm lượng nợ xấu thông qua các công cụ hoán đổi nợ  - cổ phiếu. Cách tiếp cận này từng rất phổ biến tại khu vực Mỹ Latinh trong cuộc khủng hoảng nợ giai đoạn thập niên 80 của thế kỷ trước và đầu thập niên 1990.

Hơn hết, Trung Quốc cần loại bỏ khẩn cấp các khoản nợ xấu càng nhiều càng tốt. Các tổ chức tài chính lớn phải chấp nhận tình trạng “lỗ”, trong khi một số doanh nghiệp nhà nước và các công ty thuộc dạng “xác sống” (zombie) phải bị đóng cửa. Sự trì hoãn càng lâu thì càng tạo gánh nặng kéo tụt nền kinh tế, chuyên gia Rhodes nhận định.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng có thể nhìn lại bài học lịch sử mà những gì cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ từng thực hiện giai đoạn những năm 1990. Ông không chỉ mở đường cho việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà còn thành công trong việc tăng vốn ngân hàng và giảm nợ xấu cho các công ty trong nước. Cùng lúc, ông khuyến khích các cải cách triệt để nhằm củng cố bảng quyết toán ngân sách của các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời sẵn sàng đóng cửa hàng loạt doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả.   

Giới chức Trung Quốc thừa hiểu rằng, những cải cách tài chính là cần thiết. Mặc dù lãi suất đã được tự do hóa và việc đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là bước đi cần thiết để vận động theo hướng đồng tiền chuyển đổi linh hoạt, song là chưa đủ để hiện đại hóa và tự do hóa các thị trường tài chính, để thúc đẩy tiêu thụ nội địa và giảm sự phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu.

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục