Thích ứng để bơi ra đại dương xanh

(ĐTCK) Là người luôn trăn trở với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt, của đất nước, mong muốn những tế bào của nền kinh tế có trong mình bản lĩnh của người tiên phong, dám thay đổi và luôn thay đổi, Giáo sư Phan Văn Trường, Cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp đã dành cho Báo Đầu tư Chứng khoán cuộc trò chuyện trước thềm năm mới 2020. 
Thích ứng để bơi ra đại dương xanh

Một năm lại đã qua, với doanh nhân nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, Giáo sư có quan sát thấy điểm nào đáng lưu ý trong thời gian gần đây?

Nếu nhìn theo chiều hướng tăng trưởng của tổng thể thì nền kinh tế của chúng ta cho thấy một hình ảnh khá tốt. Khuynh hướng này đã tồn tại từ nhiều năm, đánh giá tính năng động không thể chối cãi.

Tuy nhiên, một trong những đặc trưng của nền kinh tế nước ta là sự tập trung chính sách vào các doanh nghiệp mũi nhọn, vào trong một số ít lĩnh vực chuyên môn, cho dù các diễn văn và khẩu hiệu đang có khuynh hướng để giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thoát nghèo.

Nếu chúng ta so sánh nền kinh tế như là một chiếc bánh để chia, thì bánh bành trướng không đủ nhanh, thành thử những thành phần phải chia bánh để ăn đôi khi phải ăn lẫn nhau để sinh tồn.

Một ví dụ mà ai cũng đều biết, nên chẳng phải là một bí mật: Trong ngành địa ốc là ngành tập trung quá nhiều nguồn lực quốc gia, thời kỳ vừa qua đã trông thấy vô số chủ đầu tư đạt những mức trù phú ít từng thấy, nhưng trong cùng lĩnh vực thì những công ty xây dựng hàng đầu bị ép và một số đang bỏ xác, hoặc bị mua lại, hoặc đang mang những món nợ to lớn. Chưa kể đến những người đi mua căn hộ, họ chịu mọi rủi ro thay chủ đầu tư và một số cũng bỏ xác.

Ngoài ra, điều đáng nhận xét nhất là hai lĩnh vực tiềm năng lớn nhất của Việt Nam là nông nghiệp và du lịch nói chung vẫn chưa tạo được hệ sinh thái cho phép điều hòa nhịp nhàng hai ngành này, và nếu chúng ta có tăng trưởng thì chúng ta vẫn không phát triển.

Thích ứng để bơi ra đại dương xanh  ảnh 1

Giáo sư Phan Văn Trường.

Mô hình tăng trưởng của chúng ta vịn rất nặng vào giá rẻ của lao động không chuyên môn. Không ngạc nhiên rằng càng ngày chúng ta càng cần nhiều lao động không chuyên môn, đến nỗi mà cả những thành phần lao động chuyên môn cũng tự biến thành thành phần không chuyên môn để sinh tồn.

Điều này có thể dẫn tới nguy cơ không những chúng ta không thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, mà còn chịu cảnh “nằm nguyên trong bẫy thu nhập thấp”.

Thế rồi, chúng ta cũng có những vấn đề chung cho một số đông doanh nghiệp là doanh nghiệp gia đình. Số đông người sáng lập doanh nghiệp hiện đã tới độ tuổi 60, 70 hoặc cao hơn.

Trong số con cái của họ, tôi chưa có may mắn được gặp và nhìn ra người nào có khả năng thay thế cha mẹ mình để gánh vác công việc với chất lượng tương đương như thế, nhất là những công ty của cha xưa kia còn nhỏ nay dã trở thành những tập đoàn lớn với những vấn đề lớn.

Chỉ trong ít năm ít tháng nữa, các doanh nghiệp Việt Nam cần có nhiều lãnh đạo tầm hoàn cầu, có khả năng điều khiển vài chục ngàn nhân viên, có thể đi tìm vốn tại các thị trường chứng khoán nước ngoài, có đủ kiến thức để mua đứt một số công nghệ.

Nhân đây, tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, ngày nào chúng ta còn chưa có công nghệ riêng, ngày đó chúng ta sẽ vẫn còn là một cỗ máy đơn thuần lao động gia công!

Mà hễ chúng ta còn gia công thì chúng ta vẫn bị khóa chặt trong tăng trưởng đơn thuần, mà không phát triển.

Trong tình huống này, điều chúng ta cần phải biết là các chủ doanh nghiệp sẽ vẫn phải ép lương lao động để “lấy công làm lời”. Cái khóa này chặt lắm và rất cần sự chú ý của cộng đồng cả nước.

