Nếu xem dịch bệnh là thiên tai như Ben Bernanke, thì sau thiên tai là nhân họa. Đọc tin, tôi có cảm giác thiên tai chưa hết, nhân họa có vẻ đã tới.
Italy, nước mà người ta hoan nghênh vì tinh thần lạc quan, nhiều người ra ban công đàn hát ở những ngày đầu cách ly xã hội, nay đang oằn mình với nỗi lo bất ổn xã hội (social unrest). Hãng tin Bloomberg cho biết, cảnh sát Italy hiện được tăng cường triển khai ở một số thành phố như Palermo (thủ phủ của vùng Sicily) vì các băng đảng tội phạm đang dùng mạng xã hội để lên kế hoạch tấn công các cửa hàng trên quy mô rộng.
Bên cạnh nỗi sợ Coronavirus, con người còn sợ đói, sợ thiếu việc làm. Trong khi Mỹ, Anh và Đức có thể chi “tiền tươi” thật sự, thì Italy đang “giật gấu vá vai”. Nhiều chính trị gia và chính quyền địa phương đang chỉ trích gói cứu trợ cho Covid-19 của nước này thật ra là lấy từ tiền ngân sách tính dùng để cấp cho địa phương làm việc khác, bao gồm trợ cấp người nghèo.
Nói nôm na là lấy tiền túi bên trái của người nghèo bỏ qua bên phải, nhưng ít hơn.
Giáo sư Giovanni Orsina làm việc tại Trường đại học Luiss (Rome, Italy) nhận xét rằng, nếu lấy gói cứu trợ 400 triệu euro của nước này chia ra cho các tỉnh, thành phố, thì nó sẽ nhỏ như “đậu phộng”. Tờ Guardian thì đăng nhận xét, nhiều người Italy bị đẩy đến đường cùng đang có nguy cơ phải ra làm việc cho mafia. Trong thời này, mỉa mai thay, chính giới tội phạm mới là những người có nhiều tiền mặt nhất và chúng đang lợi dụng thế mạnh này.
Một góc nhìn khác của vấn đề trên là câu chuyện ở Ấn Độ. Xã hội Ấn Độ quá phức tạp và mức độ nghèo của một bộ phận lớn người dân khiến không thể thực hiện cách ly xã hội. Khi cả ngàn người dùng chung 1 toillet, thì cách ly xã hội như thế nào? Đồng nghiệp tôi, con một gia đình khá giả của Ấn Độ dự đoán từ lâu rằng, dịch mà lan tới Ấn Độ thì không có cách nào kiểm soát được theo kiểu giãn cách xã hội như ở Anh, vì chuyện đó chỉ có thể làm ở một số thành phố của người giàu và đẳng cấp trên.
Ở Anh, cảnh sát cũng đang đối mặt với nhiều tình huống khó khăn do thiếu hụt nhân lực đối phó với các vụ trộm cắp, phá hoại. Trong khi đó, thanh thiếu niên vô công, rồi nghề, rảnh rỗi quá nên bắt đầu tấn công y tá, nhân viên bưu điện… những người đang mạo hiểm sức khỏe và cả sinh mạng giúp xã hội tiếp tục vận hành. Lực lượng cảnh sát ngày càng mỏng và đang phải căng sức đối mặt với nhiều vấn đề cùng một lúc. Quá trình thắt lưng, buộc bụng suốt một thập kỷ ở Anh vừa qua đã làm giảm số lượng hàng ngàn cảnh sát và nhân viên y tế. Đây là lúc nước Anh cảm thấy hệ quả rõ ràng nhất.
Từ những câu chuyện này, tôi có vài suy nghĩ tản mạn.
Thứ nhất, trong cuộc chiến chống dịch, phải chi “tiền tươi” ra mà an dân. Có lập luận rằng, nền kinh tế trong giãn cách xã hội sẽ như lò xo bị nén chặt; nếu nới lỏng giãn cách, nó sẽ bung mạnh trở lại. Song muốn “bung” trở lại, thì tiền đề phải là không để doanh nghiệp và người dân - chủ thể quan trọng trong nền kinh tế - bị kiệt quệ. Một khi người dân và doanh nghiệp kiệt quệ, thì coi như thất bại. Khi “chống dịch như chống giặc”, thì cứu nền kinh tế cũng phải như cứu đói. Không thể chần chừ.
