Có tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU lên tới gần 3 tỷ USD mỗi năm, ngành cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đang đứng trước nhiều trở ngại để đáp ứng quy định chống phá rừng do châu Âu đặt ra (EUDR).
Theo nhận định của TS. Tô Xuân Phúc - Giám đốc chương trình Quản lý tài nguyên và chính sách thương mại (Tổ chức Forest Trend), rủi ro mất rừng liên quan đến quá trình sản xuất 3 ngành hàng trên là thấp. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng phức tạp sẽ gây trở ngại cho hoạt động truy suất nguồn gốc.
Vị chuyên gia đánh giá, chuỗi cung của ba mặt hàng này hiện tương đối phức tạp, với khâu sản xuất chủ yếu được đảm nhận bởi các nông hộ; khâu thu mua sản phẩm từ hộ được đảm nhận bởi mạng lưới tư thương hoạt động ở các địa bàn và cấp độ khác nhau; khâu chế biến và xuất khẩu tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp lớn.
Tại một số nơi, hoạt động trong khâu trung gian của chuỗi, đặc biệt giữa hộ sản xuất và tư thương diễn ra tương đối lỏng lẻo, thiếu cơ chế kiểm tra giám sát về mức độ tuân thủ với các yêu cầu pháp lý tại các khâu này. Trừ nguồn cung từ các diện tích đã đạt chứng chỉ bền vững, các nguồn cung hiện tại trong chuỗi khó có thể truy suất nguồn gốc sản phẩm.
Ngoài ra, nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài cũng là một vấn đề cần quan tâm trong chuỗi cung ứng các nhóm ngành này. Ông Phúc cho biết ngành cao su Việt Nam đang nhập khẩu một lượng lớn mủ cao su từ Campuchia, với giá trị khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm và nhập khẩu từ Lào khoảng 100 triệu USD. Với ngành cà phê, giá trị thấp hơn, nhưng cũng rơi vào 160-170 triệu USD từ Lào. Tương tự như vậy, bên cạnh nguồn gỗ rừng trồng Việt Nam, ngành gỗ phải nhập khẩu nguồn gỗ nguyên liệu từ ngoài vào để sản xuất và xuất khẩu sang châu Âu.
“Truy suất nguồn gốc với nhóm nguyên liệu xuyên biên giới là vấn đề cần được giải quyết”, vị chuyên gia khẳng định.
Từ đó ông đề xuất Việt Nam cần rà soát lại các nhóm sản phẩm chính đang xuất khẩu vào châu Âu, xác định nguồn nguyên liệu đầu vào đến từ đâu và bóc tách riêng từng nhóm hàng, không để các luồng cung khác nhau chồng lên nhau.
Khẩn trương thành lập tổ công tác liên ngành
EU sẽ sử dụng phương pháp bao trùm để phân loại quốc gia /vùng sản xuất. Các quốc gia/vùng sản xuất cung cấp các mặt hàng cho EU sẽ được phân loại theo 1 trong 3 mức rủi ro mất rừng, gồm: thấp, trung bình và cao. Hàng hóa từ các quốc gia/vùng thuộc nhóm rủi ro cao sẽ phải chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn so với hàng hóa từ các quốc gia/vùng thuộc nhóm rủi ro trung bình và thấp. Cụ thể, tỷ lệ kiểm tra hàng năm với hàng hóa và nhà nhập khẩu sẽ tăng dần theo mức độ rủi ro, tương ứng là 1%, 3% và 9%.
Việt Nam hiện có 3 mặt hàng được xuất khẩu vào EU. Động lực xuất khẩu cũng như mối quan hệ sản xuất các mặt hàng này và nguy cơ mất rừng đối với mỗi mặt hàng cũng khác nhau. Tuy nhiên, chuyên gia Forest Trend phân tích rằng Việt Nam sẽ ở vị thế bất lợi nếu EU lấy mặt hàng có độ rủi ro về mất rừng cao nhất để làm cơ sở phân loại rủi ro quốc gia/vùng sản xuất. Nói cách khác, các mặt hàng có mức độ rủi ro thấp nhưng thuộc phạm vi vùng /quốc gia với một mặt hàng có rủi ro cao thì cũng đối mặt với nguy cơ bị EU coi là mặt hàng có độ rủi ro cao.
Để tránh nguy cơ này đòi hỏi đại diện các ngành hàng và các cơ quan quản lý cần trao đổi và hợp tác chặt chẽ nhằm thống nhất cách tiếp cận giữa các ngành hàng. Sự hợp tác cần đi theo hướng giảm tối đa nguy cơ hoạt động của một ngành hàng này gây bất lợi cho ngành hàng khác trong quá trình EU phân loại quốc gia/vùng sản xuất theo mức độ rủi ro.
Trong trường hợp các ngành có sự phát triển chênh lệch nhau về mức độ sẵn sàng đáp ứng với các yêu cầu của EUDR, Chính phủ và các ngành cần cân nhắc khả năng kiến nghị EU phân loại rủi ro theo từng mặt hàng cụ thể, không gộp chung các mặt hàng khi tiến hành phân loại rủi ro theo quốc gia/vùng sản xuất.
“Tôi đề xuất Việt Nam thành lập tổ công tác liên ngành, vì rủi ro ngành này có thể ảnh hưởng đến ngành khác. Chính phủ, tư nhân và các bên liên quan hãy cùng nhau đồng hành, để tổ công tác liên ngành thành lập càng sớm càng tốt, tránh trường hợp chúng ta chỉ tập trung vào 1 ngành mà bỏ qua những ngành khác”, ông Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.
Ngày 29/6/2023, Quy định của Liên minh Châu Âu (EU) về chống mất rừng và suy thoái rừng (EUDR) chính thức có hiệu lực. EUDR cấm nhập khẩu sản phẩm được sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020. EUDR áp dụng với 7 nhóm hàng nông sản, bao gồm chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Hiện tại, EU vẫn đang tham vấn với các quốc gia và sẽ công bố danh sách phân loại các quốc gia theo từng nhóm rủi ro gây mất rừng chậm nhất vào ngày 30/12/2024. Các quy định của EUDR chính thức có hiệu lực với nhà nhập khẩu lớn vào tháng 1/2025 và với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vào tháng 6/2025.