Nhưng vẫn có những doanh nghiệp dám tiên phong mạnh tay đầu tư cho R&D, có những doanh nhân đã xoay chuyển nghịch cảnh và đạt thành công, thưa Giáo sư?

Cái ác, trong việc đầu tư vào R&D là phải đạt được chuẩn quốc tế!

Cho dù ngày hôm nay chúng ta chế ra điện thoại hoặc máy cày, những sáng chế này cần phải vượt công nghệ thế giới hiện hành thì mới kể.

Có nghĩa điện thoại của chúng ta phải đẹp hơn chiếc iPhone 11, hoặc Samsung 12 thì mới kể. Chứ nếu không thì ai mua?

Nói đến đó, tôi sẵn sàng nhìn nhận rằng, chúng ta cũng phải bắt đầu vào một lúc nào đó, vào một ngày đẹp trời. Chắc chắn là muộn ít nhất 30 năm, những cũng vẫn phải khởi hành.

Nhưng kết quả sẽ chỉ tới ngày nào mà sản phẩm của chúng ta vượt sản phẩm của thế giới thì mới có người mua. Chỉ tốt không thôi vẫn không đủ, bởi vì thị trường cạnh tranh không dành một mảy may hy vọng nào cho những sản phẩm không đứng hàng đầu, cho dù giá có rẻ bao nhiêu.

Tất nhiên, vẫn có những công ty Việt Nam thành danh, nhưng con số này không nhiều. Chúng ta cần có hàng ngàn công ty đầu tư vào R&D như thế, chứ không thể một vài công ty.

Có một vấn đề khác quan trọng hơn nhiều, cần sự quan tâm lớn là hiện thời, thành phần trung bình (tầng lớp trung lưu) trong nước còn quá thấp. Thành phần này mới chỉ chiếm khoảng 15% dân số. Tại sao chúng ta rất cần thành phần trung bình?

Đó là vì chính đây mới là đạo binh có khả năng tạo ra sự trù phú thực. Thành phần trung bình là cột trụ của nền kinh tế tiêu dùng. Chỉ có họ mới có khả năng mua những sản phẩm từ những doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cùng một lúc, chỉ có họ mới có khả năng khởi nghiệp thành công. Không có thành phần trung bình, sẽ không có công ty khởi nghiệp nào có mảy may hy vọng thành công lớn.

Họ ở cả hai kênh. Kênh mua và kênh sáng chế/sản xuất. Nói một cách khác, nền kinh tế của chúng ta đang vịn vào một dân số quá nhỏ độ 10 triệu dân.

Nói một cách khác nữa, nếu chúng ta không có thành phần trung bình này thì vĩnh viễn, chúng ta sẽ nằm trong bẫy thu nhập thấp và sẽ không bao giờ được nếm mùi phát triển thực sự, mà chỉ có thể cam chịu kiếp tăng trưởng với giá lao động thấp.

Ở Singapore, thành phần trung bình đã đạt đến 60 - 70% dân số, các nước phát triển hơn như Pháp, Đức lên tới 80 - 85%.

Mà rồi, nói xong về vai trò chủ yếu của thành phần trung bình, chúng ta vẫn còn một vấn đề khác nan giải. Đó là năng lực của các lãnh đạo cấp trung trong doanh nghiệp.

Hôm nay, có thể những người này đang làm tốt, nhưng trong bối cảnh tương lai, họ lại còn phải đương đầu với các doanh nghiệp nước ngoài. Tôi đã có dịp đi thăm rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, tôi đánh giá số đông lãnh đạo cấp trung trong doanh nghiệp chưa đủ trình độ để ra biển lớn.

Tại nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có văn hóa báo cáo chặt chẽ, vẫn chưa có khả năng lý luận về công nghệ cao. Đây là chỉ lấy vài ví dụ.

Cuối cùng, chế độ kinh doanh của chúng ta không có hình phạt. Doanh nghiệp phải biết thưởng lớn cũng như phải biết cách chức (tức khắc) khi mà những chỉ tiêu đạt hay không đạt.

Tôi cho rằng, muốn tiến nhanh, chúng ta phải chấp nhận hình phạt. Tổng giám đốc không đạt mục tiêu xin ông từ chức, lãnh đạo cấp trung không đạt mức chuẩn đã đề ra thì cũng xin ông từ chức.

Nếu không làm như vậy, nền kinh tế của chúng ta sẽ không lấy được hết tinh túy của nhân sự, một cách để nói rằng chúng ta sẽ chỉ sống qua ngày.

