Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS Việt Nam), 10 tháng 2023 EU đưa ra gần 3.900 cảnh báo về an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu. Trong đó, chỉ có 55 cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm từ Việt Nam.
Con số này đã giảm khoảng 15% so với năm 2022.
Rau quả là nhóm hàng bị cảnh báo nhiều nhất với 23 trường hợp, tiếp đó là sản phẩm thủy sản, bánh kẹo và các sản phẩm chế biến khác. Trong đó vi phạm do dư lượng hóa chất chiếm cao nhất với gần 60%.
Với Hiệp định EVFTA về cơ bản, Việt Nam đã thực thi tốt các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh.
Theo các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh, cứ 6 tháng một lần, EU sẽ rà soát tất cả doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm. Nếu chấp hành tốt các quy định, EU sẽ giảm tần suất kiểm tra, giảm quy định, thủ tục đối với nông sản, thực phẩm Việt Nam nhập vào.
Nếu chấp hành tốt các quy định, EU có thể xem xét giảm tần suất kiểm tra, giảm quy định, thủ tục đối với nông sản, thực phẩm Việt Nam nhập vào, ngược lại sẽ bị tăng tần suất kiểm tra.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường EU đang có bước tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt từ khi EVFTA đi vào thực thi 8/2020.
Năm 2020 đạt 3,07 tỷ USD; năm 2021 đạt 3,236 tỷ USD và năm 2022 đạt tới 4,934 tỷ USD.
Mặc dù vậy, các biện pháp phi thuế quan như biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) hay các rào cản kỹ thuật với thương mại của phía EU đã tạo ra nhiều thách thức đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang EU. Đặc biệt, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua luật mới cấm nhập khẩu các hàng hóa liên quan đến phá rừng.
Mỗi năm EU nhập khẩu hơn 160 tỷ USD các mặt hàng nông sản, tuy nhiên trong đó chỉ có khoảng 4% từ Việt Nam, cho thấy giá trị và kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nhu cầu nhập khẩu của EU.
Với thế mạnh là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển lâu đời, cũng là đất nước được biết đến nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi bật, hàng Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm những mặt hàng đang là thế mạnh đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU, từ đó là nền tảng để tăng tổng sản lượng hàng nông sản, và đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu.
10 tháng 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 43,08 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang châu Á đạt 21,13 tỷ USD, tăng 5,7%; châu Mỹ 9,74 tỷ USD, giảm 20,6%; châu Âu 4,5 tỷ USD, giảm 11,8%; châu Phi 910 triệu USD, tăng 21,6%; châu Đại Dương 641 triệu USD, giảm 17,2%.