Nhìn vào thực tiễn, khác với Ấn Độ, Italy và Tây Ban Nha, có vẻ như Mỹ, Anh, Áo, Pháp, Đức, Na Uy, Đan Mạch - những nước cũng thực hiện giãn cách xã hội chặt chẽ vẫn còn tránh được bất ổn xã hội là bởi Đức, Pháp giàu có hơn, có quỹ dự trữ an sinh xã hội tốt hơn. Những nước như Na Uy có tích lũy thặng dư ngân sách và có “tấm đệm” an sinh xã hội rất tốt. Ngoài ra, những nước như Anh, Mỹ và Đức nhờ thị trường tài chính phát triển, nên chính phủ không khó huy động tiền “cấp cứu”nền kinh tế qua phát hành trái phiếu (Đức vừa phát hành hơn 300 tỷ Euro trái phiếu).
Nhưng không phải chính phủ nào cũng có thể làm như vậy. Vì sao Italy chỉ có thể chi ra vài trăm triệu euro thay vì tiền tỷ? Lý do là những giới hạn tài khóa và chính sách tiền tệ không nằm trong tay họ, mà nằm trong tay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu. Những nước như Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha nghèo hơn, ít thặng dư ngân sách, nên việc “xoay tiền” với họ hiện không dễ. Ngoài ra, không thể không nói đến tình trạng tham nhũng, quan liêu đến mức tồi tệ ở những nước này.
Bài học trên có hàm ý rất quan trọng với Việt Nam. Chúng ta tự chủ ngân sách và chính sách tiền tệ. Để tránh những tình trạng như ở Italy khi người nghèo bị buộc phải tiếp tay cho mafia vì hết tiền sống, chính phủ trung ương và địa phương phải quan tâm hỗ trợ người dân, chứ không phải lo đi ngăn người dân đi từ vùng này qua vùng khác chỉ để đảm bảo lợi ích cục bộ là địa phương mình không có dịch. Điều quan trọng hơn, là những gói tài trợ hàng ngàn tỷ đồng mà chính phủ đang nói tới khi nào sẽ về đến tay người dân và doanh nghiệp, đúng những nơi đang cần tiền.
Lúc này, những chính phủ giàu có, nắm trong tay nhiều tiền và các quỹ khẩn cấp, có thể đi vay trên thị trường quốc tế hiện có lợi thế. Vừa thoát khỏi nhóm nước nghèo, Việt Nam sẽ gặp nhiều trở ngại hơn, nhưng không thể vì thế mà trì hoãn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đừng nói tới nền kinh tế gì cho xa xôi, đừng nói tới tăng trưởng GDP bao nhiêu phần trăm, hãy đảm bảo an dân trước đã.
Thứ hai, là về ý thức xã hội và niềm tin cộng đồng. Đọc các bài viết, bình luận trên mạng, trao đổi với bạn bè ở nhiều nước, tôi thấy, ở đợt dịch này, xã hội nào mà dân tin tưởng vào năng lực chính phủ, tuân thủ chặt hướng dẫn của Nhà nước về chống dịch, thì mọi việc diễn ra suôn sẻ hơn ở những xã hội mà chính phủ khuyến cáo cần ở nhà, còn dân thì chạy ra mở tiệc tùng. Những xã hội đó sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong kiểm soát dịch.
Có một câu chuyện tôi đọc được ở Mỹ: trong lúc chính phủ đi khuyến cáo giữ vệ sinh, bảo vệ người già, một vài em trẻ tuổi ở Mỹ chẳng rõ vì muốn nổi tiếng hay vì lý do gì khác mà đi quay video thể hiện quan điểm bất mãn với người già, đổ thừa họ làm đảo lộn cuộc sống các em, rồi đi liếm... toillet thể hiện. Một em “người có ảnh hưởng” (influencer) lỡ “chơi dại” như vậy đã phải nhập viện ở California vì... nhiễm coronavirus. Nhiều người cho rằng, những em này đã chịu “quả báo”; có người còn nói những em này không xứng đáng được chữa trị ở bệnh viện. Trong một xã hội có một bộ phận người trẻ thiếu suy nghĩ như vậy, nếu không cách ly thì khó có thể diệt được “giặc” virus. Nhưng đâu phải ở Mỹ mới có chuyện đó?
Nói vậy để thấy, với những nước càng đông dân, nếu ý thức xã hội, niềm tin cộng đồng, hiểu biết xã hội càng thấp, sự tin tưởng của chính quyền vào hành vi tự giác của người dân càng thấp, thì niềm tin của người dân vào hiệu quả của chính quyền cũng sẽ lung lay. Những xã hội đó càng phải tiến hành thêm nhiều biện pháp cách ly cực đoan hơn để chống dịch. Như vậy, về mặt kinh tế, cái giá phải trả cho những biện pháp đó cũng cao hơn. Cũng bởi vậy, vòng xoáy nghèo khó sẽ còn đeo bám nhiều nước.
Hy vọng, Việt Nam sẽ một lần nữa tạo ra sự thần kỳ khác nằm ngoài vòng xoáy nói trên.