Ở những tập đoàn lớn, chẳng hạn như FPT đã xảy ra xung khắc thế hệ khi một cựu CEO trẻ áp dụng văn hóa hình phạt và rồi anh ta phải ra đi. Dường như việc này rất khó khăn vì doanh nghiệp Á Đông vốn trọng tình và cũng thật khó để làm gương trong các doanh nghiệp gia đình?

Thứ nhất, tôi không muốn câu chuyện của ngày hôm nay bị cá nhân hóa vào những ví dụ cụ thể.

Muốn áp dụng văn hóa hình phạt/thưởng công này, thì người đứng đầu phải làm gương và quả thực, đó là việc làm kinh khủng lắm.

Vì như tôi đã đề cập, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều là doanh nghiệp gia đình. Không có ông chủ doanh nghiệp nào trừng phạt đứa con mình, thậm chí đứa con trưởng của mình. Chỉ nghĩ tới thôi cũng đã là ghê lắm, chứ chưa nói đến làm.

Tôi không muốn dài dòng về những góc cạnh này. Người chủ doanh nghiệp có mọi quyền để định đoạt tương lai của doanh nghiệp của họ.

Họ có muốn trường tồn và phát triển luôn luôn không, đó là quyền tối hậu của họ.

Nhân đây, tôi cũng xin nhắc là ở những nước văn minh thì chuyện này là không thể, vì doanh nghiệp nào cũng được coi như có cả sứ mệnh xã hội nữa.

Nhiều lãnh đạo tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam biết điểm yếu của họ, tập đoàn của họ nhưng lại chưa thay đổi, chưa thể thoát khỏi tư duy và cách làm quen thuộc lâu nay. Giáo sư có thể khuyến nghị một giải pháp để hóa giải mớ bòng bong này?

Những người sáng lập ra các doanh nghiệp lớn hiện đã vào hoặc quá tuổi hưu rồi, nên họ phải nghĩ đến việc kế vị.

Kinh nghiệm cho thấy, không một gia đình nào mãi mãi có khả năng tìm ra người kế vị ngay trong gia đình mình.

Mà nếu có, chưa chắc gì đứa con khôi ngô đã có ý muốn kế vị! Điều này bắt buộc doanh nghiệp phải tìm người ở ngoài gia đình và cùng một lúc phải cấu trúc lại hình thể để tiếp tục kiểm soát và tạo động lực.

Chuyện khó làm, không thể chối cãi. Không biết họ có đủ can đảm để làm như các doanh nghiệp ở Singapore cách đây mấy chục năm: đưa vào công ty các lãnh đạo cấp cao và cấp trung nước ngoài rồi ngay sau đó tạo nên không khí làm việc khác trong doanh nghiệp.

Chúng ta có một lực lượng rất đông đảo người Việt giỏi giang đang sinh sống ở nước ngoài. Một số đã nghỉ hưu, nhưng lại rất giàu kinh nghiệm và sắc sảo về tư duy, nhiều người thậm chí muốn làm việc không công cho các công ty trong nước, nhưng doanh nghiệp trong nước thường không có ý muốn đưa những người đó về để hỗ trợ.

Thành thử, trong số người này chỉ có một ít về lẻ tẻ, không nhiều. Họ có chuẩn mực làm việc khác, họ làm việc nhanh hơn nhiều, nắm vững kỹ thuật hơn nhiều, cách làm việc bài bản hơn nhiều. Có lẽ chưa khả thi chăng?

Giáo sư đề cập đến một thái độ cầu thị, hành động để có sự thay đổi, để từ đó tạo ra tác động lan tỏa?

Tôi không cho rằng người Việt ở nước ngoài giỏi hơn người Việt trong nước, nhưng phải thừa nhận thực tế là người Việt làm việc trong nước thường không phát huy hết năng lực, khả năng của họ. Đây là một nhận xét.

Chẳng hạn, họ không nắm vững ngoại ngữ nên không có cơ hội đọc tài liệu liên quan đến những lĩnh vực mình đang làm việc.

Nay tôi đã hơn 70 tuổi, nhưng mỗi ngày tôi vẫn đọc ít nhất 20 - 30 trang tài liệu tiếng Anh, tiếng Pháp. Không biết lãnh đạo cấp trung của mình có thực hiện việc tự học không?

Chúng ta cũng hay nói đến đầu tư cho giáo dục. Tôi tham gia đào tạo trong nước nhiều năm rồi và nhận thấy, đào tạo của chúng ta cũng chỉ làm cho có.

Nhiều doanh nghiệp bỏ ra nhiều tiền để đào tạo tiếng Anh cho nhân viên, nhưng rút cuộc vẫn rất ít người có đủ tiếng Anh để làm việc, tức là có đủ tiếng Anh để có thể đọc tài liệu, đọc diễn văn, đủ để thương thuyết hay dẫn dắt công ty ra nước ngoài đàm phán thoải mái.

Vì sao lại như vậy? Đó là chúng ta coi tiếng Anh là chữ phải học, chứ không phải là dụng cụ làm việc bắt buộc phải nắm vững.

Phải thay đổi tư duy, tăng liên kết và áp dụng văn hóa hình phạt... là những lời khuyên của Giáo sư dành cho các doanh nhân, doanh nghiệp, nhưng họ có thể bắt đầu từ đâu để sẵn sàng đương đầu với cơn đại hồng thủy từ môi trường kinh doanh vô cùng cạnh tranh?

Tôi lấy một ví dụ để xem các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam đọc bài báo này có thực hiện được không nhé.

Tập đoàn Alstom (Pháp) của tôi ngày xưa sáp nhập với GE (Anh) vào năm 1988. Họ bắt buộc tất cả nhân viên trong các buổi họp phải nói tiếng Anh và làm báo cáo bằng tiếng Anh, bất chấp nhân viên thuộc quốc tịch nào.

Với người Anh thì thuận lợi, nhưng bên Pháp có tới 40% nhân viên không nắm vững tiếng Anh thì sao?

Vậy mà chỉ trong 1 năm trời, mọi người đã cố gắng hết sức để có đủ khả năng nói và làm việc bằng tiếng Anh một cách bài bản. Ngay một buổi họp ngẫu nhiên toàn người Pháp tham dự, vẫn phải nói tiếng Anh và báo cáo bằng tiếng Anh.

Trong khó khăn, trong bước đường cùng để tồn tại, doanh nghiệp lại thường thay đổi và tìm ra đường đi. Trong 3 cuốn sách mà Giáo sư đã viết đều toát lên thông điệp lạc quan và hướng đến tương lai, rõ ràng chúng ta vẫn phải có niềm tin và kỳ vọng?

Tôi cứ hay bị ám ảnh bởi một ý nghĩ ngộ nghĩnh, hãy đừng ném đá vào tôi nhé: nước Việt Nam chúng ta là một trong những quốc gia mà thiên nhiên ưu đãi quá độ.

Có lẽ là một trong số ít quốc gia mà nếu vì lý do nào đó phải đóng cửa chặt lại thì chúng ta có đủ sông đủ biển, đủ đất phì nhiêu để sống thật hạnh phúc, mà vẫn không cần nhập khẩu bất cứ một mô hình phát triển nào.

Vậy tại sao chúng ta muốn đi theo những nước khác? Đây là một câu hỏi. Tất nhiên, tôi có lời giải thích chủ quan của riêng tôi. Nhưng tôi để cho các bạn đọc tự khám phá.

Nhưng thực tế đó cho phép chúng ta lạc quan muôn đời. Chúng ta không cần ì à ì ạch bắt chước những nước nào đó, nào họ có phát triển và hạnh phúc đâu cho cam! Trên thế giới này có nhiều quốc gia rất tự tại và hạnh phúc.

Đo họ bằng những con số dễ đưa tới ngộ nhận và kết luận sai. Nhưng cứ sang sống tại xứ họ thì mình sẽ khám phá ra một xã hội vô tư, hưởng thụ một cách thật đậm đà. Pháp, Braxin, Argentina, gần chúng ta hơn là Malaysia. Toàn những quốc gia đầy biển sông, đất phì nhiêu, người dân sống ôn tồn chẳng có chút vội vã.

Phải chăng sống thật đúng cách là chính như thế?

Giáo sư Phan Văn Trường là một người Việt thành danh trên môi trường kinh doanh toàn cầu. Ông là chuyên gia đàm phán quốc tế, từng lãnh đạo ba tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực, làm việc trên 60 nước.

Sau khi nghỉ hưu, ông về nước tham gia hoạt động giảng dạy, tư vấn cho nhiều doanh nghiệp trong nước về quản trị doanh nghiệp. Gần đây, ông tập trung cho hoạt động hỗ trợ những người trẻ khởi nghiệp.

Ông là tác giả của bộ ba cuốn sách “Một đời thương thuyết”, “Một đời quản trị” và “Một đời như kẻ tìm đường”.

Ba cuốn sách là kết tinh những kinh nghiệm, những triết lý sống từ một đời làm việc trong môi trường đa quốc gia. Cả ba cuốn sách đã được tái bản nhiều lần và được vinh danh sách hay về quản trị.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục